Nguy cơ bùng phát các bệnh nguy hiểm mùa hè:

Bài cuối: Nhiều dịch bệnh phức tạp

Thứ Sáu, 29/05/2015, 08:22
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), năm nay bệnh viêm màng não, viêm não virut đến sớm (thường phải tháng 6) xuất hiện từ đầu tháng 5 và hiện nay đang là thời điểm của dịch khi có 20 ca vào nhập viện...

Nắng nóng mấy ngày nay khiến trẻ nhỏ bị viêm phổi, sốt virut, viêm màng não nhập viên tăng nhanh. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thì số trẻ đến khám sốt virut chiếm 25% số trẻ đến khám tại khoa. Biểu hiện của bệnh là sốt trong 1-2 ngày hoặc có thể kéo dài cả tuần kèm theo các triệu chứng đau đầu, đau toàn thân, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, nổi vết loét đỏ trong họng, đau đầu lưỡi.

Theo ông Dũng thì năm nay bệnh viêm màng não, viêm não virut đến sớm (thường phải tháng 6) xuất hiện từ đầu tháng 5 và hiện nay đang là thời điểm của dịch khi có 20 ca vào nhập viện. Điều nguy hiểm là bệnh nhi đến viện ở tình trạng nặng với những biến chứng nguy hiểm. 

Biểu hiện của trẻ đến khám là sốt, nôn, đau đầu và được chẩn đoán viêm màng não phải nhập viện. Đáng lo ngại nhất hiện nay là viêm não Nhật Bản, bởi đây là bệnh tiến triển nhanh, nếu chậm trễ, không điều trị tốt, trẻ có thể tử vong hoặc để lại di chứng nghiêm trọng.

Bệnh có biểu hiện như sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn vọt, sau đó cứng gáy, co giật, rối loạn ý thức, vật vã, ngủ gà ngủ gật… Đây là bệnh tiến triển nhanh, nếu điều trị không kịp thời, bệnh nhân dễ hôn mê sâu dẫn tới tử vong. Bệnh hay gặp ở trẻ trên 1 tuổi, gặp nhiều nhất ở trẻ 3-15 tuổi. Tuy nhiên, do đang là mùa hè nắng nóng, biểu hiện của bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh sốt virut.

Thời tiết nắng nóng kéo dài ở các tỉnh phía Bắc đang khiến cho nhiều bậc phụ huynh lựa chọn cách “hạ nhiệt” cho trẻ bằng nằm, chơi trong phòng có điều hòa, quạt phun sương làm mát. Nhưng theo cảnh báo của ông Dũng thì việc dùng điều hòa không đúng cách lại gây tác dụng ngược khi cơ thể trẻ không kịp thích nghi khi từ phòng điều hòa ra ngoài. Đã có nhiều bệnh nhi vào viện khám chỉ vì cha mẹ ngủ quên để nhiệt độ thấp, sáng tỉnh dậy thấy người con lạnh ngắt và kết quả là sốt.

Ông Dũng cho biết, nằm điều hòa không đúng cách sẽ khiến trẻ bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Trên thị trường hiện bán rất nhiều thiết bị làm mát, nhưng quạt làm mát luôn tạo vòng xoáy hút bụi bặm, vi khuẩn, trẻ nằm lâu thì dễ mất nước, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vùng hầu, họng. Vì thế, tuyệt đối không để trẻ ở trong phòng có nhiệt độ dưới 25 độ C và không để trẻ nằm thẳng hướng gió điều hòa hoặc hướng quạt.

Số trẻ em nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai tăng vọt.

Mùa mưa mới là đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH), nhưng hiện nay, dù chưa vào mùa dịch, số người mắc và tử vong do SXH đã tăng, với con số mắc lên tới 11.400 người tại 41 tỉnh, thành, trong đó, đã có 10 người tử vong.

Bộ Y tế cũng dự báo, với sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường sống tại nhiều nơi, dịch SXH sẽ còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát trong thời gian tới. Đây là những lo âu không nhỏ cho cả ngành y tế lẫn người dân trong việc ngăn chặn dịch, cũng như làm sao để dịch không cướp đi sinh mạng con người, nhất là khi mùa mưa - mùa dịch, đã cận kề.

Nếu như trước đây, dịch SXH thường xuất hiện theo qui luật: chỉ xuất hiện chủ yếu vào mùa mưa, ở phía Nam bắt đầu từ tháng 6, còn ở phía Bắc từ tháng 7 đến tháng 9 thì gần đây, bệnh đã xuất hiện quanh năm, ở khắp các vùng miền, kể cả các đô thị, chứ không chỉ ở những vùng từng có nguồn bệnh như trước. Sự bất thường này là do những biến đổi về thời tiết và môi trường.

Bộ Y tế khuyến cáo: SXH là căn bệnh truyền nhiễm lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn nên càng đáng lo ngại. Bệnh SXH rất nguy hiểm vì thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc, làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn.

TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, mọi người đều có thể mắc SXH, có thể gây tử vong, nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh này.

Theo đại diện của Bộ Y tế, ở nước ta, bệnh SXH do virus Dengue gây ra với 4 type luân phiên gây dịch, được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng type, cho nên người ta có thể mắc bệnh SXH lần thứ 2 hoặc thứ 3, bởi những type khác nhau trong cùng một năm. Thậm chí, nếu tiếp tục mắc thì lần mắc bệnh sau còn nặng hơn lần trước. Vì thế, vấn đề phòng ngừa để không mắc bệnh SXH cần phải được đặc biệt quan tâm.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đưa ra cách nhận biết bệnh SXH, để người dân có thể phát hiện và đưa đi điều trị kịp thời: Bệnh SXH thường có biểu hiện cấp tính như sốt cao đột ngột, kéo dài 2 - 7 ngày, cùng với đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi v.v...

Trường hợp nặng, bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc: vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vì thế, khi nghi ngờ bị SXH, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Trước những diễn biến của bệnh SXH, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử lý ngay và triệt để ổ dịch. Các cơ sở y tế sẵn sàng cấp cứu và điều trị người bệnh, thực hiện chuyển tuyến kịp thời để chẩn đoán và phân loại chính xác...

Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, có lần kiểm tra ở một địa phương phía Nam có nhiều người mắc SXH, Cục Y tế dự phòng nhận thấy, người dân ở đây thường để nhiều dụng cụ chứa nước đọng, như bát nước kê chân chạn bát, lốp xe cũ đọng nước mưa vv… khiến muỗi sinh sôi nảy nở. Vì thế, cách phòng bệnh SXH không phức tạp, mà đơn giản nhưng hiệu quả là: không để bị muỗi đốt, đồng thời, chú ý diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...); thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa. Người dân phải giữ gìn không để muỗi đốt bằng việc mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
Trần Hằng - Dạ Miên
.
.
.