24 ngày sau ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam: Điều kỳ diệu của y học
Gặp cha mẹ cháu Bình và những thầy thuốc đã làm nên sự kiện y học lịch sử sau 24 ngày cháu hồi sinh sự sống, sự kỳ diệu của y học và tình cốt nhục khiến chúng tôi không khỏi xúc động.
24 ngày sau ca ghép phổi giúp con trai tìm lại sự sống, vợ chồng anh Ly Cù Giàng và chị Phàn Thị Tâm vẫn thấy mình như đang trong giấc mơ. Sự kỳ diệu của y học đã giúp con họ cải tử hoàn sinh.
Vừa từ phòng chăm sóc đặc biệt thăm con trở về, với giọng nói tiếng Kinh lơ lớ, anh chị khoe: “Chúng tôi vui lắm khi thấy con khỏe mạnh như thế này. Cháu ăn uống tốt, vui chơi suốt ngày, thở như người bình thường, điều mà trước đây chưa bao giờ có”.
Nhớ lại quãng đường 7 năm vất vả ôm con ngược xuôi chữa trị tại các bệnh viện, chị Tâm lại trào nước mắt. Cách đây mấy tháng, bệnh của Bình chuyển biến nặng, vợ chồng họ phải đưa con xuống Bệnh viện Nhi TƯ điều trị.
Các bác sỹ của Bệnh viện Nhi TƯ đã tiến hành nhiều cuộc hội chẩn với các Bác sỹ Bệnh viện Quân y 103 – Học viện Quân y (BVQY 103, HVQY) để tìm phương án điều trị tốt nhất cho cháu.
Cháu Bình sau 24 ngày ghép phổi. |
Bố cháu Bình kể: "Bác sĩ bảo nếu không ghép phổi thì cháu khó giữ được tính mạng. Nếu có người cho phổi là bố, mẹ đẻ hoặc chú, bác ruột thì tốt nhất. Theo phong tục người vùng cao rất sợ mổ xẻ, lúc đầu nghe thấy thế tôi và bác cháu không đồng ý. Nhưng sau đó, các bác sĩ về tận quê để thuyết phục, giải thích, tôi và bác cháu đã hiểu ra, sẵn sàng hiến phổi để cứu con, cháu mình”.
24 ngày sau ca ghép phổi, sức khỏe của anh Giàng và anh trai đều bình phục tốt và chuẩn bị xuất viện. “Tôi tăng lên vài cân so với trước khi mổ”- anh Giàng khoe. Hàng ngày, ngoài điều trị tại phòng bệnh, anh Giàng còn được thăm nom và vui chơi với con, nhìn con bình phục nhanh khiến anh lúc nào cũng tràn ngập niềm vui.
Mọi chi phí của ca ghép tạng và quá trình điều trị cho cháu Bình cũng như bố và bác của cháu đều được bệnh viện miễn phí. “Cơm và chỗ ở của em cũng được bệnh viện tài trợ”, chị Tâm xúc động kể.
Theo Đại tá, PGS.TS Bùi Văn Mạnh, Chủ nhiệm bộ môn Hồi sức cấp cứu, HVQY thì hiện nay có rất nhiều bệnh nhân có chỉ định ghép phổi nhưng vấn đề khó khăn nhất là không có nguồn người hiến phổi.
Sở dĩ cháu Bình được chọn là bởi cháu bị giãn phế quản lan tỏa bẩm sinh cả hai phổi, cuộc sống chỉ được tính bằng tháng hoặc một đến hai năm. Cháu khó thở đến mức chỉ cần sau khi mở nắm đấm cánh cửa nhôm kính là cháu đã thở rất khó khăn. Bệnh của cháu phải cắt bỏ cả 2 phổi bệnh, do vậy phải có 2 người cho phổi cùng một lúc. Chỉ cần một phần phổi của người lớn thì đã đảm bảo cho một bên phổi của cháu.
Rất may đây là ca ghép phổi cùng huyết thống nên có nhiều thuận lợi về mặt miễn dịch và kết quả ghép tốt hơn. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Bệnh viện ĐHOkayama - Nhật Bản, sau 12h ca ghép phổi cho cháu Bình đã thành công.
Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ghép phổi, đây là một kỹ thuật mới và khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng hiện nay, không chỉ là thách thức đối với các bác sĩ của BVQY 103 mà còn là thách thức đối với bất kỳ quốc gia nào.
Chứng kiến cuộc sống đang đổi thay từng ngày của cháu Bình, các bác sĩ và người thân của cháu đều vui mừng khôn xiết. PGS.TS Bùi Văn Mạnh cho biết: “Trong lịch sử 25 năm ghép tạng của BVQY 103 đến bây giờ chúng tôi mới thực hiện được ghép phổi. Ghép phổi không chỉ đòi hỏi về chuyên môn giỏi mà còn phải có kinh nghiệm về công tác tổ chức, cơ sở vật chất và kỹ thuật đầy đủ và đồng bộ nhất. Khi một bệnh nhân ung thư phổi, ở nhiều bệnh viện trong nước các bác sĩ có thể cắt 1 đến 2 thùy phổi hoặc một bên phổi thì bệnh nhân vẫn sống, không cần ghép. Nhưng với cháu Bình, ghép được cả 2 phổi cùng một lúc là một kỹ thuật rất khó, nhưng thành công thì nó có thể làm thay đổi chất lượng cuộc sống của cháu một cách căn bản, giúp cháu tiếp tục sống khoẻ và trưởng thành”.
Theo PGS.TS Bùi Văn Mạnh thì sau khi BVQY 103 ghép thận thành công vào năm 1992, họ lại ấp ủ ghép được gan, rồi đến ghép tim, tụy - thận. Do vậy ghép phổi cũng là cả một quá trình ấp ủ, âm thầm chuẩn bị nhiều năm. Khi tiếp nhận cháu Bình bị suy dinh dưỡng độ III, cân nặng chỉ có 10kg, lại có biến chứng suy hô hấp nặng nên bệnh viện đã phải trì hoãn để tiếp tục chăm sóc sức khỏe cho cháu đến thời điểm thuận lợi hơn mới tiến hành phẫu thuật.
Nhìn cháu Bình sau 24 ngày phẫu thuật đang vui chơi, chạy nhảy trong phòng vô trùng, tôi thầm cảm ơn những “bàn tay vàng” của ê kíp bác sĩ đã làm nên điều kỳ diệu này. Trong phòng bệnh treo một bảng chữ số, các bác sĩ đang dạy cháu học. Trước khi được ghép phổi tuy đã 7 tuổi nhưng Bình chưa biết chữ vì mỗi khi cháu tập trung viết là lại khó thở, vì vậy phải nghỉ học sớm. Nhìn con bây giờ ê a tập đánh vần, niềm vui khiến vợ chồng chị Tâm vỡ òa.
Kể về sự hồi phục của cháu Bình, PGS.TS Bùi Văn Mạnh cho biết: “Sau mổ cháu phải thở máy 3 ngày, chúng tôi sử dụng các biện pháp hồi sức tích cực và các thuốc chống thải ghép đến khi cháu có khả năng tự thở thì rút ống nội khí quản. Sau đó cháu tiếp tục được hỗ trợ hô hấp bằng thở máy không xâm nhập, thở ôxy dòng cao liều giảm dần rồi mới cho cháu thở ôxy thường. Sau 15 ngày cháu đã bỏ thở ôxy hoàn toàn, sống một cách bình thường”.
Theo đánh giá của BS Mạnh thì sau 24 ngày cháu Bình đã đi lại, chơi, chạy nhảy một cách nhanh nhẹn trong phòng vô trùng, có cảm nhận như cháu chưa từng bị bệnh. Cháu ăn cơm tốt, tăng cân (12,5kg), mạch, huyết áp, các thông số đều bình thường. Hiện cháu chỉ còn phải sử dụng một vài loại thuốc dự phòng nhiễm trùng cơ hội sau ghép và thuốc chống thải ghép suốt đời.
Bệnh viện cũng yêu cầu Khoa Dinh dưỡng cho cháu ăn từng bữa theo nguyện vọng của cháu và tính toán trên cơ sở khoa học. Theo dự tính, cháu Bình sẽ điều trị khoảng 5-6 tháng tại bệnh viện, khi nào sức khỏe của cháu hoàn toàn bình phục, các bác sĩ sẽ cho cháu xuất viện về nhà.
Quá trình điều trị và chăm sóc cho cháu Bình, BVQY 103 đã huy động lực lượng chuyên môn tới 17 bác sĩ, điều dưỡng viên thường xuyên bên bệnh nhân 24/24h. Trong cuộc đời làm nghề y của mình, BS Mạnh thừa nhận: “Chưa ca nào công tác hồi sức lại khó như lần này, chỉ cần thiếu một chút ôxy là người cháu sẽ tím đen lại, hoặc chỉ cần một tác động rất nhỏ cũng có thể gây thiếu ôxy trầm trọng, chức năng sống đã thay đổi. Phục hồi chức năng của phổi sau ghép thực sự là cả một nghệ thuật, nhiều lúc chúng tôi căng thẳng đến nghẹt thở". |