12 tỉnh có ca bệnh COVID-19: Thay đổi chiến thuật phòng, chống

Thứ Bảy, 06/02/2021, 07:44
Ngày 5/2, Điện Biên là tỉnh thứ 11 trên cả nước ghi nhận ca nhiễm COVID-19, đều có nguồn lây từ ổ dịch tại Hải Dương. Bộ Y tế đã có 3 thay đổi lớn trong chiến lược chống dịch COVID-19, đặc biệt là phương án cách ly đối với đối tượng trẻ em.


Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với các tỉnh có dịch sáng 5/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị, Bệnh viện Bạch Mai cử cán bộ lên Điện Biên hỗ trợ công tác điều trị và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lên hỗ trợ xét nghiệm, nhanh chóng truy vết nguồn lây.

Điện Biên phải tăng tốc truy vết

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết, đến sáng 5/2, địa phương này có 6 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 2 trường hợp đã dương tính 2 lần là người trở về từ Cẩm Giàng, Hải Dương và 4 người khác dương tính lần 1, đang được xét nghiệm lần 2. Ngoài ra, 3h sáng cùng ngày, cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên đã phát hiện một chuyến xe từ Quảng Ninh chở 44 khách về tỉnh và những người này được đưa đi cách ly.

Lực lượng CDC Hải Dương vất vả tăng tốc lấy mẫu xét nghiệm.

Điện Biên hiện có 88 máy thở, 1 máy xét nghiệm có công suất 250 mẫu mỗi ngày. Theo dự tính của Sở Y tế, số lượng sinh phẩm còn lại của Điện Biên không đủ để tiếp tục xét nghiệm các ca nghi ngờ. Đại diện Sở Y tế cũng cho biết, vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, số lượng người là lao động, sinh viên trở về quê sẽ rất lớn, nên diễn biến dịch phức tạp, công tác phòng dịch khó khăn. Bên cạnh đó, địa bàn Điện Biên rộng, đồng bào dân tộc nhiều, năng lực xét nghiệm không đáp ứng được như cầu. Vì vậy, Sở Y tế đề nghị Bộ Y tế chi viện.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo, dù 4 người còn lại đang chờ kết quả thêm lần 2, nhưng tất cả trường hợp này đều phải coi là ca nhiễm. Ông Long hoan nghênh Điện Biên đã khẩn trương truy vết được 414 F1, đồng thời chủ động yêu cầu khai báo y tế đối với các chuyến xe từ tỉnh có dịch về và phát hiện ca nhiễm. Tuy nhiên, do địa hình của tỉnh Điện Biên khác biệt, không thể quây một khu để thực hiện cách ly, giãn cách, mà phải áp dụng chủ yếu hình thức truy vết. 

Vì vậy, ông Long yêu cầu Điện Biên tiếp tục tăng cường truy vết, tránh bỏ sót đối tượng và phải đẩy nhanh xét nghiệm toàn bộ F1. Với các trường hợp F2, tỉnh phải khuyến cáo họ tự cách ly tại nhà. Đồng thời cử các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lên hỗ trợ Điện Biên giám sát dịch tễ, các hoạt động đáp ứng dịch, xét nghiệm và thiết lập hệ thống điều trị.

Trẻ em dưới 5 tuổi sẽ được cách ly nghiêm ngặt tại nhà

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, ngay khi dịch bắt đầu, Ban chỉ đạo, ngành Y tế đã nhấn mạnh "dĩ bất biến, ứng vạn biến", tuỳ điều kiện, tuỳ hoàn cảnh trên nguyên tắc bất di bất dịch trong phòng dịch, các địa phương có thể vận dụng, áp dụng thay đổi cho phù hợp. Vì vậy, lần này có 3 thay đổi trong chiến lược chống dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo.

Thứ nhất là thay đổi chiến lược gộp mẫu xét nghiệm. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trước đây, trong đợt dịch ở Đà Nẵng, chúng ta cho phép thí điểm gộp 5 mẫu xét nghiệm một lần. Tuy nhiên, do nhu cầu xét nghiệm diện rộng ở hai địa phương là Quảng Ninh và Cẩm Giàng (Hải Dương), Bộ Y tế cho phép có thể gộp 10-16 mẫu trong một lần xét nghiệm, gộp theo hộ gia đình. Nhóm mẫu nào có trường hợp dương tính sẽ lập tức cách ly toàn bộ gia đình và tiến hành lấy mẫu làm lại lần thứ 2 xác định ca dương tính. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, TP Hạ Long có 30 nghìn hộ gia đình, nhưng khuyến cáo của ngành y tế là lấy mẫu ở khu có người nhiễm trước rồi mới lấy rộng ra các hộ khác. Bộ Y tế sẽ đề nghị các viện hỗ trợ địa phương lấy gộp mẫu và chung ống xét nghiệm.

Chiến lược thay đổi thứ hai là phân lập trẻ em để cách ly. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị, các địa phương cần phải phân loại hai nhóm trẻ để thực hiện cách ly. Đó là nhóm trẻ dưới 5 tuổi có thể thực hiện cách ly tại nhà nghiêm ngặt do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm và có điều kiện đi kèm như: Chỉ được một người trông; người trông phải có sức khỏe tốt và gia đình đó không có người già, không có bệnh lý nền. Việc này, Bộ Y tế đã thực hiện tại Cẩm Giàng, Hải Dương và một số địa phương khác.

Đối với với trẻ trên 6 tuổi trở lên, áp dụng mô hình phân kỳ cách ly tập trung. Trẻ sẽ được áp dụng cách ly tập trung trong 7 ngày đầu và lấy mẫu ngày 1, ngày 3 và ngày 7. Khi trẻ có kết quả âm tính, sẽ được cách ly tại nhà theo quy định nhưng phải rất nghiêm ngặt với sự giám sát của chính quyền địa phương.

Theo người đứng đầu Bộ Y tế, chính quyền địa phương là đơn vị cuối cùng quyết định việc cách ly tại nhà của trẻ. Điều này giúp các địa phương quản lý việc cách ly trẻ và giúp trẻ trở về nhà sau thời gian cách ly.

Ngay sau khi tiếp nhận chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay TP đang thực hiện cách ly tập trung với trẻ tại Trường Tiểu học Xuân Phương với 116 người, trong đó có 60 trẻ và cả gia đình các em. Với việc thay đổi về cách ly với trẻ theo chỉ đạo của Bộ Y tế, ngày 5/2, Hà Nội sẽ cho xét nghiệm lại với các trẻ này, nếu âm tính có thể đưa các con trở về trước Tết Nguyên đán và được cách ly nghiêm ngặt tại nhà.

Giải tỏa hàng hóa từ khu vực có dịch

Đây là chiến lược thứ 3 khi hiện nay, những tỉnh có dịch, việc lưu thông hàng hóa đang rất khó khăn, trong khi Tết đang cận kề, bà con, doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân. Bộ Y tế đề nghị, các địa phương nếu bảo đảm công suất xét nghiệm, có thể cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ khu vực có dịch ra ngoài thông qua kiểm soát chặt chẽ dịch và người chuyên chở hàng hóa.

Với những tài xế vận chuyển hàng hóa và hàng đi kèm phải xét nghiệm hai ngày/lần. Trong lúc vận chuyển phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, như: Hạn chế tiếp xúc với người khác, ghi chép lại người và địa điểm mình giao hàng… Người đứng đầu Bộ Y tế cho hay, biện pháp này vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa cho người dân trong dịp Tết nguyên đán này. Địa phương nào để xảy ra dịch trong việc này sẽ phải chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị, Hải Phòng không nên ngăn sông, cấm chợ với các địa phương khác trong lưu thông hàng hóa. Tổ tự quản của Hải Phòng đã triển khai rất tốt và cần sự vào cuộc của đội này để giám sát, truy vết. Bộ trưởng đề nghị Hải Phòng mở lại Bệnh viện Phụ sản để thực hiện khám cho người bệnh tại đây, tránh phải chuyển lên tuyến trên.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay chúng ta đã huy động lực lượng lớn hỗ trợ cho các địa phương Hải Dương, Gia Lai, Điện Biên… Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta cần phải quyết liệt hơn, nhanh hơn, tranh thủ từng giây, từng phút để khoanh vùng, khống chế kiểm soát dịch nhanh nhất. Bối rối luống cuống sẽ làm mất đi thời gian vàng trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Để làm được điều đó, người đứng đầu ngành Y tế yêu cầu, nếu Hà Nội truy vết được, cần xét nghiệm nhanh cho toàn bộ khu dân cư và có thể giải tỏa một số khu vực. Nếu cách ly theo tầng, nơi bệnh nhân ở, Hà Nội phải truy vết triệt để, giảm thiểu tác động với người dân tại tòa nhà. Đồng thời, nếu công suất xét nghiệm tại Hà Nội quá tải, thành phố có thể gửi ngay mẫu lên các bệnh viện tuyến Trung ương để thực hiện nhanh xét nghiệm.

Đối với ổ dịch Hải Dương, theo kết quả điều tra, dịch ở nhà máy Poyun, Chí Linh đã có từ 3-10 ngày trước (từ 14, 15/1), đúng như dự đoán ban đầu. Chúng ta đã có quyết định sáng suốt, kịp thời phong tỏa toàn bộ Chí Linh. Hiện nay, ổ dịch tại Chí Linh vẫn còn xuất hiện ca mới nhưng đang có xu hướng giảm đi. Tuy nhiên, quan tâm nhất hiện nay là nguồn dịch tại Cẩm Giàng vì mối quan hệ, giao lưu rất phức tạp. "Trong trường hợp cần thiết, Hải Dương phải áp dụng biện pháp mạnh với Cẩm Giàng, có thể sẽ phong tỏa như Chí Linh", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Tại Quảng Ninh, ngày 4/2 ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm COVID-19 có mối liên quan mờ nhạt đến nguồn lây. Vì thế, Bộ Y tế đề nghị, tỉnh sẽ xét nghiệm trên quy mô rộng với TP Hạ Long. Đầu tiên là xét nghiệm gộp mẫu tại những vùng có nguy cơ để tìm được ca bệnh dương tính, sau đó sẽ xét nghiệm mở rộng cho tới 30 nghìn hộ dân tại đây.

Đối với ổ dịch ở Gia Lai chủ yếu xuất hiện ở 4 huyện với 18 ca dương tính, vì vậy cần nâng mức xét nghiệm lên 10 nghìn mẫu/ngày. Đồng thời, nhanh chóng thiết lập bệnh viện dã chiến, thiết lập đơn vị hồi sức tích cực và đơn nguyên chạy thận nhân tạo để không bị động trong việc điều trị. Bộ trưởng Bộ Y tế đồng ý với Hải Phòng trong việc xét nghiệm cho công nhân tại khu công nghiệp, tránh bài học của Hải Dương.

Trần Hằng
.
.
.