Sẽ có thể thức thi đấu mới từ mùa giải 2021?

Thứ Sáu, 14/08/2020, 07:07
VPF gửi công văn tới các CLB ở hai hạng đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam, đề xuất hai phương án tái khởi động mùa giải 2020. Nhưng rất có thể, mùa giải bản lề này sẽ mở ra một chương mới, một thay đổi quan trọng cho thể thức thi đấu nhà nghề ở Việt Nam, bắt đầu từ mùa 2021.


Phương án nào cũng xong

Sau 3 tuần “im hơi lặng tiếng”, những nhà tổ chức bóng đá Việt cuối cùng cũng tìm ra lối thoát cho mùa giải 2020. Về cơ bản, có hai lựa chọn về lịch thi đấu cho các CLB tham khảo và biểu quyết. Ở phương án thứ nhất, mùa giải sẽ quay trở lại bằng các trận vòng tứ kết cúp Quốc gia vào các ngày 5 và 6/9. Sau đó, các trận bán kết sẽ diễn ra vào ngày 1/11 và phải 6 tuần sau, trận chung kết mới được tổ chức vào ngày 13/12. Trong lúc đó, V.League sẽ bắt đầu từ ngày 12/9 với lượt đấu áp chót của giai đoạn 1.

Hết giai đoạn này, giải được thành hai nhóm là nhóm B (nhóm chống xuống hạng) sẽ kết thúc vào ngày 31/10 và nhóm A (tranh vô địch) sẽ kết thúc vào ngày 8/12. Giải hạng Nhất Quốc gia sẽ trở lại vào ngày 11/9 với vòng 10 của giai đoạn 1. Giải sẽ kết thúc vào ngày 31/10. Trong phương án thứ hai, mùa giải bắt đầu vào ngày 12 và 13/9 với những trận đấu của vòng tứ kết cúp quốc gia.

V.League 2020 sẽ chỉ kết thúc trong tháng 12 dù diễn ra theo phương án nào.

Cũng ở sân chơi này, hai trận bán kết sẽ diễn ra vào ngày 19/9 còn chung kết tổ chức vào ngày 23/12. V.League sẽ bắt đầu trở lại vào ngày 18/10 với các trận của vòng 12 giai đoạn 1. Sau đó, giai đoạn 2 sẽ bắt đầu để nhóm B kết thúc vào ngày 12/12, còn nhóm A kết thúc muộn hơn sau đó đúng 1 tuần. Với phương án này, hạng Nhất sẽ trở lại vào ngày 25/9 và kết thúc vào ngày 29/11.

Về cơ bản, đại diện các CLB đều đồng ý với đề xuất này của VPF. Bởi ngay cả khi đất nước bước vào làn sóng COVID-19 thứ hai, phần lớn các đội bóng đều cách ly tại chỗ trong khu huấn luyện, hàng ngày vẫn tập luyện duy trì thể lực và điểm rơi phong độ. Ngay cả Quảng Nam, CLB chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 cũng chỉ cho toàn đội xả trại trong 1 tuần và cuối tuần này, tất cả sẽ hội quân ở Tam Kỳ.

Chia sẻ với phóng viên, HLV Trương Việt Hoàng của Viettel cho rằng do từ giờ tới hết năm 2020 sẽ không có bất kỳ trận đấu nào của ĐTQG nên với phương án nào, đội bóng của ông đều sẵn sàng. HLV Trần Minh Chiến của Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định giữa bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc cầu thủ có thể ra sân, hoàn thành mùa giải đã là điều đáng mừng vì nếu bóng không lăn, nhiều đội bóng không thể trả quyền lợi cho nhà tài trợ theo đúng hợp đồng.

Ngay cả Becamex Bình Dương, CLB luôn đứng lên phản đối cách sắp xếp thi đấu thiếu khoa học của VPF những năm qua cũng bày tỏ sự thông cảm với đơn vị này. “Tôi chỉ có một nhắc nhở với VPF rằng làm gì thì làm, phải giúp CLB giảm bớt gánh nặng không đáng có. Còn đá theo phương án nào cũng được, xong sớm thì nghỉ sớm mà muộn hơn chút cũng chẳng sao, vốn dĩ năm nay anh em cũng nghỉ quá nhiều rồi”, ông Sơn bày tỏ.

Tương lai nào cho V..League?

Với phương án nào đi nữa, mùa giải bóng đá chuyên nghiệp cũng sẽ chỉ khép lại trong tháng 12, tức là chậm hơn gần 3 tháng so với mốc thời gian quen thuộc của các mùa bóng trước. Đây là chi tiết VPF cần quan tâm bởi sau năm 2020, họ sẽ phải chọn ra một thời điểm mới để khởi động mùa giải 2021. Vốn dĩ, cứ lấy mốc kết thúc mùa cũ rồi cộng thêm 2,5 tháng là ra mốc khởi động mùa mới.

Nhưng chuyện bây giờ sẽ chẳng đơn giản vì 2021 sẽ diễn ra cùng lúc 3 sự kiện: Vòng loại U23 châu Á, SEA Games & AFF Cup. Trong 3 giải đấu này, không giải nào thuộc hệ thống thi đấu chính thức của FIFA nhưng cả 3 giải lại có “ý nghĩa dân tộc” lớn lao với những nhân vật đứng đầu ngành thể thao. Nếu SEA Games và AFF Cup là mục tiêu bất biến qua năm tháng thì với vòng loại U23 châu Á, Việt Nam sẽ đứng ra đăng cai một bảng đấu.

Tính ra, tổng thời gian tổ chức 3 giải đấu này là 2 tháng, và để có thể thi đấu ổn định trong 2 tháng này thì ít nhất, HLV Park Hang-seo cần 3 đợt tập trung, mỗi đợt 2 tuần. Cộng thêm các trận đấu thuộc vòng loại World Cup, VPF trên thực tế chỉ có đúng 7 tháng để gói gọn toàn bộ mùa giải chuyên nghiệp 2021. 7 tháng ấy về bản chất mới chỉ là con số lý tưởng, chưa tính tới vấn đề dịch bệnh.

Một chuyên gia tổ chức thi đấu tại VPF chia sẻ, đơn vị này đang cân nhắc tới việc thay đổi điều lệ tổ chức giải, biến V.League thành giải đấu tổ chức theo kiểu “3 lượt”: Chia làm hai giai đoạn, chia đôi BXH tranh vô địch – chống xuống hạng như mùa này.

Tuy nhiên, sẽ có sự khác biệt, đấy là thay vì chia BXH theo tỷ lệ 8 đội đầu – 6 đội cuối, mùa 2021 trở đi sẽ có thể thức đá vòng tròn 1 lượt rồi chia đôi, mỗi nửa BXH 7 đội. Đội vô địch nhóm A sẽ là đội vô địch, đồng thời giành 1 vé vào thẳng AFC Champions League.

Trong khi đó ở nhóm B sẽ không chỉ còn là cuộc chiến chống xuống hạng bởi đội đứng đầu nhóm này (đội xếp thứ 7 chung cuộc) sẽ giành vé tới vòng bảng AFC Cup. Đội đoạt Cúp quốc gia lấy vé còn lại đi AFC Cup. 

Thể thức thi đấu mới đang được nghiên cứu này có hai ưu điểm. Một mặt, nó vừa duy trì tính hấp dẫn của giải đấu vốn đã được chứng minh ở giai đoạn 1 mùa này. Mặt khác, quyền lợi của các đội nhóm B được nâng cấp, từ chống xuống hạng thành cạnh tranh cho vé đi Cúp châu Á. Chưa biết chừng, đó sẽ là thay đổi lớn nhất của bóng đá Việt Nam trong 6 tháng sắp tới.

Thiệt thòi cho lứa trẻ

Năm nay, nhiều khả năng VCK U19 châu Á diễn ra tại Uzbekistan, dự kiến vào tháng 10 cũng sẽ bị AFC hoãn, rời sang năm sau. Như vậy, HLV Troussier chắc chắn sẽ phải tính lại vấn đề nhân sự bởi trong trường hợp giải đấu rời sang cuối năm 2021, hơn một nửa số gương mặt ông triệu tập lên trong 5 tháng qua sẽ quá tuổi. Trừ phi AFC thay đổi điều lệ, coi như những nghiên cứu, tìm hiểu của Troussier trong nửa năm qua thành công dã tràng.

Từ giờ tới hết năm sẽ chỉ còn duy nhất 1 đợt tập trung các ĐTQG, là đội U22 nhằm phục vụ cho kỳ SEA Games tổ chức ở Hà Nội năm sau. Còn lại, các lứa U16, U19 & U21 đều phải gác lại kế hoạch. Rất nhiều tài năng trong số này sẽ trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của COVID-19 khi sang năm đã quá lứa tuổi quy định.

Đơn Ca
.
.
.