Bệnh tay chân miệng gia tăng ở nhiều địa phương
- Cả nước có hơn 43 ngàn người mắc bệnh tay chân miệng
- Một tháng ghi nhận hơn 2.000 ca bệnh tay chân miệng
- 61 tỉnh, thành đều có trẻ bị tay-chân-miệng
- Vì sao bệnh tay chân miệng làm chết nhiều người?
Cả nước hiện có hơn 65.000 ca mắc, gần 30.000 ca tay chân miệng phải nhập viện, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2016. Những con số này cảnh báo về sự bùng phát dịch nếu không quan tâm đến công tác phòng chống dịch trong bối cảnh chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc trị bệnh đặc hiệu.
Ở Hà Nội, thời gian gần đây số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh với khoảng gần 100 trẻ mỗi tuần. Theo các bác sĩ, những trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nhưng bố mẹ không nghĩ tới hoặc nhầm lẫn khá phổ biến. Ở Cần Thơ từ đầu năm 2017 đến nay, số trẻ mắc bệnh cũng tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mỗi ngày, Bệnh viện (BV) Nhi đồng thành phố Cần Thơ tiếp nhận gần 100 ca mắc tay chân miệng, phần lớn là trẻ em từ 2 - 3 tuổi đến từ Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang... Điều đáng lưu ý là nhiều trẻ mắc tay chân miệng nhập BV Nhi đồng Cần Thơ không chỉ nhỏ tuổi, có khi mới 7 - 8 tháng tuổi, mà thời gian chuyển bệnh từ nhẹ sang nặng khá nhanh, nguy hiểm đến tính mạng.
Theo báo cáo của BV Sản Nhi Nghệ An, chỉ trong 10 ngày đầu tháng 10, BV đã tiếp nhận 809 bệnh nhi đến khám và điều trị bệnh tay chân miệng. Mấy ngày qua, lượng bệnh nhi đến khám tăng đột biến, mỗi ngày khoảng 50 ca, nhiều bé khi nhập viện trong tình trạng đã bị biến chứng nặng như sốt cao liên tục, khó thở, giật mình, co giật…
Trong số đó, có nhiều trường hợp bị nhiễm lại. Trước đây, bệnh tay chân miệng chỉ xuất hiện ở các nơi đông dân cư như ở thành phố, một số huyện đồng bằng thì năm nay bệnh tay chân miệng đã có mặt ở các huyện miền núi.
Ở Khánh Hòa cũng đã có trên 1.200 bệnh nhân tay chân miệng. Theo ngành y tế địa phương, dịch tay chân miệng đang diễn biến phức tạp và đã tăng khoảng 50% so với cùng kỳ. Các cơ sở mầm non tư thục, những nhóm trẻ gia đình được đánh giá là những nơi có thể gây bùng phát dịch tay chân miệng, vì cơ sở vật chất và điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo cùng với kiến thức thực hành phòng bệnh tay chân miệng của đội ngũ chăm sóc trẻ còn nhiều hạn chế.
Nhiều trẻ bị tay chân miệng biến chứng nặng |
Trước tình hình dịch tay chân miệng đang gia tăng ở các địa phương những ngày qua, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi đến UBND các tỉnh, thành phố đề nghị quan tâm triển khai chống dịch. Ngày 10-10, Cục Y tế Dự phòng tiếp tục đưa ra khuyến cáo về phòng chống dịch tay chân miệng, đặc biệt là cho trẻ nhỏ. Theo đó tiết giao mùa hiện nay là thời điểm căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em gia tăng, có thể bùng phát dịch vì cả nước bắt đầu bước vào mùa tựu trường.
Ông Trần Đắc Phu –Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, nhấn mạnh: Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu vệ sinh không đảm bảo. Bệnh tăng mạnh từ tháng 3- 5 và tháng 9- 10.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ vv… Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống chưa được khử trùng. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Việc nhận biết sớm trẻ mắc bệnh là yếu tố rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong, vì đây là bệnh có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Do đó, BS Đỗ Thiện Hải – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) lưu ý cách nhận biết sớm trẻ bị tay chân miệng qua các dấu hiệu: Trẻ bị sốt, có mụn nước ở họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…
Dấu hiệu của trẻ bị bệnh nặng là khi bị sốt cao liên tục không thể hạ được, mệt mỏi, ngủ nhiều, lơ mơ, ngủ gà, giật mình, vã mồ hôi, lạnh; thở nhanh, thở bất thường, đi loạng choạng vv…
“Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để tránh hậu quả đáng tiếc.” - BS Đỗ Thiện Hải nhấn mạnh.