Dạy học ở đảo

Thứ Bảy, 20/11/2004, 08:32

Rời xa chốn đô thị, họ tình nguyện đến những hòn đảo xa xôi, nơi ở của các ngư dân từ đời này sang đời khác chỉ biết nghề đi biển. Nơi ấy, những đứa trẻ lên mười đã biết đan lưới thành thạo, có thể tính con nước, nhìn sao trời định hướng đi, nhưng lại chưa một lần được cầm cây bút hay quyển sách vỡ lòng.

Hơn 1 tiếng đồng hồ con tàu mới đưa tôi đến với đảo Sen (Vân Đồn, Quảng Ninh) khi hoàng hôn bắt đầu buông. Biết tôi có ý định đến thăm trường học, thằng bé con ông chủ tàu nhanh nhảu lấy đèn pin soi đường dẫn tôi vào đảo.

Trường THCS Bản Sen chỉ là 3 căn nhà ngói đơn sơ nằm giữa một khu đất trống. Người đầu tiên tôi được gặp là cô giáo Phạm Thị Vững, Phó Hiệu trưởng và là người đặt nền móng xây dựng ngôi trường này.

Cô Vững cho biết, 30 năm trước, khi mới vừa bước sang tuổi 19, cô đã xung phong nhận công tác tại đảo Sen. Thuở ấy, cô giáo Vững bước vào nghề với cả bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn được thử sức mình ở những nơi khó khăn, gian khổ. Đảo Sen là một trong những xã đảo nghèo, đường sá đi lại rất khó khăn. Đa số cư dân trên đảo chỉ sống bằng nghề đánh cá, một số ít làm nông nghiệp trên đất cỗi cằn.

Thời gian đầu về đảo, cô Vững thường phải đến từng gia đình vận động các cháu đi học. Nhiều nhà neo người, công việc kiếm sống đè nặng trên vai khiến các em không thể dứt ra được. Vận động mãi lớp học cũng chỉ có lèo tèo năm, ba học sinh. Nhưng rồi ngày qua ngày, bằng sự kiên trì của cô Vững, lớp học cũng đông dần lên và khá nhiều em đã bắt đầu say mê với việc học tập. Có em, hàng ngày phải đi bộ 5-7km đường núi để đến lớp mà không bỏ buổi học nào.

Thấy cô có khả năng vận động, tổ chức lớp học trên đảo Sen thành công, cấp trên lại điều chuyển cô đến những vùng đất khó khăn khác như Cô Tô, Tài Xuyên tiếp tục gây dựng trường mới. Gần chục năm ở đảo, ái ngại cho cảnh "thân gái dặm trường" của cô giáo Phạm Thị Vững nên cấp trên đã điều cô về đất liền. Nhưng miền rừng núi Ba Chẽ mà cô được điều đến cũng là một nơi đầy khó khăn, gian khổ. Từ biển chuyển lên rừng, cô phải bắt đầu làm quen lại với mọi thứ. Cô phải học tiếng Dao để dạy học (vì phần lớn học sinh ở đây là người Dao). Và cô lại bắt đầu giống như ngày trước: tới từng nhà vận động bố mẹ cho con tới trường. Vài năm sau, bằng sự nỗ lực của bản thân, lớp học của cô giáo Vững đã thu hút được hàng chục học sinh và việc học cái chữ ở miền núi Ba Chẽ đã trở thành một thói quen.

Mấy năm ở rừng, không hiểu sao cô giáo Vững lại cồn cào nỗi nhớ đảo Sen. Nơi ấy là tuổi thanh xuân, là đầy ắp kỷ niệm với trẻ em làng chài và cả vì một mối tình thầm kín. Cô đã xin trở lại hòn đảo năm xưa. Ngày trở về, dẫu ngôi trường xưa nay đã khang trang hơn, nhưng mỗi lần soi gương ngắm lại dung nhan, cô chợt giật mình khi biết mình đã bước sang tuổi 34.

Lứa học sinh đầu tiên cô dạy ở đảo Sen giờ cũng đã trưởng thành, nhiều người có vợ, có chồng. Nhìn hạnh phúc của đám học trò cũ, cô thấy rất vui nhưng sâu thẳm trong lòng, cô giáo Vững cũng có đôi chút chạnh lòng. Nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ không vượt qua nổi thực tế khắc nghiệt ấy nên đã rời đảo. 11 giáo viên cùng thời với cô chỉ còn hai đồng nghiệp là Chung và Điệp ở lại bám trụ cùng cô. Hai người bạn trên hiện  vẫn còn đơn chiếc. Ở cái tuổi ngoài 40, các cô chỉ còn hy vọng có một đứa con nuôi cho vui cửa, vui nhà.

Năm 1992, hạnh phúc đã mỉm cười với cô khi cô tình cờ gặp lại chàng trai đã từng thầm thương, trộm nhớ từ cái ngày cô mới đặt chân lên đảo. Gần 20 năm qua, từ khi cô chuyển công tác, anh cũng rời đảo, vào miền Nam sinh sống. Dù không dám chắc có ngày gặp lại, nhưng anh vẫn không thể đến với ai mà vẫn mãi sống đằm thắm với bóng hình của cô giáo Vững năm xưa. Cảm động trước tình cảm chân thành của anh, cô đã đồng ý cùng anh đi nốt quãng đời còn lại. Đám cưới tổ chức giản dị nhưng thật vui. Dân làng chài đảo Sen ai cũng mừng cho cô giáo nên đến dự rất đông.

Trường THCS Bản Sen ngày nay đã có thêm nhiều cô giáo trẻ như cô Thúy, cô Điểm, cô Dậu, cô Phương. Cuộc sống trên đảo cũng đã bớt phần khắc nghiệt hơn trước, song so với đất liền thì vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hằng đêm, những thầy, cô giáo trên đảo vẫn phải ngồi soạn giáo án dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu. Phương tiện nối liền thông tin từ đất liền ra đảo là chiếc radio duy nhất của thầy Hiệu trưởng. Vì vậy vào mỗi tối, sau một ngày lên lớp, các thầy, các cô lại quây quần để nghe bản tin thời sự, từng bài hát, từng câu chuyện đêm khuya trên sóng truyền thanh. Điều mà các cô giáo trẻ lo lắng nhất là nhiều người đã xấp xỉ tuổi 30 nhưng vẫn không có điều kiện tìm bạn đời ở vùng biển nước xa xôi này. Một vài cô có may mắn tìm được hạnh phúc riêng, nhưng hiện tại vẫn sống trong cảnh vợ chồng ngâu, mỗi năm một đôi lần gặp gỡ.

Những ngày này, tập thể giáo viên Trường THCS Bản Sen đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Gạt đi những mối lo toan thường ngày, tất cả các thầy, cô giáo đều miệt mài hăng say bên những trang giáo án, với nghị lực vượt bậc để đưa con chữ đến với ngư dân ở hòn đảo chỉ có sóng và gió này

Thanh Huyền
.
.
.