Ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị rắn lục đuôi đỏ cắn

Thứ Bảy, 13/12/2014, 10:09
Ngày 12/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã ký ban hành quyết định về việc hướng dẫn chẩn đoán và điều trị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên, bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn cần được sơ cứu thích hợp, vận chuyển nhanh chóng và an toàn tới các khoa Cấp cứu hoặc khoa Hồi sức chống độc. Các bệnh nhân có chảy máu hoặc có xét nghiệm đông máu 20 phút tại giường dương tính phải được điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn lục hoặc truyền máu và các chế phẩm máu.

Đa số bệnh nhân bị cắn vào tay, chân trong quá trình lao động. Vết cắn có dấu móc độc biểu hiện có 2 dấu răng cách nhau khoảng 1cm. Vài phút sau khi bị cắn, sưng nề nhanh, đau nhức nhiều kèm theo tại chỗ cắn máu chảy liên tục không tự cầm. Sau khoảng 6 giờ, phần tổn thương sưng nề lan rộng từ vết cắn có thể đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, đau nhức, tím, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ. Có thể có bọng nước, xuất huyết trong bọng nước. Có thể nhiễm khuẩn tại chỗ, hội chứng khoang.

Hướng dẫn còn nêu rõ nguyên tắc chẩn đoán, các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, công tác chẩn đoán phân biệt, chẩn đoán xác định cũng như nguyên tắc điều trị đối với bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn...

Bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải được theo dõi sát tại khoa Cấp cứu hoặc khoa Hồi sức chống độc. Bệnh nhân bị rắn cắn có rối loạn đông máu phải được điều trị ở nơi có có khả năng truyền máu (và các chế phẩm máu) và có huyết thanh kháng nọc rắn lục.

PV
.
.
.