Lỗi kỹ thuật hay do chủ đầu tư chủ quan?
Chiều 10-8, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Phước cho biết, sự cố kẹt van tại cửa xả lũ của hồ thuỷ điện Đắk Kar (xã Đắk Ru, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông) đã được chủ đầu tư tạm thời khắc phục, nguy cơ vỡ đập đã tạm qua. “Về nguyên nhân dẫn đến sự cố kẹt van do đâu thì đến nay vẫn chưa thể đánh giá được”, ông Hoàng cho biết.
Cũng theo ông Hoàng, sau khi tình hình mưa lũ yên ổn, Sở sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, tỉnh Đắk Nông và chủ đầu tư đánh giá lại lỗi này là do thiết kế, sự cố khách quan hay do lỗi thi công. Khi các bên ngồi lại với nhau, tiến hành kiểm tra rõ ràng thì mới đưa ra được kết luận nguyên nhân do đâu. Đến thời điểm này, hồ thuỷ điện Đắk Kar đã được đảm bảo an toàn nhưng vẫn phải có phương án đề phòng bất trắc xảy ra.
Đến chiều 10-8, cửa van xả nước tại hồ thuỷ điện Đắk Kar vẫn đang được các công nhân tích cực khắc phục. |
Về câu hỏi thủy điện chưa xây dựng xong, chưa đưa vào vận hành đã tích nước dẫn đến gặp sự cố, đe dọa đến an toàn hồ đập, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân phía hạ du như vậy đã đúng quy định chưa? Ông Hoàng cho hay, sắp tới đây, Sở sẽ có ý kiến với Bộ Công thương cụ thể.
“Quy định của Nhà nước về quản lý vận hành hồ chứa thuỷ điện như vậy đã chuẩn chưa, có cần phải điều chỉnh, sửa đổi gì không để phù hợp với tình hình thực tế. Vấn đề này chúng tôi sẽ báo cáo, đề xuất lên Bộ Công thương trong đợt làm việc sắp tới, đồng thời đánh giá lại nguyên nhân gây sự cố tại hồ thuỷ điện Đắk Kar để có những đề xuất cụ thể”, ông Hoàng cho hay.
Trong khi đó, ông Bùi Huy Thành, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Nông cho biết, sau khi xảy ra sự cố tại hồ thuỷ điện Đắk Kar, Sở đã đi kiểm tra thực tế và có báo cáo nhanh lên Bộ Công thương. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự cố này là do đơn vị thi công tự ý đóng cửa van xả lũ tích nước, khi nước lũ đột ngột tràn về dẫn đến cửa van bị kẹt không thể vận hành, nước dâng lên cao, gây nguy cơ bị vỡ hồ.
10 người tử vong do mưa lũ Ngày 10-8, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, mưa lũ những ngày qua ở Tây Nguyên đã làm 10 người chết và ở Đồng Nai có 1 người mất tích. Mưa lũ cũng làm gần 3.700 nhà bị ngập nước (trong đó nặng nhất là Lâm Đồng hơn 2.400 nhà, Đắk Lắk trên 900 nhà, Bình Thuận trên 250 nhà…). Cùng đó, 800 nhà phải di dời khỏi khu vực nguy hiểm (Đồng Nai 250 nhà; Lâm Đồng gần 550 nhà). Đến nay, gần 18.400 ha lúa hoa màu bị ngập, trên 700ha cây lâu năm, gần 2.560 ha cây trồng cùng gần 1.100 ha cây ăn quả thiệt hại… ước tính thiệt hại ban đầu lên đến gần 1.000 tỉ đồng. |
“Trước sự cố này, địa phương đã phối hợp với các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng sơ tán người dân ở hạ du đến nơi an toàn. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã có mặt tại hiện trường đưa ra nhiều giải pháp trước mắt như nổ mìn tạo dòng chảy bên vai trái đập để đảm bảo đập không bị vỡ bất ngờ, gây ra thảm họa”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, khi lượng nước bất ngờ đổ về nhiều, kéo theo đó là một lượng lớn gỗ, cây cối bị cuốn vào van cửa xả khiến cửa van bị kẹt, không vận hành được. “Về vấn đề này, chủ đầu tư đã giải thích và có thể một trong những nguyên nhân gây ra sự cố. Tuy nhiên, việc chủ đầu tư đã hoàn thiện hệ thống tải điện vào dàn phay để kéo cửa van lên hay chưa thì đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra sau khi mưa bão chấm dứt”, ông Thành thông tin.
Theo ông Thành, hiện nay, Nhà máy Thủy điện Đắk Kar chưa được nghiệm thu đi vào hoạt hoạt động nên quy trình vận hành của nhà máy này chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về câu hỏi để xảy ra sự cố là do sự chủ quan của chủ đầu tư không lường hết được trước thời tiết cực đoan, bất ngờ? Ông Thành cho rằng, tới đây cơ quan chức năng sẽ phải kiểm tra, đánh giá xem nguyên nhân gây sự cố.
Trao đổi vấn đề trên, ông Lê Viết Thuận, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Đắk Nông cho biết, hồ thủy điện thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công thương. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến người dân nên lãnh đạo tỉnh và đơn vị đã xuống kiểm tra. Tại đây, chủ đầu tư cho rằng nguyên nhân kẹt van là do củi bị trôi về, kẹt vào cửa xả nước.
Thủy điện xả lũ, 120 người dân cù lao phải di dời khẩn cấp Đến tối 9-8, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai phối hợp với chính quyền huyện Định Quán đã tổ chức di dời toàn bộ 120 hộ dân sinh sông trên cù lao Hòa Hiệp vào bờ an toàn trong thời điểm nước lũ đang dâng cao. Cù lao Hòa Hiệp, xã Ngọc Định là nơi trũng, thấp nhất huyện Định Quán, trong khi nước sông Đồng Nai đang tiếp tục dâng cao nên nguy cơ ngập toàn bộ là rất cao. Do đó, sau khi trực tiếp kiểm tra, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã yêu cầu chính quyền địa phương khẩn cấp di dời tất cả các hộ dân sinh sống tại đây vào đất liền. Đến 18 giờ cùng ngày, tất cả 40 hộ dân, với hơn 120 người trên cù lao Hòa Hiệp được di dời lên bờ an toàn. (Bảo Sơn) |