Chưa rõ nguyên nhân tử vong của 3 cháu bé ở Cao Bằng

Thứ Sáu, 16/06/2017, 19:53
Ông Lục Văn Đại - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết, kết quả chụp X-quang và các xét nghiệm khác về 3 cháu nhỏ ở xóm Lũng Khỉnh, xã Đa Thông, tỉnh Cao Bằng tử vong mới đây, sơ bộ xác định nguyên nhân khiến 3 cháu bé bị hôn mê, tử vong sau là do viêm não - màng não. 

Tuy nhiên, ngày 16-6, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) chính thức thông báo: Theo kết quả xét nghiệm ban đầu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các mẫu bệnh phẩm âm tính với virus viêm não Nhật Bản B và vi khuẩn não mô cầu, đây là hai tác nhân gây bệnh truyền nhiễm gây bệnh cảnh viêm não – màng não và đang lưu hành tại nước ta.

Như vậy, câu hỏi về nguyên nhân 3 cháu bé tử vong do đâu vẫn còn là điều cần phải trả lời.

BS. Nguyễn Trung Cấp –Phó Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Trung ương) chia sẻ một số thông tin rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam về bệnh lý thần kinh trong mùa vải. Theo đó, chùm ca bệnh đầu tiên xuất hiện vào những năm 1960 với tên gọi Hội chứng não cấp Đồng Dao. 

Sau khi ăn vải, 3 trẻ bị tử vong chưa rõ nguyên nhân

Tại thời điểm đó ở khu vực nông trường Đồng Dao (Ninh Bình) bắt đầu triển khai trồng dứa trên diện rộng. Mùa dứa chín đã xuất hiện hàng loạt trẻ em có các biểu hiện mệt lả, lờ đờ, có thể hôn mê, co giật, duỗi cứng, xoắn vặn và tử vong, dù không nhiễm virus trước đó và không dùng Aspirin. Điều đáng lưu ý là đa số các trẻ này đều có tình trạng nhiễm giun sán khá nặng. 

Đoàn công tác của GS. Trịnh Ngọc Phan đã chỉ định tẩy giun hàng loạt, khuyến cáo người dân hạn chế cho trẻ ăn dứa vào chiều tối và chú ý cho ăn cơm đầy đủ bữa tối. Sau khuyến cáo đó, Hội chứng não Đồng Dao được kiểm soát.

BS. Nguyễn Trung Cấp cho biết thêm: Đến khoảng năm 2010, ở khu vực Lộc Bình (Lạng Sơn) lại xuất hiện hàng loạt trẻ em có biểu hiện não tương tự vào mùa vải chín. Cây vải vốn là đặc sản đặc hữu của khu vực Hải Ddương, nhưng giai đoạn đó được đưa về trồng nhiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang) và Lộc Bình (Lạng Sơn). Các bệnh nhân cũng có những biểu hiện tương tự: Hôn mê, co giật hoặc duỗi cứng, đường máu hạ thấp, nhiều trẻ có suy đa phủ tạng và tử vong. Đoàn của Quân y Hải quân Mỹ lên khảo sát không tìm được căn nguyên virus nào liên quan đến bệnh lý này. 

Cấp cứu trẻ bị ngộ độc sau ăn vải ở Cao Bằng (ảnh: internet)

Và mặc dù không có can thiệp cộng đồng nào đáng kể nhưng vài năm gần đây tình trạng này không trầm trọng nữa. Vừa qua lại xuất hiện 4 trẻ ở Cao Bằng có biểu hiện tương tự sau khi ăn vải, trong đó có 3 trẻ tử vong. Điều đáng lưu ý là những khu vực trồng vải truyền thống như Thanh Hà, Chí Linh (Hải Dương) không thấy báo cáo gì về hiện tượng này.

BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, chưa có bằng chứng khẳng định chuyện ngộ độc gây tử vong do vải. Cũng giống như nhiều loại thực phẩm khác, việc xảy ra ngộ độc do nguyên nhân vi sinh, hóa chất từ thực phẩm đều giống nhau. Do đó, với quả vải, nếu trên vỏ quả có hóa chất do phun hoặc hoặc có lẫn các vi sinh vật trong tự nhiên thì không tránh được những ngộ độc như ngộ độc thực phẩm khác.

Về chất hypoglycin A và methylcyclopropylglycin trong quả vải được các tài liệu nước ngoài đề cập đến, các chất này có tác dụng làm giảm glucose máu, được cho là nguyên nhân gây ngộ độc. Viện Dược liệu Việt Nam cũng đã phân tích thì chất methylcyclopropylglycin nằm ở hạt vải, chứ không phải trong cùi vải.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi vùng đất khác nhau thì chất lượng quả vải cũng khác nhau. Đồng thời, tùy vào cơ địa của mỗi người khi ăn vải mà có những tác dụng phụ khác nhau, do đó có những người gặp triệu chứng “say vải”.

Trước kết luận của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, ba bệnh nhi âm tính với virus viêm não Nhật Bản và vi khuẩn não mô cầu, bác sĩ Nguyên cho hay, đấy mới là xét nghiệm hai loại phổ biến, trong khi còn nhiều virus khác không xét nghiệm được. Vì ở Việt Nam hiện nay có nhiều virus chưa xét nghiệm được. Có nhiều trường hợp bệnh nhân mắc viêm não không thể phát hiện ra do ngộ độc hay do vi rút.

Các thông tin trên dựa trên các nghiên cứu từ nước ngoài và bản thân với các nước đó vẫn cần phải nghiên cứu tiếp. Ở nước ta cũng cần có nghiên cứu, khảo sát trong điều kiện cây cỏ và con người của Việt Nam, có sự tham gia của các ngành sinh học, nông nghiệp, khoa học và công nghệ và y tế. 

Nói chung chuyện các cây cỏ, động vật có các chất dinh dưỡng, các chất có hoạt tính sinh học có lợi cho sức khỏe con người, nhưng đồng thời có thể có chất có thể ảnh hưởng theo hướng ngược lại, ví dụ quả na có coclaurin và nornuciferin có tác dụng đôc với tế bào, hạt quả na có chất độc là các glycerid dung để diệt chấy, sắn hay măng có cyanua,…Nhưng vấn đề là hàm lượng các chất này bao nhiêu, có ở các bộ phận nào, ở giống hoặc loài cụ thể nào, trồng ở nơi đâu, cơ thể chúng ta và cách chúng ta ăn vào ra sao,…mới là việc cần đánh giá hay nghiên cứu tiếp.

Hiện chưa có kết luận nào khẳng định những sự việc đáng tiếc đã gặp do quả vải gây ra. BS Nguyễn Trung Nguyên cũng khẳng định một lần nữa, vải là loại quả an toàn, vì thế người dân không nên lo ngại để né tránh quả vải như nhiều người cho rằng vải là nguyên nhân gây bệnh viêm não.


Thanh Hằng
.
.
.