TP.HCM:

Tôn vinh những người con hiếu thảo

Thứ Hai, 08/11/2004, 08:48

Chị Huỳnh Thị Mỹ Hạnh có chồng bị bệnh tâm thần, mẹ chồng đau ốm thường xuyên. Hơn 24 năm qua, từ việc nhẹ như giặt giũ, lau dọn đến những việc nặng như gánh nước, bốc vác, ai thuê chị đều nhận làm. Quý cái tấm lòng hiếu thảo của chị, nên không ít người dân trong khu phố lấy đó làm tấm gương để dạy dỗ con cái mình.

Ở TP.HCM, những  tấm gương hiếu thảo như chị Hạnh không phải là hiếm. Gia đình anh Trần Văn Bông (46 tuổi, ngụ tại phường Tam Phú, Thủ Đức, TP.HCM) là một trong số đó. Cha anh, vốn là lao động chính trong gia đình, bỗng lâm bệnh nặng rồi qua đời khi anh mới 18 tuổi. Nhìn mẹ quảy cặp gánh trên vai để mua bán ve chai nuôi anh và người chị bị bệnh tâm thần, lòng anh luôn day dứt, nhưng vì nhà nghèo, anh không được học hành đến nơi đến chốn nên rất khó tìm một việc làm ổn định. Anh Bông bàn với mẹ gắng kiếm tiền mua cho anh chiếc xe đạp và ngày ngày anh rong ruổi khắp các đường cùng ngõ hẻm để bán bong bóng và kẹo kéo. Ít năm sau, vì mẹ già yếu nên anh Bông đành phải ngưng đi bán xa để chăm sóc mẹ. Mải vật lộn với cuộc sống nên đến năm 37 tuổi, anh mới lập gia đình.

Thương tình cảnh gia đình anh, bà con lối xóm, mỗi người góp ít tiền mua thuốc thang cho mẹ anh. Chính quyền phường Tam Phú hướng dẫn anh vay vốn xóa đói giảm nghèo để anh mua một xe đẩy đi bán sữa đậu nành dạo. Từ tấm lòng hiếu thảo của người con, mái ấm tuy chật hẹp, thiếu thốn mọi bề nhưng đầy ắp tình cảm.

Gần giống như hoàn cảnh của anh Bông là anh Lê Đại Ân (khu phố 5, phường Linh Trung, Thủ Đức). Năm nay chưa đầy 20 tuổi, là con một trong gia đình nghèo khó, mẹ già yếu, cha mù lòa, nhưng Ân đã vuợt qua hoàn cảnh học đến hết lớp 12. Để có được như vậy, ngay từ khi còn cắp sách đến trường, Ân phải đi làm thuê làm mướn phụ mẹ nuôi gia đình. Bây giờ Ân có được chỗ làm ổn định trong khu chế xuất Linh Trung với mức lương cơ bản hơn 1 triệu đồng, giúp gia đình giảm bớt khó khăn. Ân nói: "Khi hoàn cảnh gia đình ổn định, em sẽ theo học đại học để có thêm kiến thức".

Hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Lệ (phường Hiệp Thành, quận 12, TP. HCM) lại khác. Tính đến nay, ngót ngét 30 năm kể từ ngày chị về làm dâu, cũng ngần ấy năm chị là góa phụ. Chị kể trong nước mắt: "Lấy nhau chỉ được ít ngày, anh bị tai nạn giao thông và ra đi vĩnh viễn". Mẹ chồng chị sau khi khóc cạn nước mắt đã gọi chị lại khuyên can: "Con mới 18 tuổi đầu, hãy về lại với gia đình rồi có một tấm chồng khác…". Chị nắm chặt tay mẹ, cầu xin: "Mẹ đã già yếu, hai đứa em (em chồng) còn nhỏ dại, con xin mẹ hãy cho con ở lại!".

Gạt bỏ thương đau chị lao vào công việc để kiếm tiền nuôi mẹ chồng và hai đứa em cho đến tận hôm nay. Thương con dâu mình đã chôn vùi tuổi thanh xuân để làm một người dâu thảo, sau khi hai đứa con khôn lớn, bà lại khuyên con dâu đi bước nữa. Mỗi lần như vậy, chị Lệ lại khóc và trách mẹ không hiểu lòng mình. Thấy vậy bà càng thương con dâu hơn.

Ngoài những tấm gương này, tại TP.HCM còn có hàng trăm người được biểu dương trong phong trào "người con hiếu thảo" do TP.HCM phát động trước năm 2000

M.T.Phong
.
.
.