70% cặp vợ chồng hiếm muộn không biết nơi điều trị
Sau gần 13 năm kể từ khi cháu bé ống nghiệm đầu tiên ra đời tại Học viện Quân Y (15/8/2002), đến nay đã có gần 4.000 cháu ra đời bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản, trong đó trên 1.900 cháu ra đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm.
PGS.TS Quản Hoàng Lâm và các đồng nghiệp Trung tâm công nghệ Phôi đang cấy phôi vào tử cung cho bệnh nhân. |
Nhưng theo PGS.TS Quản Hoàng Lâm, việc điều trị hiện gặp nhiều khó khăn như nhận thức chưa đầy đủ của xã hội, bệnh nhân về vô sinh và điều trị vô sinh khi “có tới 70% cặp vợ chồng hiếm muộn không biết địa chỉ các cơ sở y tế chuyên điều trị vô sinh”; gánh nặng tâm lý gia đình và xã hội, căng thẳng trong điều trị.
Nuôi cấy điều trị vô sinh tại Trung tâm Công nghệ Phôi. |
Ngoài ra, kinh phí điều trị cao (35- 50 triệu đồng/ ca thụ tinh ống nghiệm), vô sinh chưa nằm trong danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả.
Tại hội thảo, nhiều báo cáo khoa học được các chuyên gia trình bày đã được đánh giá cao như “Đổi mới và phát triển của PGD"- Dr James Marshall (Úc); “Bằng chứng lâm sàng hiện tại của PGD FO sàng lọc dị bội” - Dr Weena Krutsawad (Thái Lan); các nhà khoa học Việt Nam với báo cáo “Chứng cứ hiện nay về tầm soát di truyền tiền làm tổ” - Ths.BS Hồ Mạnh Tường – Đại học Quốc gia TP HCM; Nghiên cứu sàng lọc một số bất thường nhiễm sắc thể trước chuyển phôi ở bệnh nhân IVF tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương – TS Nguyễn Thị Minh…
PGS.TS. Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Phôi khẳng định: “Những công trình nghiên cứu khoa học cùng với công tác khám, tư vấn và điều trị vô sinh đã và đang góp phần nâng cao chất lượng dân số.”