Những dấu ấn trong năm 2018 của y học Việt Nam

Thứ Bảy, 02/02/2019, 10:09
Có thể nói, năm 2018 đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ của ngành y tế Việt Nam với nhiều kỹ thuật hiện đại, nhiều phương pháp điều trị mới được đưa vào ứng dụng một cách sáng tạo và thành công, góp phần quan trọng cải thiện sức khỏe cho người bệnh, giảm tỉ lệ tử vong. Điều này chứng tỏ trình độ chuyên môn và tay nghề cao của các thầy thuốc Việt Nam.


1. Bước đột phá trong chuyên ngành ung thư và miễn dịch Việt Nam thời gian qua chínhlà liệu pháp miễn dịch trị liệu của GS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein. Phương pháp này đã được GS. Văn đưa vào thử nghiệm ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện K từ cuối năm 2017.

Là học trò “cưng” của GS. Tasuku Honjo – người vừađược nhận Giải Nobel Y sinh năm 2018, nhưng GS. Tạ Thành Văn đã tiếp nối thành tựu của người thầy một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Phương pháp liệu pháp miễn dịch trị liệu có 2 hướng.

GS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein.

Trong khi GS. Honjo đi theo hướng thứ nhất là kích hoạt các hệ thống tế bào có thẩm quyền miễn dịch hoạt động mạnh hơn ngay tại khối u, để các tế bào có khả năng nhận diện và tiêu diệt chính xác tế bào ung thư, thì GS. Tạ Thành Văn lại đi theo hướng thứ hai là lấy tế bào miễn dịch của bệnh nhân ra ngoài cơ thể để nhân lên, biệt hóa trong những điều kiện đặc biệt, rồi truyền lại cho bệnh nhân, để tiêu diệt tế bào ung thư.

Theo GS. Tạ Thành Văn, liệu pháp này cho phép điều trị cho tất cả các bệnh ung thư mô đặc (trừ ung thư máu), như: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng... Mỗi liệu trình điều trị với 6 lần truyền trong 3 tháng. Kết quả điều trị cho 20 bệnh nhân đã chứng minh phương pháp này rất khả quan, cải thiện triệu chứng lâm sàng cho bệnh nhân

2. Thành tựu của GS. Tasuku Honjo cũng được Bệnh viện K tiếp nối và hoàn toàn đi theo hướng của ông. Phương pháp này cũng đã được áp dụng chính thức cho 50 bệnh nhân từ 2017.

Bệnh nhân Trần V. bị ung thư hắc tố nặng, di căn nhiều nơi, không đi lại được, các bác sĩ dự đoán ông chỉ có thể sống thêm được vài tháng. Nhưng, được điều trị phương pháp truyền thống kết hợp với phương pháp miễn dịch, bệnh nhân đã được kéo dài cuộc sống thêm hơn một năm. Đặc biệt, một số khối u đã tan nhanh, kích thước nhỏ đi, tế bào ung thư giảm, tổn thương xương mất. Sức khỏe được cải thiện và bệnh nhân đi lại được, dự báo khả năng hồi phục tốt.

PGS. Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, liệu pháp miễn dịch là thành tựu nổi bật nhất trong lĩnh vực điều trị ung thư những năm gần đây, với việc dùng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công ung thư. Phương thức này đã được áp dụng tại Bệnh viện K và một số cơ sở chuyên khoa ung thư trên cả nước.

Đây không phải là phương thức chữa khỏi ung thư giai đoạn di căn, mà chỉ tiêu diệt phần nào và ức chế, kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư, từ đó, kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Trong điều trị ung thư, để điều trị hiệu quả đòi hỏi phải phối hợp toàn diện, chứ không một phương thức đơn lẻ nào có thể mang lại thành công.

“Ung thư là bệnh đa hình thái, nhiều gen, mà mỗi loại thuốc chỉ đánh được vào 1 gen. Vì thế, bệnh nhân phải dùng nhiều thuốc, do bác sĩ không thể khuyên bệnh nhân chỉ dùng 1 loại. Thực tế có bệnh nhân hơn 60 tuổi, bị u phổi giai đoạn cuối, đã di căn nhiều chỗ, nhưng do được điều trị phối hợp nhiều biện pháp, cả truyền thống và miễn dịch, nên chỉ sau 6-7 tháng tình trang bệnh đã duy trì ổn định.”- PGS. Lê Văn Quảng cho biết. Tất nhiên, không phải bệnh nhân ung thư nào cũng phù hợp với phương pháp này. Bởi cùng loại ung thư nhưng còn tuỳ thuộc vào giai đoạn và đặc điểm khối u của từng người.

Những phát hiện của hai nhà khoa học được trao Giải Nobel Y học 2018 là cơ sở để sản xuất ra các loại thuốc tăng cường chức năng hệ miễn dịch trong điều trị ung thư. Các thuốc ức chế chốt kiểm đang được nghiên cứu trên thế giới với việc đáp ứng với nhiều loại ung thư, nhiều giai đoạn bệnh, sử dụng đơn độc đến kết hợp nhiều thuốc miễn dịch, hoặc kết hợp giữa điều trị miễn dịch với các phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, chỉ khi các nghiên cứu lâm sàng kết thúc, kết quả nghiên cứu được công bố.

3. Các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức cũng góp phần vào lĩnh vực điều trị khối u bằng một thành công đáng nể, khi đã phẫu thuật bóc được toàn bộ khối u thần kinh khổng lồ lại nằm ở vị trí đặc biệt nguy hiểm, đưa bệnh nhân thoát khỏi “bàn tay tử thần”  một cách ngoạn mục. Đây là thành công rất đáng ghi nhận của các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức bởi trên thế giới, tỷ lệ cắt bỏ toàn bộ khối u trong não thất chỉ chiếm khoảng 50% tùy từng trung tâm.

Ca phẫu thuật khối u thần kinh khổng lồ tại BV Việt Đức.

Bệnh nhân Lê Trung Lộc (TP Bắc Giang) được xác định có khối u rất lớn, kích thước tới 4,8x6,9cm, nằm ở trung tâm não gây chèn ép, tràn dịch trong não thất, nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào. Do khối u to và nằm ở vị trí sâu nên rất khó mổ. Nếu mổ thì nguy cơ tử vong cao hoặc di chứng để lại nặng nề, mà cũng chỉ thể mổ được một phần, chứ không bóc được khối u.

Đúng lúc gia đình và bệnh nhân đều rất tuyệt vọng khi bác sĩ ở một bệnh viện lớn khuyên chỉ còn cách dùng thuốc giảm đau để chờ chết, thì gia đình được người quen giới thiệu tới Bệnh viện Việt Đức. Lúc này, theo bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh I – Bệnh viện Việt Đức, lúc đó tình trạng bệnh của anh Lộc đã nguy kịch. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể hôn mê và tử vong.

Nhưng đây cũng là ca mổ đầy thách thức với các bác sĩ ngoại khoa hàng đầu, bởi căn bệnh có tỉ lệ mổ thành công rất thấp. Khối u lớn, lại nằm ở vị trí trong não thất, liên quan đến nhiều cấu trúc thần kinh mạch máu quan trọng, nên việc tiếp cận khối u cực kỳ khó khăn. Chỉ cần một sai sót rất nhỏ cũng có thể gây ra những di chứng nặng nề cả đời cho bệnh nhân, là những áp lực lớn cho những người tham gia ca mổ.

Hơn 10 bác sĩ giỏi của nhiều chuyên khoa cùng tham gia vào ca phẫu thuật. Nhiều thiết bị hiện đại đã được huy động trong quá trình phẫu thuật: kính vi phẫu, dao mổ siêu âm, máy định vị thần kinh, các vật liệu cầm máu. Ca mổ kéo dài suốt hơn 6 giờ đồng hồ trong sự căng thẳng và cuối cùng, các bác sĩ lấy được toàn bộ khối u cho bệnh nhân. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi chỉ sau 24h, bệnh nhân đã có thể giơ tay chào mọi người.

Sau 1 tháng phẫu thuật, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, trí nhớ tốt, sức khỏe bình thường và có thể đi làm trở lại, ghi một dấu ấn lớn trong sự phát triển của chuyên ngành phẫu thuật thần kinh ở Bệnh viện Việt Đức nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

4. Trong những ngày cuối năm 2018, BV Xanh Pôn (Hà Nội) đã tạo lập được một dấu ấn đáng nể, khi đã phát hiện và điều trị thành công cho một bệnh nhân mắc căn bệnh whitmore rất nguy hiểm, lại là bệnh khó phát hiện, tỷ lệ tử vong cao và nhanh.

Cháu NTHT bị sốt nhiều ngày mà không xác định được nguyên nhân. Nhiều phương pháp điều trị được đưa ra nhưng không hiệu quả. Rất thận trọng trong chẩn đoán tìm nguyên nhân, các bác sĩ của BV Xanh Pôn đã cho bệnh nhân làm hàng loạt xét nghiệm và cuối cùng đã phát hiện khối áp-xe ngoài màng cứng tủy rất lớn cùng với nhiều khối áp-xe trong vùng cơ cạnh sống ngang vị trí thắt lưng- cùng cụt. Lúc này quyết định mổ cấp cứu được đưa ra, nhằm giải phóng chèn ép tủy  để cứu cháu bé. Ca mổ diễn ra thành công nhưng kết quả cấy mủ cho thấy cháu bé có cả 2 vi khuẩn Gram dương là tụ cầu vàng và Gram âm là B. pseudomallei (Whitmore).

Rất may mắn là cháu bé đã được phát hiện và phân lập vi khuẩn kịp thời, nếu không rất dễ bị biến chứng và di chứng, bởi đây là căn bệnh mà các triệu chứng mơ hồ nên rất khó phát hiện, lại chưa có vaccin phòng bệnh và khi đã khởi phát, bệnh diễn biến sẽ rất nhanh, có thể gây tử vong chỉ sau 48 giờ. Tỉ lệ tử vong của bệnh này rất cao, tới 40%.

Mỗi kết quả trong công tác khám và chữa bệnh của các thầy thuốc không chỉ là những thành tích y khoa, mà ý nghĩa thiết thực hơn chính là mang lại sự sống cho nhiều người bệnh. Giá trị và ý nghĩa nhân văn của mỗi thành công trong y tế chính là ở chỗ đó.

Thanh Hằng
.
.
.