Cấp cứu thành công cho ngư dân bị cá mập tấn công ở đảo Bạch Long Vĩ
Sáng 22-5, đồn biên phòng Bạch Long Vĩ nhận được tin báo qua điện thoại của chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu QNg 96074 TS về trường hợp thuyền viên gặp nạn trên biển do bị cá mập tấn công, khiến nạn nhân bị chảy máu dữ dội, sức khỏe rất yếu và đề nghị được hỗ trợ.
- Tin thêm về vụ cấp cứu ngư dân bị tai nạn tại đảo Bạch Long Vĩ
- Bệnh viện huyện đảo Bạch Long Vĩ cấp cứu ngư dân bị dập tay do tai nạn trên biển
- Quân y đảo An Bang kịp thời cấp cứu ngư dân viêm ruột thừa
Ngay lập tức, đồn biên phòng Bạch Long Vĩ đã báo cáo cấp trên và thông tin cho Trung tâm Y tế Quân dân y Bạch Long Vĩ. Thông qua đường dây nóng, Trung tâm Y tế đã tư vấn, hướng dẫn các thuyền viên sơ cứu cho ngư dân gặp nạn. Đồng thời, một kíp cấp cứu của Trung tâm đã phối hợp với bộ đội biên phòng đi tàu ra biển đón nạn nhân vào đảo.
Con tàu đang hoạt động cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 13 hải lý về hướng Đông Bắc, thời tiết lại gió cấp 5, cấp 6 nên phải mất 2 giờ lênh đênh trên biển, đội cấp cứu cơ động mới cập mạn tàu, để cấp cứu cho thuyền viên bị nạn rồi nhanh chóng đưa vào Trung tâm Y tế Bạch Long Vĩ.
Cấp cứu nạn nhân bị cá mập tấn công |
Chủ tàu cho biết, ngư dân Lê Văn Chi (41 tuổi, trú tại Lý Sơn, Quảng Ngãi), trong khi đang gỡ lưới thì bất ngờ bị cá mập tấn công vào tay phải, khiến nạn nhân đứt động mạch và bị sốc do đau và mất máu nhiều.
Khi đưa về Trung tâm Y tế, bệnh nhân da xanh nhợt, vã mồ hôi, vết thương ở vùng 1/3 giữa cánh tay, chiếm tới 2/3 chu vi cánh tay, sâu sát xương, đứt khối cơ cánh tay trước và sau, mất nhiều máu… Các bác sĩ ở Trung tâm Y tế đã khẩn trương hồi sức chống sốc và phẫu thuật kẹp thắt nhánh động mạch đứt, khâu nối phục hồi gân cơ, nối thần kinh, giúp bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch. Nhưng do vết thương nặng, mất máu kéo dài, nên 2 ngày sau phẫu thuật bệnh nhân rơi vào tình trạng thiếu máu trầm trọng.
Trước tình hình này, Trung tâm Y tế đã huy động từ danh sách các thành viên của “ngân hàng máu sống” của huyện, nên đã tiếp nhận được 2 đơn vị máu để truyền cấp cứu cho bệnh nhân, nhờ đó bệnh nhân mới có thể tiếp tục điều trị tích cực.
BS. Phạm Văn Hải – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế Quân dân y Bạch Long Vĩ cho biết: “Tai nạn của ngư dân trên biển rất phức tạp; cùng với việc cấp cứu, phẫu thuật thì nguồn máu cho cấp cứu rất quan trọng. Do chưa có nguồn máu dự trữ nên Trung tâm đã nhiều lần huy động ngân hàng máu sống để kịp thời cấp cứu cho ngư dân bị tai nạn máy tời, ngư dân đang đánh cá bị trượt chân ngã xuống hầm tàu và bị sắt đâm xuyên thấu đùi, ngư dân xuất huyết tiêu hóa, bệnh nhân chửa ngoài tử cung vỡ…”