14 tuổi huyết áp tăng cao liên tục, mắc u tuyến thượng thận cả 2 bên

Thứ Tư, 24/05/2023, 11:53

Nam sinh 14 tuổi ở Nam Định huyết áp cao liên tục, đi khám nhiều nơi nhưng bệnh không thuyên giảm. Trong một lần bị tai nạn giao thông, bác sĩ phát hiện cậu bé bị u tuyến thượng thận cả hai bên, nếu không điều trị sẽ tử vong. Đây là trường hợp rất hiếm gặp tại cả Việt Nam và trên thế giới.

Bệnh viện Nhi Trung ương vừa cho biết, các bác sĩ của bệnh viện đã phẫu thuật thành công loại bỏ u tuyến thượng thận 2 bên cho nam sinh N.Q.Đ (14 tuổi, Nam Định). Đây là ca bệnh hiếm gặp tại cả Việt Nam và trên thế giới, cũng là trường hợp đầu tiên từ trước tới nay được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo các bác sĩ, biểu hiện bệnh của nam sinh là huyết áp tăng cao liên tục, được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ ở trường. Sau đó gia đình cho cháu đi kiểm tra ở một số bệnh viện đều được chẩn đoán là viêm cầu thận, được kê đơn thuốc về nhà điều trị. Sau 10 ngày tái khám, huyết áp vẫn tăng cao và được chỉ định nhập viện nhưng tình trạng không thuyên giảm.

Một tuần sau, nam sinh bị tai nạn giao thông, vào viện kiểm tra và được bác sĩ phát hiện khối u ở tuyến thượng thận hai bên, kích thước khá lớn 6x7cm.

14 tuổi huyết áp tăng cao liên tục, mắc u tuyến thượng thận cả 2 bên -0
2 khối u tuyến thượng thận được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương lấy ra từ cơ thể bệnh nhân 14 tuổi. (Ảnh: Trường Giang- Phạm Thảo)

Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến Trung tâm Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bệnh nhi được thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, siêu âm, chụp X-quang để xác định chính xác chẩn đoán về khối u.

PGS. TS Vũ Chí Dũng – Giám đốc Trung tâm Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “U tuyến thượng thận là một loại khối u hiếm gặp, ước tính chiếm khoảng 0,2 – 0,4% trong 100 nghìn người mỗi năm, đối với trẻ em còn hiếm hơn nữa, chỉ chiếm 10% trong tổng số u thượng thận phát hiện được. Khối u cả hai bên lại càng cực kì hiếm hơn nữa, chỉ 10% của số trẻ em mắc bệnh. Mỗi năm, tại Bệnh viện Nhi Trung ương có khoảng 1 – 2 bệnh nhi điều trị về u tuyến thượng thận và bé N.Q.Đ này là ca đầu tiên chúng tôi gặp u tuyến thượng thận hai bên trong 20 năm trở lại đây”.

PGS. TS Vũ Chí Dũng cũng chia sẻ thêm, mặc dù rất bé, nhưng tuyến thượng thận lại đóng vai trò rất quan trọng. Nếu bệnh này chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, trẻ có thể khỏi và có chất lượng cuộc sống bình thường; nhưng nếu chẩn đoán và điều trị muộn người bệnh có thể tử vong.

14 tuổi huyết áp tăng cao liên tục, mắc u tuyến thượng thận cả 2 bên -0
Lần đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật cho bệnh nhi có u tuyến thượng thận 2 bên. (Ảnh: Trường Giang - Phạm Thảo)

Do tính chất phức tạp vô cùng lớn của ca phẫu thuật khi cắt bỏ 2 khối u, khả năng cao phải cắt bỏ cả 2 tuyến thượng thận, rất dễ suy thượng thận cấp, rối loạn huyết động, rối loạn nhịp tim, rối loạn cân bằng chuyển hóa muối nước, mất khả năng chống đỡ của cơ thể với các stress…, thậm chí dẫn đến tử vong. 

Vì vậy, PGS.TS Phạm Duy Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã chỉ đạo cuộc hội chẩn gồm nhiều chuyên khoa để tìm giải pháp tối ưu nhất, đảm bảo phẫu thuật an toàn cho trẻ.

Sau 8 tiếng can thiệp nút mạch và phẫu thuật, các bác sĩ của nhiều chuyên khoa đã tiến hành cắt bỏ khối u cho bệnh nhi an toàn tuyệt đối và cố gắng giữ lại một phần tuyến thượng thận bên phải. Trong khi mổ, các bác sĩ luôn hết sức thận trọng và tỉ mỉ từng thao tác, vì việc chạm vào khối u, rất dễ gây ra cơn tăng huyết áp kịch phát dẫn tới xuất huyết não, suy tim cấp, nhồi máu cơ tim.

Hiện sức khoẻ của nam sinh Đ đã ổn định, tự thở, tỉnh táo, huyết áp trở về bình thường và mọi chỉ số đều rất tốt.

Các bác sĩ khuyến cáo, biểu hiện của u tuyến thượng thận là đau đầu, tăng huyết áp, hồi hộp đánh trống ngực, vã mồ hôi,.. nhưng thường rất mơ hồ và dễ bỏ sót nếu không được thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng. Thông thường, nếu có triệu chứng cao huyết áp, nhiều khả năng người bệnh sẽ được chẩn đoán viêm cầu thận, chỉ khi có nghi ngờ và làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu, siêu âm mới phát hiện được.

Do vậy, bên cạnh thăm khám sức khỏe định kỳ, khi trẻ có các triệu chứng huyết áp cao không thể kiểm soát bằng thuốc, gia đình nên đưa con đến ngay bệnh viện để thăm khám, kiểm tra càng sớm càng tốt.

Tr.Hằng
.
.
.