Bác sĩ gia đình sẽ chăm sóc sức khỏe người dân chu đáo hơn

Thứ Bảy, 26/11/2016, 17:52
Sau hơn ba năm thực hiện thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) tại 8 tỉnh, thành phố đã cho thấy tính hữu ích của mô hình là sự thực.


Tại hội nghị về BSGĐ do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 26-11, BS. Nguyễn Thị Minh Cảnh, Phó trưởng Trạm y tế Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: Mô hình này bảo đảm quyền lợi tốt cho người dân, vì cán bộ y tế phải lập hồ sơ sức khỏe của từng gia đình để quản lý. 

Khi người dân đi khám bệnh, bác sĩ chỉ cần xem hồ sơ là đã có thông tin đầy đủ về tiền sử người bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của cả gia đình, từ bệnh mạn tính, dị ứng, hay di truyền để xử lý phù hợp. 

Nhân viên y tế cũng biết được tình trạng sức khỏe từng người để kịp thời thăm khám, tư vấn. Những người bị bệnh nặng, như ung thư giai đoạn cuối, đều được nhân viên y tế đến tận nhà chăm sóc. 

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh đánh giá cao hiệu quả mô hình BSGĐ

Ở Nam Sơn, nhân viên y tế còn phục vụ tận nhà việc tắm bé, truyền dịch, khám bệnh, tư vấn vv... Vì thế giữa bác sĩ và người bệnh có sự hiểu biết và tin tưởng hơn. Hiện mỗi ngày có từ 40-60 người đến khám, chữa bện tại Trạm y tế.

Triển khai mô hình BSGĐ từ 2014, Trạm Y tế xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã quản lý hồ sơ sức khỏe cho khoảng 98% người dân. 

Theo BS. Trần Trọng Thắng- Trưởng Trạm y tế xã Mai Đình, để thực hiện mô hình BSGĐ, Trạm có sự hỗ trợ của Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn và Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội, BV Lão khoa Trung ương về khám sàng lọc, để phát hiện và quản lý 500 hồ sơ của người có bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, để khám, cấp thuốc định kỳ. 

Trong quá trình khám, nếu phát hiện những biến chứng vượt khả năng, bệnh nhân sẽ được chuyển vượt tuyến lên các BV chuyên khoa như BV Xanh Pôn, BV Thanh Nhàn, BV Mắt Hà Nội. 

Trạm y tế xã Mai Đình được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế, đảm bảo công tác cấp cứu, chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) nên mỗi ngày có khoảng 40 bệnh nhân đến khám, có ngày cao điểm tới 100 – 150 bệnh nhân.

GS. Phạm Huy Dũng, Phó Chủ tịch Hội BSGĐ Việt Nam khẳng định vai trò của BSGĐ

Từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình BSGD cho thấy, phát triển mô hình BSGĐ sẽ góp phần nâng cao chất lượng CSSKBĐ toàn diện và liên tục, thông qua việc tư vấn, sàng lọc bệnh tật cho người dân sớm. 

BSGĐ phải đảm đương ba vai trò chính là khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân, nên chăm sóc từ đầu, toàn diện liên tục, nên có mối quan hệ lâu dài, gắn bó với người dân.

BSGĐ biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh.

Phòng khám BSGĐ đã giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, giảm tải cho BV tuyến trên, giảm gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa ở các BV, lại tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, chi phí BHYT. BSGĐ chăm sóc người bệnh từ trong bụng mẹ cho đến lúc qua đời và điều quan trọng là không để xảy ra bệnh tật cho những người được họ chăm sóc.

Bác sĩ gia đình ở Hà Nội 

Muốn vậy, BSGĐ phải chăm sóc cho tất cả thành viên của gia đình họ vì bệnh tật quan hệ chặt chẽ với các yếu tố di truyền, dịch tễ. GS. Phạm Huy Dũng, Phó Chủ tịch Hội BSGĐ Việt Nam cho rằng, BSGĐ có vai trò rất quan trọng, giống như người gác cổng trước khi bệnh nhân đến BV và từ BV trở về nhà. Khi họ làm tốt trách nhiệm, được tạo điều kiện hoạt động thì BV sẽ không còn quá tải. Thực tế cho thấy, nhờ được CSSKBĐ tốt nên số người phải đi BV ở các nơi đã triển khai mô hình BSGĐ giảm hẳn...

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế): Hiện đã có nhiều nơi làm rất tốt mô hình BSGĐ, trong đó có BV Phụ sản Trung ương với các dịch vụ thay băng, cắt chỉ, làm thuốc, tắm bé vv… tại nhà. Giá các dịch vụ đã có Thông tư hướng dẫn, vấn đề chỉ là cơ chế thanh toán ra sao và giá cả phải được niêm yết công khai. Việc chuyển vượt tuyến đi đâu hoàn toàn thuộc quyền Giám đốc Sở Y tế, do vậy, vấn đề chuyển tuyến không đáng lo ngại.


Thanh Hằng
.
.
.