Phát hiện dị vật nằm 11 năm trong... "của quý" bệnh nhân

Thứ Năm, 20/09/2018, 15:17
Một cuộn dây cước câu cá kích thước khoảng 2,5cmx6cm… vừa được ê kíp các bác sĩ Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân phẫu thuật lấy ra khỏi niệu đạo của người bệnh T.H.N. (25 tuổi, Đồng Nai). Các bác sĩ cho biết, chính dị vật bị người bệnh tự ý nhét vào niệu đạo 11 năm trước này là nguyên nhân gây viêm nhiễm kéo dài, chít hẹp đường tiểu của bệnh nhân.

Được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân với chẩn đoán "viêm loét dương vật", anh T.H.N. cho biết hơn 10 năm nay, anh thường đi tiểu đau, cảm giác gắt buốt và nước tiểu đục, có lúc tiểu mủ. Vài tháng gần đây, tình trạng đau ngày càng trở nên tồi tệ hơn, người bệnh tiểu khó, nơi vết loét gây đau đớn. 

Các kết quả chẩn đoán hình ảnh phát hiện một vật lạ chưa rõ là cái gì đang nằm trong niệu đạo bệnh nhân. Các bác sĩ đã quyêt định phẫu thuật mở bàng quang ra da để chuyển lưu nước tiểu và điều trị kháng sinh để tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát tiến hành phẫu thuật thám sát và tái tạo đường tiểu mới cho người bệnh.

Trong quá trình phẫu thuật thám sát đường tiểu, ê kíp phẫu thuật phát hiện một vật lạ đã ăn sâu xuyên qua thành niệu đạo. Dị vật được lấy khỏi niệu đạo là một đoạn dây cước đã đóng sỏi xung quanh thành khối có kích thước 2,5cmx6cm. 

Dị vật được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân.

Lúc này người bệnh mới mở lời với các bác sĩ là năm 14 tuổi, trong lúc ở nhà một mình đã “nghịch dại” tự nhét cuộn cước làm dây câu cá vào niệu đạo vì cảm giác… “thích thích”. Do sơ sẩy, người bệnh đã để lọt sợi cước chui sâu vào bên trong niệu đạo, không thể lấy ra được. Sau đó, vì ngại ngần chia sẻ sự việc với người thân nên nên người bệnh chỉ biết chịu đựng trong lặng thầm.

Cuộn dây cước không hề nhỏ lọt được vào  niệu đạo bệnh nhân khiến các bác sĩ rất ngạc nhiên.
Hình chụp MRI chỉ rõ có dị vật bện trong.

Trải qua 11 năm, sợi dây cước tưởng chừng trơn tru vô hại đã “ăn xuyên” vào niệu đạo, gây viêm các mô lân cận tạo thành các xơ dính. Ê kíp phẫu thuật đã cẩn trọng tiến hành cắt lọc đoạn niệu đạo bị hỏng, mở niệu đạo ra da. Bác sĩ cũng đã chuẩn bị một số bước để sau 3 tháng nữa người bệnh sẽ phải trải qua cuộc mổ nữa về tạo hình thẩm mỹ toàn bộ vùng "nhạy cảm".

ThS.BS. Trà Anh Duy, bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh cho biết việc chịu đựng một dị vật trong niệu đạo tới 11 năm như trường hợp này là rất hiếm. Khoa Nam Học, Bệnh viện Bình Dân đã từng gặp những trường hợp dị vật khác như đèn cầy (nến), chiếc đũa, dây điện, sợi cói chiếu… vào đường tiểu. 

Đa phần người bệnh tự đến bệnh viện để nhờ bác sĩ gắp dị vật khỏi cơ thể sau khi nghi ngờ hoặc đoán lờ mờ về có lần đã có hành vi dại dột “nhét” cái gì đó vào đường tiểu. Nếu không được lấy ra, các dị vật này sẽ gây viêm nhiễm ngược dòng, chảy máu niệu đạo, chít hẹp niệu đạo... có thể gây nhiễm trùng hệ thống, suy thận và thậm chí vô sinh. 

Một khi không may xảy ra “tai nạn bất đắc dĩ” như trên, người bệnh cần bình tĩnh không tự ý cố lấy dị vật một cách thô bạo gây tổn thương cơ thể và hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế có kinh nghiệm điều trị về niệu đạo để được cứu chữa kịp thời.

H.Nga
.
.
.