Bệnh nhân nhiễm COVID-19 nguy kịch đầu tiên phải sử dụng ECMO khỏi bệnh

Thứ Tư, 27/05/2020, 11:03
Bệnh nhân 19 là 1 trong 5 bệnh nhân nhiễm COVID nặng nhất mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị, cũng là ca bệnh nguy kịch đầu tiên của Việt Nam phải sử dụng hệ thống tim phổi nhân tạo - ECMO. Sáng nay 27/5, bệnh nhân này được công bố khỏi bệnh cùng với 5 bệnh nhân khác. 


Sáng nay 27/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tổ chức công bố cho 6 bệnh nhân COIVID-19 khỏi bệnh. Trong 6 bệnh nhân này, có bệnh nhân đặc biệt nhất, đó là bệnh nhân 19. Đây là bệnh nhân điều trị dài ngày nhất và cũng là bệnh nhân nặng và nguy kịch nhất tại Bệnh viện đến nay.

Bệnh nhân 19 sức khỏe đã hồi phục - một kỳ tích trong điều trị COVID-19 tại Việt Nam

Bệnh nhân 19 là bác của của bệnh nhân 17, trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Hai ngày sau khi cháu gái nhập viện điều trị, ngày 7/3, bệnh nhân cũng được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 và nhập viện.

Những ngày đầu vào viện, sức khỏe của bệnh nhân không có diễn biến bất thường, bệnh nhân có bệnh lý nền là tiền đình và bệnh tim. Theo chia sẻ của TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với phóng viên Báo CAND, 9 ngày sau nhập viện (16/3) bệnh nhân đột ngột tổn thương 80% phổi, gần như trắng hết 2 phổi. Bệnh nhân khó thở, sốt cao, diễn biến nặng tăng lên, điều chỉnh chế độ hô hấp nhưng không ổn được. 

"Chúng tôi phải “cân não” để đi đến quyết định cho bệnh nhân thở máy khẩn cấp ngay trong đêm 16/3", Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.

Theo TS Phạm Ngọc Thạch, sau ca bệnh 17, các bệnh nhân nhập viện dồn dập, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng,70-80% có tổn thương tại phổi, nên tập thể thầy thuốc đều chẩn bị tinh thần sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. "Trong 5 ca bệnh nặng thì bệnh nhân số 19 khiến chúng tôi phải “cân não” nhiều nhất", Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.

Bệnh nhân 19 cùng TS Phạm Ngọc Thạch và các bác sĩ, điều dưỡng trong sáng 27/5

Theo chia sẻ của ông, sau khi thở máy, bệnh nhân tiếp tục diễn biến xấu hơn, suy thận, phải lọc máu. Hai ngày sau, bệnh nhân nặng lên nhiều, tình trạng hô hấp rất khó khăn, tổn thương phổi lớn, lúc đó các bác sĩ phải sử dụng hệ thống điều trị bằng ECMO - tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể để điều hành. 

"Bệnh viện đã có rất nhiều kinh nghiệm điều trị về virus, điều trị ECMO cho bệnh nhân là công việc thường quy, các bác sĩ rất chuyên nghiệp nên điều động 4 bác sĩ và ê kíp điều dưỡng đặt ECMO cho bệnh nhân. Quá trình thực hiện diễn ra thuận lợi", TS Phạm Ngọc Thạch nói

Bệnh nhân tiến triển từng ngày, ngày 4/4 đã tự thở được và cai ECMO. Nhưng 4 ngày sau, rạng sáng 8/4, bệnh nhân đột ngột ngừng tuần hoàn. Trước bối cảnh ngừng tim của bệnh nhân COVID, lãnh đạo bệnh viện cùng kíp trực tập trung trí tuệ, nhân lực vào cấp cứu, cả đêm thay nhau theo dõi.

Ê kíp rút ECMO cho bệnh nhân 19 vào ngày 4/4

Kể về giờ phút căng thẳng cấp cứu cho bệnh nhân 10 ngừng tuần hoàn, Ths.BS Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân 19 ngừng tuần hoàn 1 lần trong 40 phút, các bác sĩ phải sốc điện đến 3 lần mới tạo được nhịp độ ổn định hơn cho bệnh nhân. Việc cấp cứu ngừng tuần hoàn kéo dài 40 phút và trong khoảng thời gian đó cả ê kíp nỗ lực với khả năng cao nhất "còn nước còn tát".

BS Khiêm chia sẻ, ê kíp ép tim có khoảng 8 người gồm 4 bác sĩ và 4 điều dưỡng thay nhau thực hiện. Thế nhưng ép tim được khoảng 30 phút, bệnh nhân vẫn không có dấu hiệu khả quan, khi đó cả ê kíp đã nghĩ sẽ phải buông tay, nhưng rất may sau đó, ý chí sống của bệnh nhân rất kiên cường, trái tim của người bệnh đã đập trở lại, sự sống bắt đầu hồi sinh. 

"Tất cả quá trình cấp cứu bệnh nhân ngừng tuần hoàn diễn ra gần 1 giờ, sau những phút nghẹt thở, cả kíp trực vỡ òa trong niềm vui. Bao mệt mỏi cũng xua tan khi chúng tôi thấy tim của người bệnh đập trở lại, sự sống bắt đầu hồi sinh", Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chia sẻ giây phút hạnh phúc đó.

Chi phí điều trị cho bệnh nhân 19 đến nay khoảng hơn 2 tỷ đồng. 

Hạnh phúc từ cõi chết trở về, bệnh nhân 19 chia sẻ, khi rơi vào hôn mê bà không biết bệnh tình của mình lại nguy kịch như vậy. Tỉnh lại, nghe bác sĩ, mọi người kể lại, bà mới biết, trong những ngày qua mình đã cận kề với cái chết. Song, được khỏe mạnh như ngày hôm nay là điều vô cùng kỳ tích. Và người mang đến kỳ tích này cho bà là những thầy thuốc, điều dưỡng và các chuyên gia y tế đã tận tình cứu chữa, chăm sóc cho bà từ bữa ăn, giấc ngủ suốt gần 3 tháng qua. 

"Tôi mang ơn các bác sĩ rất nhiều vì họ đã cứu sống tôi", bệnh nhân 19 cảm động cho biết.

TS Phạm Ngọc Thạch cùng các thầy thuốc của Bệnh viện chúc mừng các bệnh nhân khỏi bệnh sáng nay 27/5

Con trai của bệnh nhân 19 từ TP Hồ Chí Minh ra chăm sóc mẹ cho biết, khi hay tin sức khỏe của bà nguy kịch, gia đình đã rất tuyệt vọng, chỉ biết cầu nguyện có một phép màu đến với mẹ. Lời thỉnh cầu đó đã đến, mẹ anh đã được cứu từ bàn tày tử thần trở về. Giờ đây bà đã ăn, ngủ, nói chuyện tốt, 7 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Đây là điều tuyệt vời nhất đối với gia đình anh. 

"Chúng tôi chỉ biết gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới các bác sĩ, điều dưỡng, lãnh đạo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và các chuyên gia của Bộ Y tế đã hội chẩn, tìm phương án điều trị cho mẹ tôi suốt thời gian qua", anh chia sẻ.

Sau hơn 80 ngày điều trị tích cực, đến nay, bệnh nhân 19 đã tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, không khó thở, tự thở khí phòng, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Tim đều, phổi không rales.

Cùng được công bố khỏi bệnh với bệnh nhân 19 là 5 bệnh nhân, gồm:

 BN52, SN1996, nữ, địa chỉ tại Hạ Long, Quảng Ninh, đây là trường hợp tái dương tính được chuyển từ Quảng Ninh lên Hà Nội điều trị, vào viện ngày 11/5. Bệnh nhân đã 2 lần xét nghiệm âm tính.

BN291, SN 1996, nam, địa chỉ Đông Hòa, Phú Yên, nhập viện ngày 17/5

BN295, SN 1994, địa chỉ Long Điền, Bà Rịa- VũngTàu, nhập viện ngày 17/5.

BN308, SN 1978, nam, địa chỉ Hải An, Hải Phòng, nhập viện ngày 17/5,

BN324, SN 2002, nam, du học sinh Mỹ, địa chỉ Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, nhập viện ngày 18/5.

Tất cả các bệnh nhân đều có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính, sức khỏe ổn định và tiếp tục theo dõi cách ly trong 14 ngày.

Theo chia sẻ của TS Phạm Ngọc Thạch, đến nay Bệnh viện đã điều trị khỏi cho 150 bệnh nhân COVID-19, hiện còn 19 bệnh nhân đang điều trị, Bệnh viện sẽ bố trí các kíp trực hợp lý, cho một số kíp bác sĩ, nhân viên y tế hết thời gian cách ly 14 ngày được luân phiên về nhà. 


Trần Hằng
.
.
.