Bệnh sốt xuất huyết gia tăng, dễ bùng phát thành dịch

Thứ Ba, 25/08/2015, 10:40
Cho đến nay, đã có hơn 21.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) ở 48 tỉnh thành, trong đó ở các tỉnh phía Nam, số ca mắc SXH tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2014. Bệnh xuất hiện chủ yếu vào nhóm trẻ từ 15 tuổi trở xuống, thay vì chỉ ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi như trước đây.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, SXH tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai,... là khu vực có số mắc SXH tăng cao nhất. 

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện đang là thời gian cao điểm SXH nên dự kiến số mắc còn tăng. Thời gian qua, số người mắc SXH phải nhập viện gia tăng ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội và tỉnh Đắk Lắk. Riêng TP Hồ Chí Minh đã có trên 300 người nhập viện chỉ trong một tuần, tăng 34% so với tháng trước.

Trong khi đó, tại Hà Nội, theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội dự báo, năm nay số bệnh nhân SXH có thể gia tăng do chu kỳ dịch sau 4 - 5 năm, tính từ năm 2009 - thời điểm có dịch lớn xảy ra tại Hà Nội.

Số trẻ nhập viện do sốt xuất huyết tăng cao thời gian qua.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay, tại Việt Nam lưu hành nhiều tuýp virus SXH, nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau còn bị nặng hơn lần trước. Bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh, dẫn tới tình trạng bệnh nặng và biến chứng thành xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, có nguy cơ tử vong. Vì vậy, khi có các triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, cần tới ngay các trung tâm y tế, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.

Ngành Y tế đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống SXH, tuy nhiên còn một số người dân chưa hiểu đúng về sự phát triển và truyền bệnh của muỗi vằn nên chưa tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, còn để các vật dụng chứa nước không thau rửa, các phế thải quanh nhà không được thu gom xử lý nên là ổ chứa bọ gậy của muỗi truyền bệnh SXH. Một số hộ gia đình chưa hợp tác, chưa tạo điều kiện cho phun hóa chất diệt muỗi hoặc chỉ cho phun ở tầng 1, không cho phun ở các tầng trên nên không diệt được hết đàn muỗi mang mầm bệnh. 

Đại diện Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Việc chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh rất quan trọng với việc từng người ý thức, thay đổi từ những hành vi nhỏ, nhằm loại trừ ổ bọ gậy nguồn ngay trong hộ gia đình, không có chỗ trú đậu cho muỗi, phối hợp với các cơ quan y tế trong các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống dịch bệnh đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các tầng, phòng trong nhà được phun hóa chất là yếu tố tiên quyết để hướng tới một môi trường sống lành mạnh không có sốt xuất huyết.

Dạ Miên
.
.
.