Lạm dụng tầm soát, sàng lọc sớm ung thư

Bài 1: Bi hài từ sàng lọc ung thư

Thứ Hai, 01/07/2019, 09:12
“Sàng lọc 15 loại ung thư bằng xét nghiệm máu cho kết quả chính xác 99%”; “xét nghiệm CEA, CA125, CA 153 để biết mình có mắc ung thư hay không”, “chụp PET để phát hiện ung thư”… là những gói dịch vụ tầm soát, sàng lọc ung thư sớm mà nhiều phòng khám, cơ sở y tế quảng cáo rầm rộ.  

Mắc ung thư ở giai đoạn muộn chẳng khác nào mang “án tử”, đánh vào tâm lý lo lắng của nhiều người, các dịch vụ về tầm soát ung thư ồ ạt xuất hiện, trong đó có sự lạm dụng các xét nghiệm về các chất chỉ điểm khối u trong máu, hay chụp PET… với kết quả không đặc hiệu, gây hoang mang cho người được xét nghiệm.

Sàng lọc ung thư sớm mọc lên như “nấm sau mưa”

Chỉ cần lên mạng gõ vào “tầm soát, phát hiện ung thư sớm” sẽ cho ra rất nhiều quảng cáo về xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong máu để phát hiện bệnh ung thư. Một số bệnh viện cũng quảng cáo các gói xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong máu với các chương trình giảm giá, khuyến mãi kèm theo.

Có phòng khám còn đăng quảng cáo “Sàng lọc 15 loại ung thư bằng xét nghiệm máu, kết quả chính xác tới 99%” hấp dẫn nhiều người. Ung thư đã trở thành nỗi ám ảnh và nhiều người coi mắc ung thư chẳng khác nào mang “án tử”.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu ung thư, năm 2018 cả nước có trên 114.000 người tử vong do ung thư. Chính vì vậy mà tầm soát, phát hiện ung thư sớm luôn là nhu cầu của người dân. 

Chị Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho biết: “Mỗi khi cơ quan tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nhân viên, ngoài xét nghiệm máu thông thường để biết chỉ số đường huyết, mỡ máu, viêm gan B có trong quy định, bệnh viện được mời đến khám đều tư vấn cho chúng tôi xét nghiệm máu nhằm phát hiện sớm nhiều loại bệnh ung thư. Nghe ung thư ai mà chẳng sợ, xét nghiệm máu lại nhanh và đơn giản nên lần nào tôi cũng làm, tốn cả tiền triệu”.

Xét nghiệm máu chỉ là một trong nhiều điều kiện để tầm soát ung thư.

Tốn tiền đã đành, nhưng tầm soát ung thư bằng tìm chất chỉ điểm khối u trong máu đã mang lại nhiều câu chuyện bi hài, mà dở khóc dở cười nhất là tầm soát “ra bệnh” khiến không ít người hoang mang, lo sợ.

Có mặt tại Bệnh viện K (cơ sở Quán Sứ) vào ngày nắng nóng, tôi gặp anh Phạm Văn H. (50 tuổi, ở Hà Nội) đang đứng chờ chụp Xquang với vẻ mặt lo lắng.

Mang tâm trạng nặng trĩu, anh H. chia sẻ với phóng viên, cách đây 2 ngày, anh  đi tầm soát chất chỉ điểm khối u trong máu: SCC – Marker ung thư của 5 cơ quan (ung thư phổi, ung thư da, ung thư vòm mũi họng, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng). Các chỉ số hầu hết đều bình thường, riêng chỉ số ung thư phổi tăng cao.

“Vừa nhận được kết quả, tôi bủn rủn chân tay khi nghĩ mình khả năng bị ung thư cao. Sau một đêm hai vợ chồng mất ngủ, sáng sớm hôm sau tôi quay lại bệnh viện để hỏi cho rõ, đồng thời yêu cầu chụp Xquang phổi nhưng bác sĩ khám cũng không nói cho tôi vì sao chỉ số chất chỉ điểm khối u của tôi cao. Thế là tôi quyết định đến Bệnh viện K để khám” – anh H. cho biết.

Vừa vào phòng khám, không đợi bác sĩ hỏi, anh H. đã nói: “Khả năng tôi mắc ung thư phổi, bác sĩ cho tôi chụp chiếu và làm các xét nghiệm”.

Anh H. đưa tờ xét nghiệm máu cho bác sĩ, mặc dù được bác sĩ tư vấn, nhưng anh H. vẫn lo lắng không yên. Khi có kết quả chụp Xquang, phổi của anh H. không có khối u, bác sĩ khẳng định “anh không mắc ung thư” nhưng vì quá lo lắng, anh H. vẫn nài nỉ bác sĩ làm thêm các xét nghiệm khác. Khai thác tiền sử của anh H., bác sĩ giải thích, chỉ số máu tăng cao có thể do anh vừa điều trị viêm phế quản thì anh H mới yên tâm ra về.

Chia sẻ với phóng viên Báo CAND, ThS.BS Phạm Tuấn Anh, Phó trưởng Khoa Điều trị A, Bệnh viện K cho biết, trong quá trình thăm khám và điều trị cho bệnh nhân, anh gặp nhiều trường hợp người bệnh xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong máu tăng cao, do ám ảnh mình đã mắc ung thư nên đến bệnh viện đều rất lo sợ, yêu cầu bác sĩ khám cho mình.

Có người còn tin đây là “án treo” đến thời điểm nào đó sẽ phát bệnh. Nhiều trường hợp bác sĩ thăm khám, chụp chiếu không sao nhưng vẫn lo lắng, ám ảnh còn yêu cầu bác sĩ phải kiểm tra lại. Điển hình là bệnh nhân nữ (60 tuổi) sau khi tầm soát ung thư dạ dày bằng xét nghiệm chỉ điểm khối u trong máu CEA, kết quả chỉ số tăng gấp 2 lần đã lo lắng mất ăn mất ngủ.

Nghĩ rằng mình đã mắc ung thư, mang tinh thần hoảng hốt bà tới viện khám, bác sĩ chỉ định bà đi nội soi dạ dày, kết quả bị viêm niêm mạc dạ dày, âm tính với vi khuẩn HP, bà được khẳng định “không mắc ung thư”, chỉ số cao có thể do khối viêm. Vui mừng với kết quả trên, bà H. chia sẻ với bác sĩ, trước đó bà đã quyết định lập di chúc chia tài sản cho các con rồi đi chữa bệnh.

Khi tầm soát ung thư bị lạm dụng

Tới Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, chúng tôi cũng gặp nhiều câu chuyện “bi hài” từ việc tầm soát ung thư bị lạm dụng. 

BS Thân Văn Thịnh, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, không ít trường hợp đến viện trong tình trạng lo lắng, sợ hãi yêu cầu được khám kỹ bằng chụp cắt lớp, thậm chí có cả bác sĩ trên tay cầm kết quả “xét nghiệm chỉ điểm ung thư vú” tăng cao hơn và mặc định chỉ số tăng đồng nghĩa với mắc ung thư vú.

“Với bệnh nhân này tôi phải giải thích rõ việc xét nghiệm chỉ điểm ung thư chỉ mang tính tham khảo, không có giá trị cao trong tầm soát ung thư. Bởi chỉ số có thể cao do tác động của khối viêm khối áp xe vú hay có thể đang trong kỳ kinh nguyệt. Đồng thời chỉ cần tiến hành siêu âm đã kết luận bệnh nhân không mắc ung thư và rất hãn hữu mới phải dùng đến MRI tuyến vú” – BS Thịnh cho biết.

Hiện có nhiều gói tầm soát ung thư còn mang tính kinh doanh, không giúp ích cho người được tầm soát như việc xét nghiệm tràn lan các chất chỉ điểm khối u trong máu như CEA, CA 125 hoặc CA 153…

Theo BS Thân Văn Thịnh, các xét nghiệm này đều không có cơ sở khoa học do các chất này có thể tăng trong nhiều bệnh lý khác nhau, lành tính cũng như ác tính, hoặc nhiều người thật sự bị khối u nhưng xét nghiệm vẫn bình thường, do đó kết quả xét nghiệm có thể gây hoang mang hoặc yên tâm giả tạo cho người được xét nghiệm, gây tốn kém về tiền bạc và thời gian.

Lo ngại nhất hiện nay là hiện tượng âm tính giả, tức là người bệnh thực sự có ung thư nhưng xét nghiệm máu lại không phát hiện được. Đây là vấn đề nan giải, khi bệnh nhân tưởng mình không mắc bệnh nhưng thật ra bệnh vẫn âm thầm phát triển. 

Đã có trường hợp bệnh nhân tầm soát ung thư định kỳ bằng xét nghiệm máu nhưng chỉ số bình thường, đã bỏ qua giai đoạn bệnh và bỏ qua các phương pháp tầm soát khác, tới khi bị ốm đi khám thì phát hiện bệnh ung thư giai đoạn tiến triển.

Thêm vào đó, một số nơi còn chỉ định cho bệnh nhân chụp PET để tầm soát ung thư. Vậy PET có tầm soát, phát hiện sớm ung thư hay không? Theo ThS.BS Phạm Tuấn Anh, PET không được sử dụng để tầm soát được ung thư. PET là một loại xét nghiệm cao cấp, tốn kém và phức tạp, đặc biệt có một số tổn thương nhưng cũng hiện hình trên PET.

Trên thế giới khuyến cáo không dùng chụp PET để sàng lọc sớm ung thư mà PET chỉ được chỉ định trong một số trường hợp có chẩn đoán mô học là ung thư nhưng dùng để chẩn đoán giai đoạn xem ung thư lan tràn đếu đâu.

Theo BS Thân Văn Thịnh, việc lạm dụng các phương tiện hình ảnh như chụp cắt lớp toàn thân nhằm tầm soát ung thư cũng không mang lại hiệu quả tốt và chưa được tổ chức y tế nào khuyên dùng. Bởi chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ chỉ có giá trị cao trong chẩn đoán ung thư phổi, ung thư gan, chứ không áp dụng cho nhiều loại ung thư khác. Tuy nhiên, để tầm soát ung thư gan thì cũng chỉ cần siêu âm, vừa rẻ tiền vừa không độc hại, không xâm lấn và vẫn sàng lọc tốt.

Trần Hằng
.
.
.