Thể thao Việt Nam đau đáu huy chương vàng ở Olympic

Chủ Nhật, 25/07/2021, 07:17
Hơn 5 năm trước, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh mang về tấm huy chương vàng Olympic đầu tiên trong lịch sử cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Sau 5 năm, anh dừng bước ngay ở vòng loại nội dung từng đưa mình đến vinh quang lịch sử.


40 năm, 1 vàng, 3 bạc và 1 đồng

40 năm đã trôi qua, kể từ lần đầu tiên thể thao Việt Nam được tham dự một kỳ Olympic (Thế vận hội). Sau ngần ấy thời gian đầu tư và phát triển, chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở việc đặt mục tiêu cọ xát, học hỏi cũng như mong ngóng hy vọng có được 1 hoặc 2 tấm huy chương ở đấu trường thế giới. Năm 2000, tức là cách đây 20 năm, tấm huy chương bạc của nữ võ sỹ Taekwondo - Trần Hiếu Ngân ở Olympic Sydney là dấu mốc thành tích đầu tiên mà đoàn Thể thao Việt Nam ghi danh tại Olympic.

Nhưng sau 2 thập kỷ, tức là đã qua thêm 4 kỳ Olympic, những gì mà đoàn Việt Nam có được chỉ là giành thêm 1 huy chương đồng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương vàng. Hoàng Xuân Vinh, xạ thủ của Việt Nam có thể xem là vận động viên thành công nhất lịch sử khi bỏ túi 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc ở 2 nội dung 10m súng ngắn hơi và 50m súng ngắn tại Olympic Rio 2016.

Hy vọng huy chương được hướng đến Thạch Kim Tuấn ở nội dung cử tạ.

Nhưng kể từ đó đến nay, tức là đã 5 năm, “tay súng” 46 tuổi chỉ có thêm đúng 1 huy chương vàng nữa tại SEA Games 2017. Phần còn lại, những gì mà Xuân Vinh mang lại cho người hâm mộ là tiếc nuối. Điển hình nhất chính là Olympic đang diễn ra ở Tokyo, ngay ở vòng loại nội dung 10m súng ngắn hơi từng đem về chiến tích huy chương vàng, Xuân Vinh thậm chí không qua nổi vòng loại của giải đấu.

Đâu chỉ có Xuân Vinh. Nhiều gương mặt gạo cội từng giúp thể thao Việt Nam chinh phục nhiều huy chương vàng tầm khu vực và châu lục như Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) hay Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) cũng chưa bao giờ hiện thực hoá giấc mơ huy chương tại Olympic, chứ chưa nói đến việc “giành vàng” cho thể thao nước nhà. Với Ánh Viên, cô đến Tokyo 2021 bằng hai chuẩn B, nội dung 200m và 800m tự do.

Ở 200m tự do, cô kiếm được suất cuối cùng với thành tích 2 phút 00,75 giây lập ở SEA Games 30, chỉ nhanh hơn chuẩn B 0,05 giây. Với 800m tự do, kết quả của Ánh Viên là 8 phút 48,65 giây, hơn chuẩn B 0,11 giây.

Thành tích xét chuẩn của Ánh Viên ở hai nội dung này lần lượt đứng thứ 25 và 30 trong những VĐV dự Olympic 2020. Quả thực, quá khó cho Ánh Viên có thể giật huy chương Olympic. Còn với Tiến Minh, “điệp vụ” giành huy chương đồng ở môn cầu lông xem ra cũng bất khả thi, khi anh đụng độ với toàn những tay vợt sừng sỏ đẳng cấp thế giới.

Hy vọng ở cử tạ và thể dục dụng cụ

Nhưng không phải đoàn Thể thao Việt Nam đã hết hy vọng huy chương ở Olympic 2020. Ông Trần Đức Phấn - trưởng đoàn TTVN tại Olympic Tokyo - cho biết, đoàn TTVN phấn đấu giành được 1 huy chương tại Olympic Tokyo. Trong số 18 VĐV của 11 môn có mặt tại Olympic Tokyo, niềm kỳ vọng huy chương được đặt nhiều nhất ở môn cử tạ, với hai lực sĩ Thạch Kim Tuấn (61kg nam), Hoàng Thị Duyên (59kg nữ).

Căn cứ cho niềm tin ấy dựa trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF). Theo đó, trong số các VĐV vượt qua vòng loại Olympic Tokyo, Tuấn đang đứng thứ 4 với kỷ lục cá nhân tổng cử là 304kg. Hoàng Thị Duyên đứng thứ 10 với thành tích tốt nhất từng đạt được là 223kg. Với Thạch Kim Tuấn, anh sẽ tranh tài cùng 13 VĐV ở hạng 61kg.

Ở hạng cân này, ứng viên cho chức vô địch là VĐV Li Fabin (Trung Quốc). Li Fabin là nhà vô địch thế giới năm 2019 với mức tổng cử từng đạt 318kg. Ứng viên cho chiếc HCB Olympic hạng cân này là VĐV Iranwan Eko Yuli (Indonesia).

Yuli từng giành HCV thế giới năm 2018 với tổng cử 317kg. Yuli cũng từng giành HCB tại Olympic Brazil 2016 với thành tích 312kg. Trong khi đó, thành tích tốt nhất của Thạch Kim Tuấn là 304kg. Với thành tích này, Kim Tuấn có cơ hội tranh chấp HCĐ với Itokazu Yoichi (Nhật Bản) - VĐV từng đạt tổng cử 298kg.

Một bộ môn khác có cơ hội “rinh” huy chương cho Việt Nam là Thể dục dụng cụ. "20 năm trước, suất dự Olympic của TDDC có thể nói là giấc mơ với chúng tôi. Olympic Bắc Kinh 2008, Ngân Thương góp mặt nhưng với tư cách là người được mời, sau những thành tích tại SEA Games. Đến Olympic 2020, chúng ta đã có 2 VĐV, đều đạt chuẩn. Đáng nói hơn, họ cùng là nam", ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (Ủy ban Thể dục Thể thao), nguyên Tổng thư ký Liên đoàn Thể dục Việt Nam bày tỏ sự tự hào về sự phát triển của thể dục dụng cụ Việt Nam ở Thế vận hội.

Trước mắt, Đinh Phương Thành (nội dung nhảy chống) và Lê Thanh Tùng (nội dung xà kép), những VĐV TDDC tham gia tranh tài ở Olympic Tokyo là vào chung kết trước khi hướng đến mục tiêu có huy chương. Điều này là hoàn toàn có thể làm được khi những gì mà Đinh Phương Thành và Lê Thanh Tùng thể hiện trong suốt quá trình qua đủ thuyết phục giới chuyên môn trong và ngoài nước. Dẫu vậy, suy cho cùng, việc giành được huy chương ở Olympic, chưa nói đến huy chương vàng vẫn chưa hẳn đã nằm trong tầm khả năng đối với Việt Nam. Đó có thể xem là một nỗi niềm đau đáu trong sự phát triển những hạt giống đỏ của thể thao nước nhà.

Tuyệt vời Ban tổ chức Olympic 2020

BTC Olympic Tokyo 2020 đang làm rất tốt công tác phục vụ cho các VĐV tranh tài. Đơn cử các thành viên trong đoàn thể thao các nước nói chung và Việt Nam nói riêng có thể di chuyển bằng xe điện được chạy 24/24h phục vụ các đoàn về dự đại hội. Duy nhất chỉ có môn bắn súng, cầu lông có địa điểm tập luyện cách xa Làng VĐV tới trên 30km nên di chuyển bằng ôtô do ban tổ chức điều động. Mỗi lượt đi về, các VĐV phải di chuyển bằng ôtô mất 1 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, việc này không gây nhiều khó khăn cho VĐV của 2 môn thể thao này, bởi lãnh đạo đoàn TTVN và ban tổ chức nước chủ nhà đã có sự điều phối phương tiện một cách hợp lý và thuận lợi nhất có thể.

Chia sẻ với truyền thông, bộ đôi đại diện cho Bắn cung Việt Nam tranh tài tại Thế vận hội lần này Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ cho biết: Điều kiện tập luyện dành cho VĐV môn bắn cung rất tốt. Đội ngũ tình nguyện viên luôn sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ nếu có đề xuất từ VĐV các đoàn. Những ngày này, chúng em phải tận dụng thời gian tối đa để tập luyện, làm quen với điều kiện khí hậu và trường bắn nơi đây”. Tuyển thể dục dụng cụ với 2 thành viên là Lê Thanh Tùng và Đinh Phương Thành cũng đã được thử sàn thi đấu chính thức. Hai bài trình diễn đơn môn của các VĐV Việt Nam biểu diễn trôi chảy và nhận được sự động viên của các HLV, chuyên gia.

PV
.
.
.