Du lịch kết hợp thể thao: “Mỏ vàng” của du lịch Việt

Thứ Năm, 25/02/2021, 07:33
Hàng trăm giải thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia, hàng chục giải thể thao quốc tế và rất nhiều giải thể thao phong trào khác được tổ chức tại Việt Nam, thu hút đông đảo khách du lịch đến để tham gia hoặc xem và trải nghiệm các hoạt động liên quan đến lĩnh vực này. Du lịch thể thao đang được kỳ vọng là một trong những “mỏ vàng” của du lịch Việt.


Nhiều giải đã hoãn nhưng vẫn được kỳ vọng khi dịch lắng xuống

Mặc dù đến thời điểm hiện tại, một số giải thể thao dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021 đã phải tạm hoãn do COVID-19 nhưng vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục trở thành những sự kiện lớn, thu hút một lượng khách lớn đến địa phương khi dịch bệnh tạm lắng. Với giải Marathon quốc tế TP Hồ Chí Minh Techcombank, Ban tổ chức đã thông báo chính thức tạm hoãn.

Theo kế hoạch, mùa giải thứ 4 năm 2021 sẽ diễn ra vào 28-2, thu hút hàng vạn vận động viên chuyên nghiệp, không chuyên, góp phần quảng bá đáng kể về thành phố mang tên Bác nói riêng, Việt Nam nói chung vài năm gần đây. Ngày tổ chức lại sự kiện có thể diễn ra vào 11/4.

Tại Hải Phòng, đặc biệt là huyện Cát Hải, các Giải Marathon quốc tế, Giải bóng chuyền nữ, giải đua Kyak trên vịnh Lan Hạ... cũng được kỳ vọng sẽ tạo những điểm nhấn cho du lịch địa phương. Các giải này được dự kiến sẽ truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Hải Phòng hoặc Đài Truyền hình Việt Nam. Đây cũng là những sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động quảng bá về Hải Phòng, đặc biệt là Cát Bà, bên cạnh nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch được tập trung đầu tư như: Lễ hội kỷ niệm 62 năm Ngày Bác Hồ về thăm Làng cá; Khai mạc du lịch Cát Bà năm 2021; tuần Văn hóa-Thể thao; Lễ đón vị khách thứ 3 triệu đến Cát Bà năm 2021… Nếu dịch bệnh lắng xuống, các giải thể thao nói trên sẽ là những sự kiện nổi bật để thu hút khách du lịch đến Hải Phòng, đặc biệt là Cát Bà vào năm nay…

Các giải chạy bộ đang góp phần tích cực trong phát triển du lịch Việt hiện nay.

Trao đổi với chúng tôi về du lịch thể thao, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch từng chia sẻ rằng, mặc dù du lịch thể thao mới được quan tâm vài năm trở lại đây nhưng thế giới đã phát triển từ rất lâu.

Ngoài các vận động viên, các giải thể thao thường thu hút một lượng lớn người đến xem. Nhiều khán giả sẽ không chỉ đến 1 điểm xem giải đấu mà sẽ tranh thủ thời gian trải nghiệm, khám phá đất nước nơi họ đến. Mỗi một điểm đến, dịch vụ, trải nghiệm mới mẻ mà vận động viên, khán giả - du khách cảm nhận và chia sẻ sẽ là một “kênh” quảng bá hữu hiệu hình ảnh, đất nước con người Việt Nam.

Cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ

Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ M.I.C.E Việt Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và sự kiện Vplus Việt Nam chia sẻ: Theo báo cáo của Tổng cục Thể dục- Thể thao, hàng năm có gần 200 giải thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia và hơn 30 giải thể thao quốc tế tại Việt Nam… Tuy nhiên, khai thác du lịch kết hợp thể thao thành tích cao chưa được hiệu quả. Nguyên nhân có nhiều, trong đó các giải thể thao thành tích cao của Việt Nam chưa hấp dẫn, chưa đủ sức lôi kéo đông đảo người tới xem. Sự kiện thể thao du lịch được mong đợi nhất là đua xe F1 nhưng đã bị hủy do đại dịch.

Về khai thác du lịch kết hợp thể thao phong trào, những năm gần đây phát triển mạnh mẽ số lượng các câu lạc bộ và các giải thể thao phong trào các môn: Golf, chạy bộ, xe đạp, leo núi, Sup – Kayak, bơi… Trong số đó thì bộ môn chạy bộ thu hút đông đảo số người tham gia. Đây là đối tượng quan tâm nhất của ngành Du lịch Việt bởi quy mô phát triển mạnh. Tính riêng chạy bộ phong trào, Việt Nam hiện có khoảng 40 giải marathon diễn ra tại các địa điểm du lịch nổi tiếng. Đặc biệt như Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, hàng năm có khoảng 4 giải lớn. Quy mô mỗi giải từ vài nghìn đến hơn chục nghìn người tham gia.

Theo thống kê của Tổng cục Thể dục-Thể thao, cứ một người tham dự giải phong trào thường mang theo 2 người đi cổ vũ và cùng nhau đi du lịch tại điểm diễn ra sự kiện. Hiện tại, việc cung cấp dịch vụ du lịch mà các công ty du lịch phục vụ được là các khách chơi golf và chạy bộ, còn lại các môn thể thao khác chưa khai thác được nhiều.

“Đây là thời điểm chúng ta cần kết hợp và hình thành, bán các sản phẩm du lịch thể thao phục vụ nhu cầu chính đáng, nhu cầu thời thượng của khách du lịch. Các chuyên gia du lịch thế giới nhận xét du lịch thể thao sẽ là hiện tượng của thế kỷ này và đây cũng là động lực mới cho sự phát triển của du lịch Việt Nam trong 2021 và các năm tiếp theo”, ông Nguyễn Đức Anh nhận định.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Đức Anh, để du lịch thể thao phát triển hơn nữa thì các địa phương cần tạo thủ tục thông thoáng trong việc cấp phép tổ chức giải thể thao phục vụ du lịch, phục vụ xúc tiến điểm đến. Xã hội hóa công tác tổ chức giải, kêu gọi nguồn đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân không dùng kinh phí địa phương để tổ chức các giải phong trào. Nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng phục vụ thể thao. Truyền thông để người dân nhận thức rõ lợi ích bền vững mà du lịch thể thao mang lại cho địa phương. Tổng cục Thể dục-Thể thao nên có thông tin niêm yết công khai và sớm về các giải đấu thể thao thành tích  cao tổ chức trong và ngoài nước, hỗ trợ nhân sự chuyên môn cho giải thể thao phong trào.

Các cơ sở dịch vụ bình ổn giá giai đoạn có giải thi đấu, có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới mong du lịch thể thao phát triển bền vững. Các công ty lữ hành tạo liên minh liên kết bán các sản phẩm liên quan tới du lịch thể thao. Cần phát triển công nghệ phục vụ công tác tổ chức giải thể thao và đào tạo huấn luyện nhân sự hiểu về các môn thể thao và sản phẩm du lịch kết hợp các môn thể thao.

N.Nguyễn

.
.