Bài cuối: Phải nghiêm trị các đối tượng hành hung nhân viên y tế
- Nhức nhối nạn bạo hành thầy thuốc
- Côn đồ trong bệnh viện: Bảo vệ bác sĩ bằng cách nào? (Bài 1)
- Báo động sự xuống cấp của đạo đức xã hội (Bài 2)
Không thể để “nhờn luật”
Về tình trạng bạo lực trong cơ sở y tế gia tăng thời gian qua, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (KCB), Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cá nhân coi thường pháp luật, hành xử côn đồ. Bên cạnh đó, có phần từ sự lỏng lẻo trong công tác bảo vệ an ninh ở cơ sở y tế.
Hầu như các BV đều có lực lượng bảo vệ nhưng khi thầy thuốc bị tấn công, thì lực lượng này phản ứng thiếu chuyên nghiệp, lúng túng, thậm chí có nơi thấy bác sĩ bị đánh thì nhân viên bảo vệ… bỏ chạy. Đại đa số nhân viên an ninh các BV chưa được đào tạo bài bản, chưa kể, một số cơ sở còn không có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp.
Một nguyên nhân quan trọng được Cục trưởng Cục Quản lý KCB chỉ ra là chế tài xử lý đối với những kẻ hành hung thầy thuốc chưa đủ sức răn đe. Đã xảy ra nhiều vụ bác sĩ bị đánh, nhưng chỉ một số vụ bị khởi tố, còn lại chủ yếu phạt hành chính, hoặc nhắc nhở, do vậy “nhờn” luật.
Nhiều vụ việc tấn công bác sĩ vẫn xảy ra ở các địa phương gây bức xúc trong dư luận. |
Điều này có thể thấy rõ là, các vụ hành hung nhân viên y tế đều có diễn biến khá giống nhau, nhưng việc xử lý ở các địa phương lại khác nhau.
Mới đây, vụ Trương Văn Thanh hành hung bác sĩ Vũ Hồng Chiến ở BV Xanh Pôn đã bị Công an quận Ba Đình (Hà Nội) khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng. Vụ tên Lê Hồng Nam đánh các bác sĩ ở BV Sản nhi Yên Bái cũng đã bị khởi tố và bắt giam. Vụ Cấn Ngọc Giang đánh trọng thương bác sĩ Lê Quang Dương ở BVĐK Thạch Thất (Hà Nội) cũng bị Tòa án tuyên 9 tháng tù giam về tội cố ý gây thương tích.
Hay vụ Nguyễn Tiến Dũng (phường Tứ Kỳ, quận Hoàng Mai) hành hung bác sĩ của BV Bạch Mai vào rạng sáng 25-7-2014 cũng đã bị Tòa án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) tuyên phạt bị cáo 16 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng.
Tuy nhiên, vụ việc đánh bác sỹ và gây rối trật tự công cộng rất nghiêm trọng xảy ra tại BVĐK 115 Nghệ An vào tối 18-8-2017 khiến dư luận bức xúc lại không được khởi tố, mà mới dừng ở mức xử lý vi phạm hành chính. Điều này không chỉ khiến dư luận thắc mắc vì họ cho rằng hình phạt không đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cũng cho rằng, một trong các giải pháp quan trọng là BV phải nâng cao chất lượng KCB, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế.
Do đó, các cơ sở cần tạo môi trường thân thiện, các bệnh nhân được đối xử bình đẳng, nhân văn, được cứu chữa, điều trị tích cực, đồng thời, xử lý nghiêm minh cán bộ, nhân viên y tế có hành vi thiếu tôn trọng, vòi vĩnh bệnh nhân, vi phạm quy chế chuyên môn.
Một số kinh nghiệm bảo vệ an ninh bệnh viện
Thực tế cho thấy, việc phối hợp giữa các BV với lực lượng Công an là rất cần thiết để đảm bảo an ninh BV. Ở BV Việt Tiệp (Hải Phòng), BVĐK tỉnh Ninh Bình từ khi có lực lượng Công an cắm chốt, có đường dây nóng với lực lượng 113 thì công tác an ninh rất tốt.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, để bảo vệ ANTT, BV đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Công an các cấp, trong đó ký liên kết đảm bảo ANTT với Công an 2 phường Phương Mai và Đồng Tâm để thống nhất Quy chế phối hợp nhằm đảm bảo cấp cứu nhanh và hiệu quả cho người bệnh.
Tất cả các vụ việc về ANTT đều được lãnh đạo đơn vị thống nhất và có phương án giải quyết triệt để với cơ quan Công an phường sở tại.
Vì vậy tất cả các vụ việc phức tạp đều được tháo gỡ, giải quyết kịp thời. Lực lượng bảo vệ được tăng cường ở tất cả các khoa, phòng. Đặc biệt là khu vực cấp cứu A9, Nhà Q (Nhà 21 tầng) đều có chốt trực của Cảnh sát cơ động – Bộ Công an. Khu vực cửa số I có 1 chốt của Công an TP Hà Nội để cùng phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp, đảm bảo ANTT trong toàn BV.
BV Việt Đức là đơn vị được đánh giá cao về công tác đảm bảo ANTT. GS. Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức chia sẻ kinh nghiệm: Phải xác định được công tác ANTT trong BV là một nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của BV.
BV phải chủ động ngăn chặn, xử lý tại chỗ kịp thời các vụ việc, không trông chờ các cơ quan Công an, đồng thời, phải chủ động phối hợp với các cơ quan chính quyền, Công an trên địa bàn để giải quyết, xử lý kịp thời các vụ việc ANTT nói chung, các vụ việc người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế nói riêng.
Phải lựa chọn được đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, có năng lực, kinh nghiệm; có chế tài đủ mạnh để quản lý công tác bảo vệ. 100% nhân viên bảo vệ được bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn, được cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ, chứng chỉ về kỹ năng giao tiếp, ứng xử.
Ở BV Việt Đức, tất cả khoa-phòng đều được bố trí bảo vệ, ưu tiên vào các khu vực trọng điểm như Khoa Khám bệnh cấp cứu trong giờ hành chính, phòng tiếp đón cấp cứu ngoài giờ hành chính, riêng phòng cấp cứu ban đêm 7 bảo vệ, trang bị 7 dùi cui, lắp đặt loa phát thanh tuyên truyền, lắp đặt chuông báo động tại quầy bàn đón tiếp bệnh nhân cấp cứu vv…
BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng cho biết đã ký Quy chế phối hợp với Công an TP Hà Nội về việc đảm bảo ANTT trong khu vực BV.
Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng khi xảy ra vụ việc về ANTT như Phòng chức năng mà Công an TP Hà Nội, Công an quận Đống Đa, Công an phường Phương Mai, lực lượng bảo vệ chuyên trách và lực lượng dân quân tự vệ của BV.
Ký hợp đồng dịch vụ bảo vệ với một đơn vị chuyên trách, đồng thời giao cho Phòng Hành chính quản trị làm đầu mối kiểm tra, giám sát hoạt động của đơn vị bảo vệ.
Lắp đặt hệ thống camera giám sát tại tất các các tầng. Làm thẻ viên chức tích hợp thẻ từ cho nhân viên đi thang máy riêng để tiện kiểm soát. Các cửa hành lang đều được khóa không cho người nhà bệnh nhân vào trong thời gian nhân viên y tế tác nghiệp.
Tuy nhiên, cùng với các giải pháp như thay đổi thái độ phục vụ của nhân viên y tế, tăng cường công tác bảo vệ ANTT trong BV, thì vấn đề quan trọng nhất là phải nghiêm trị các vụ hành hung thầy thuốc. Bởi những vụ việc vừa qua đã thực sự thách thức pháp luật, thách thức dư luận ở mức không thể chấp nhận nổi.
Chúng tôi đồng tình với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt - Đức, những vụ việc đánh bác sĩ đang làm nhiệm vụ là phải xử lý thật nghiêm minh đủ sức răn đe, ngăn chặn hành vi côn đồ, không để tái diễn. Có như thế, thầy thuốc mới yên tâm làm nghề, chữa bệnh cứu người.