Bệnh whitmore không trở thành dịch

Thứ Hai, 16/09/2019, 09:39
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định, bệnh whitmore không lây từ người sang người, những ca bệnh này vẫn thường xuyên có mặt và không gây ra dịch, chỉ có những ca bệnh tản phát.


Mấy ngày gần đây, liên tiếp các ca bệnh whitmore – bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm có tỷ lệ tử vong rất cao được phát hiện tại Thái Nguyên, Hà Tĩnh và Nghệ An, trong đó có 3 bệnh nhi mắc whitmore và hai trong số đó đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. 

Trước đó, trong tháng 8-2019, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận 12 ca whitmore nặng được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ, trong đó có 4 ca đã tử vong. Nhiều người lo lắng căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này sẽ lây lan thành dịch?

Bệnh vẫn thường gặp

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tại đây vẫn tiếp nhận các ca bệnh whitmore vào nhập viện chứ không phải bệnh “lạ” 5-10 năm mới xuất hiện. Chính vì vậy, các nhà lâm sàng về bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới không đưa whitmore là bệnh “lạ” hay bệnh bị “lãng quên”. 

Từ đầu năm 2019 đến nay, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 20 ca bệnh whitmore, trong đó riêng tháng 8 ghi nhận 12 ca và đã có 4 ca tử vong. Điển hình nhất là lần đầu tiên Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nữ mắc whitmore với trình trạng vi khuẩn whitmore ăn cánh mũi. 
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân mắc whitmore ở Hà Tĩnh.

Trước khi đến đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết do tụ cầu nhưng vào viện được bác sĩ cấy máu và mủ ở vết thương cho kết quả dương tính với vi khuẩn whitmore. Chính vì thế, các bác sĩ phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị, nếu không bệnh nhân sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

Ngày 9-9, ông Đặng Xuân Hà (61 tuổi, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh trong tình trạng sốt cao, ngón bàn chân phải có khối áp xe, sưng, chảy dịch mủ hôi. Sau khi lấy máu xét nghiệm cho kết quả ông Hà bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei – bệnh whitmore. Vi khuẩn đã tấn công ngón chân của ông Hà khiến ông bị nhiễm trùng nặng, phải chuyển lên tuyến trên điều trị. 

Khai thác tiền sử của ông Hà được biết, ông bị bệnh đái tháo đường type II, biến chứng loét ngón 2 bàn chân phải mà vẫn làm việc đồng áng và tiếp xúc với bùn đất nhưng không có biện pháp bảo hộ nên đã bị vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tấn công qua vết loét.

Từ tháng 7 đến tháng 9-2019, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận 3 bệnh nhi có biểu hiện sốt, sưng đau tuyến mang tai, gia đình tưởng các cháu bị quai bị nên không đưa đến cơ sở y tế thăm khám. Các bác sĩ lấy máu xét nghiệm, cấy mủ và phát hiện cả 3 bệnh nhi đều nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei – bệnh whitmore. Hiện 1 bệnh nhi đã xuất viện sau 50 ngày điều trị, còn 2 bệnh nhi vẫn đang tiếp tục theo dõi.

Ngày 15-9, Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên cho biết, vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân 45 tuổi, ở huyện Võ Nhai, bị bệnh whitmore. Trước đó, nam bệnh nhân này đi làm đồng và bị bừa đâm vào mặt ngoài gối phải. Bệnh nhân mua kháng sinh về uống, nhưng 10 ngày sau vết thương vẫn sưng đỏ, chảy dịch mủ, hình thành ổ áp xe và sốt. 

Nữ bệnh nhân bị “ăn” cánh mũi do bệnh whitmore.

Sau khi phẫu thuật nạo tổ chức viêm, các bác sĩ cấy mủ và phát hiện vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Bệnh nhân đang được điều trị kháng sinh liều cao theo phác đồ trị bệnh whitmore.

Bệnh không lây, không thành dịch        

TS Trịnh Thành Trung, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) – người có 11 năm nghiên cứu về bệnh whitmore cho biết, sự gia tăng về số lượng ca bệnh whitmore trong thời gian gần đây không phải là do sự bùng phát về dịch bệnh, mà là do chúng ta đã xét nghiệm được đúng bệnh. 

Gần đây, nhờ có sự tài trợ của Bộ Khoa học Công nghệ và Giáo dục Đức, kỹ thuật xét nghiệm whitmore đã được đưa vào các bệnh viện. Whitmore có thể lưu trú trong cơ thể người rất lâu mà không có triệu trứng lâm sàng, những biểu hiện lâm sàng nặng chủ yếu xảy ra trên cơ địa có yếu tố nguy cơ. Để chẩn đoán bệnh, bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm huyết thanh học chuyên biệt.

Theo Ths Nguyễn Thị Liên Hà, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh whitmore có diễn biến phức tạp, có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp. Có tới 90% số ca mắc bệnh whitmore người bệnh có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi, một nửa số bệnh nhân này có nguy cơ có biến chứng sốc nhiễm khuẩn và có thể tử vong. Ở trẻ chẩn đoán tương đối dễ hơn bởi thường có triệu chứng sưng tuyến mang tai, nhiễm khuẩn huyết, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan, tổn thương thần kinh…

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định, bệnh whitmore không lây từ người sang người, những ca bệnh này vẫn thường xuyên có mặt và không gây ra dịch, chỉ có những ca bệnh tản phát. 

Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. 

Whitmore gây những ca bệnh tản phát nhưng dẫn tới những bệnh cảnh hết sức nặng nề: từ nhiễm trùng huyết, cho tới tổn thương tại chỗ và đặc biệt tổn thương vào phổi. Vì nó giống như một tổn thương của tụ cầu, hoặc là lao, làm cho các bác sĩ dễ nhầm lẫn về chẩn đoán. Do vậy, việc phát hiện và khẳng định phải nhờ vào yếu tố của vi sinh vật học.

Theo GS Kính, những năm qua, Việt Nam đã phát triển bộ Kít xét nghiệm nên chẩn đoán whitmore được tốt hơn, việc phát hiện các ca bệnh cũng được nhiều hơn. Nước ta là nước nhiệt đới, đông dân, người dân chân lấm tay bùn, trong khi vi khuẩn bệnh whitmore luôn luôn có trong bùn, đất, người nào không có miễn dịch đủ mạnh mới có thể lây bệnh.

Hiện nay, whitmore là căn bệnh chưa có vắc xin tiêm phòng, cũng như chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Cao điểm của bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 11. Do bệnh sẵn có trong môi trường nên những ai có tổn thương trên da, mụn nhọt... cần tránh tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất, nguồn nước ô nhiễm. Nếu không may bị bẩn cần phải được rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô.

Trần Hằng
.
.
.