Bệnh viện tuyến trên vẫn chịu trách nhiệm khi chuyển bệnh nhân về tuyến dưới

Thứ Bảy, 07/02/2015, 11:34
Một vấn đề đang được dư luận quan tâm là, để chống nằm ghép, sẽ có những bệnh nhân phải chuyển về tuyến dưới, trong khi một số BV tuyến dưới chưa tạo được niềm tin cho người bệnh, thì BV tuyến trên có biện pháp hay cơ chế nào để đảm bảo chất lượng điều trị?

Bệnh nhân nằm ghép trong bệnh viện (BV) có thể bệnh nặng hơn, hoặc lây thêm bệnh, thậm chí gây tử vong. Đó cũng là bài học đau lòng từ vụ dịch sởi tháng 4/2014 ở BV Nhi Trung ương (TƯ). Bởi thế, vấn đề không để bệnh nhân nằm ghép một lần nữa được đặt ra trong cuộc giao lưu giữa Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên; ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cùng lãnh đạo 2 đơn vị vừa ký cam kết không để người bệnh nằm ghép là PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức và PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi TƯ.

Ông Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh, việc 16 BV TƯ cam kết giảm tải không để bệnh nhân nằm ghép là một tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực giảm tải BV của ngành y tế, là biện pháp quản lý Nhà nước rất hữu hiệu.

Bởi cách đây 10 năm, một đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế đã hứa trước Quốc hội là sau 3-4 năm sẽ giảm tải, nhưng thực tế thì không được như vậy khi đến bây giờ, tình trạng quá tải vẫn còn, dù đã giảm.

Hơn 10 năm qua, Đảng và Nhà nước, Quốc hội đã nhận thấy vấn đề quá tải BV, chất lượng BV các tuyến dưới rất kém, nên đã đầu tư để xây dựng hệ thống hơn 700 BV huyện và hơn 100 BV cấp tỉnh.

Nhờ xây dựng, củng cố tuyến dưới, và đẩy mạnh xã hội hóa ở tuyến tỉnh, tuyến TƯ mới giảm.

Ông Nguyễn Văn Tiên cũng cho biết: Chúng tôi đi giám sát ở nhiều tỉnh, thấy khá nhiều BV tỉnh đã làm được những kỹ thuật của TƯ nên bệnh nhân không về TƯ nữa.

Đấy là thành công do chuyển giao kỹ thuật cho tuyến tỉnh, do bác sĩ ở tuyến TƯ đi cơ sở, truyền lại các kỹ thuật.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ có thành quả này sớm hơn nếu như có chính sách đồng bộ và các tỉnh ủng hộ, còn nếu chỉ có cam kết từ BV thì không ổn.

Vì như ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, BV thực hiện xã hội hóa, mua thiết bị về, nhưng UBND tỉnh không cho thu giá dịch vụ thì làm sao phát triển được. Hoặc nếu Hà Nội xây BV Nhi thì BV Nhi TƯ không quá tải.

Từ nhiều năm, BV Việt Đức đã không có bệnh nhân nằm ghép.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết, thực tế, BV Việt Đức đã giảm tải từ nhiều năm trước, bằng cách đào tạo cho các BV vệ tinh rất hiệu quả:

BV Phú Thọ trước đây tỷ lệ chuyển tuyến 100%, sau khi thực hiện đề án BV vệ tinh chỉ còn khoảng 10-15%. BV còn chống quá tải từ xa bằng thực hiện được tiếp cận nhanh nhất với dịch vụ y tế, góp phần giảm tải rất lớn cho BV Việt Đức.

Giám đốc BV Việt Đức nhấn mạnh: “Việc giảm tải là làm cho người dân và cho chính BV. Trong cơ chế thị trường hiện nay, bắt buộc chúng tôi phải phục vụ thật tốt, phải điều trị tốt thì bệnh nhân mới vào và có thể cạnh tranh với nước ngoài.

Khi bệnh nhân nằm một người/giường, được đối xử tử tế thì uy tín BV sẽ lên. Chúng tôi cam đoan có đầy đủ cơ sở vật chất để không phải nằm ghép.

Hiện nay chúng tôi có 1.100 giường, mà việc phủ bệnh nhân chỉ mới 94-95%. Tới đây chúng tôi có thêm 350 giường nữa nên thừa giường.

Chính phủ lại cho BV Việt Đức xây dựng cơ sở 2 có 1.000 giường, như vậy chúng tôi có nguồn lực để nghiên cứu các kỹ thuật cao như kỹ thuật ghép tiên tiến trên thế giới. Bệnh nhân yên tâm không phải chuyển khi bệnh chưa đáp ứng”.

Một vấn đề đang được dư luận quan tâm là, để chống nằm ghép, sẽ có những bệnh nhân phải chuyển về tuyến dưới, trong khi một số BV tuyến dưới chưa tạo được niềm tin cho người bệnh, thì BV tuyến trên có biện pháp hay cơ chế nào để đảm bảo chất lượng điều trị?

Về điều này, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết khẳng định: “Băn khoăn này không chỉ của nhân dân mà còn của các nhà quản lý. Với chúng tôi thành quả cao nhất là chữa bệnh và đảm bảo khỏi bệnh, nên chúng tôi chuyển người bệnh về đâu là đảm bảo nơi đó đã được Bộ Y tế cho phép và chúng tôi thẩm định kết quả điều trị, đương nhiên chúng tôi phải có trách nhiệm.

Năm qua có 3 vụ nổi cộm của ngành ngoại khoa: vụ nổ nhà máy sản xuất pháo hoa ở Phú Thọ; sập cầu ở Lai Châu và ôtô lao xuống vực ở Lào Cai. Nhưng khi các bác sỹ BV Việt Đức đến nơi thì các nạn nhân đã được điều trị tương đối tốt. Chúng tôi chỉ xử lý những ca khó.

Đấy là thành quả của ngành ngoại khoa nói riêng và thành quả của Bộ Y tế khi chúng ta thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Cho nên chúng tôi đảm bảo bệnh nhân chúng tôi chuyển về đâu là nơi đó đủ khả năng điều trị. Còn những bệnh nhân tiên lượng có vấn đề, chúng tôi không bao giờ chuyển về.

Bên cạnh đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa các tuyến để điều trị cùng để đảm bảo chuyển tuyến điều trị có hiệu quả. Ví dụ, một bệnh nhân bị viêm tụy cấp, sau khi điều trị ổn định, chúng tôi chuyển về BV Saint Paul của Hà Nội, nếu có vấn đề gì thì sẽ báo lại chúng tôi.

Hơn nữa, hiện số giường bệnh của BV Việt Đức rất nhiều nên người dân hay những nhà quản lý cũng không nên ngại chuyện cho bệnh nhân về mà có những biến chứng đáng tiếc xảy ra”.

Trong trường hợp người bệnh bị tai biến tại BV tuyến dưới sau khi được chuyển từ tuyến trên thì ở đâu sẽ chịu trách nhiệm với người dân?

Với câu hỏi này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết: Bộ Y tế đã phân tuyến kỹ thuật, phân công sự chỉ đạo của các BV tuyến cuối đối với từng khu vực, từng BV.

Do vậy, các bác sĩ tuyến trên đều cân nhắc rất kỹ khi chuyển đi đâu, nên bệnh nhân yên tâm trách nhiệm của các bác sĩ tuyến trên.

Từ 16 BV hiện nay, Bộ Y tế cho biết, thời gian tới, sẽ có thêm 22 BV khác tiếp tục ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép.

Dù còn nhiều khó khăn trong bước đầu thực hiện, nhưng khi mà quyền lợi của người dân được đảm bảo, thì quyết tâm của ngành y tế, của các BV vẫn rất đáng được trân trọng.

Thanh Hằng
.
.
.