Gia tăng đột biến người nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người"

Thứ Tư, 25/11/2020, 17:29
Chiều 25/11, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng cho biết: Chỉ trong 2 tháng trở lại đây, cao điểm là ngay sau đợt mưa lụt vừa qua, con số ca bệnh Whitmore liên tục tăng. Từ 1/10 - 24/11, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 28 ca bệnh Whitmore.

Trong 9 tháng (01/01 đến hết tháng 9/2020) bệnh viện Đà Nẵng chỉ tiếp nhận có 04 ca bệnh Whitmore (Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia gây ra vào điều trị. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng mưa, lụt tại miền Trung vừa qua (tính từ đầu tháng 10 đến hôm nay 25/11), số lượng tăng đột biến lên 28 ca, có kết quả cấy dịch cơ thể (máu, mủ ổ áp xe, nước tiểu…) dương tính với bệnh Whitmore đang nhập viện và điều trị. 

Đáng lo ngại hơn, tất cả các ca bệnh này chủ yếu đến từ Quảng Nam, một số ở Nghệ An, Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Các bệnh nhân đều cho biết, bị mắc bệnh sau khi tiếp xúc với nước lũ, bùn non trong đợt mưa lũ vừa qua.  Như trường hợp bệnh nhân D V.T. (46 tuổi, Đại Lộc, Quảng Nam) có vết bầm tím ở đùi. Sau lũ, anh T. dọn dẹp nhà cửa, lội nước lũ và bùn non khiến vết bầm bị sưng, nhức. 

Bệnh nhân được đưa tới bệnh viện Đa khoa  miền núi phía Bắc Quảng Nam cấp cứu rồi chuyển ra bệnh viện Đà Nẵng và điều trị bệnh Whitmore tại đây. Một trường hợp khác là bệnh nhân L.H.S (43 tuổi, quê Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam) cũng nhập viện sau khi dọn lũ với ngón chân sưng mủ, bị tiêu chảy và sốt.

 Vết thương do vi khuẩn ăn thịt người gây ra với một bệnh nhân. 

Theo bệnh viện Đà Nẵng: Bệnh Whitmore này do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong môi trường tự nhiên gây ra. Bệnh gây áp xe, hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da. Người và động vật có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn, do hít phải các hạt nước hoặc bụi li ti có nhiễm vi khuẩn, uống phải nguồn nước có vi khuẩn.  Nguy cơ gây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với vết xây xước nhỏ ngoài da. Bệnh thường gặp vào mùa mưa, tập trung từ tháng 7 – 11 hàng năm. Đặc biệt, mùa mưa lũ là điều kiện thuận lợi cho bệnh Whitmore phát triển.

Bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore gia tăng đột biến vào điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng. 

Bệnh viện Đà Nẵng cảnh báo, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh Whitmore. Do đó, để phòng bệnh Whitmore, người dân cần chủ động thực hiện:  Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất, nước, bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng; trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn. 

Khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì phải sử dụng băng chống thấm, găng tay cao su, ủng cao su… và cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, rửa sạch sẽ trước và ngay sau khi tiếp xúc. 


Hoài Thu
.
.
.