Olympic Tokyo 2020: Khi sự an toàn còn hơn tấm huy chương

Thứ Tư, 21/07/2021, 10:52
Ngày 23/7 tới, Olympic Tokyo 2020 – kỳ Olympic được tổ chức trong bối cảnh chưa có tiền lệ, chính thức khai mạc. Trong khi đó, Đoàn thể thao Việt Nam cũng đã có mặt tại Nhật Bản từ ngày 19/7. Lúc này, người ta càng cảm nhận rõ việc tổ chức Olympic Tokyo 2020 một cách an toàn, hạn chế tối đa ca nhiễm COVID-19 đang là mục tiêu hàng đầu của cả Ban tổ chức và các đoàn tham dự, thay vì mục tiêu giành huy chương như các kỳ Olympic trước.


Nhiều giải pháp chưa từng có tiền lệ

Tại Olympic Tokyo 2020, dự kiến có 18.000 HLV, VĐV, quan chức đến từ 206 đoàn cũng như khoảng 7.000 tình nguyện viên góp mặt. Số lượng thành viên tham gia đông đảo như vậy đủ thấy sức ép với nhà tổ chức lớn nhường nào nhất là khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như ở Nhật Bản. Ngay ở Tokyo, Chính phủ Nhật Bản  cũng đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 12/7 cho đến ngày 22/8/2021 để phòng, chống dịch hiệu quả nhất. Cũng bởi vậy, Ban tổ chức Đại hội đã phải đưa ra hàng loạt giải pháp chưa từng có tiền lệ nhằm giúp sự kiện thể thao lớn nhất thế giới diễn ra trong an toàn.

Ban tổ chức Thế vận hội mùa hè 2020 thông báo, toàn bộ sự kiện thể thao ở thủ đô Tokyo và một số tỉnh lân cận sẽ diễn ra mà không có khán giả. Cụ thể, ngoài Tokyo, những địa điểm tổ chức tại các tỉnh Chiba, Kanagawa và Saitama cũng nói không với khán giả...

Đội tuyển cầu lông Việt Nam tập luyện tại Làng VĐV Olympic 2020 tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch COVD-19.

Trước đó, cũng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19, Ban tổ chức Olympic Tokyo đã tính tới việc chỉ cho tối đa 50% khán giả và tối đa là 10.000 người đến xem các cuộc đấu của Olympic. Trong khi đó, khán giả đến từ nước ngoài cũng không được góp mặt cổ vũ các cuộc đấu của Olympic Tokyo. Nhưng những diễn biến phức tạp của dịch đã khiến Ban tổ chức phải ra quyết định mạnh tay hơn.

Thiệt hại kinh tế từ việc này hoàn toàn không nhỏ. Ước tính, Ban tổ chức mất đi nguồn doanh thu hơn 2 tỷ USD (trong đó doanh thu từ bán vé khoảng 820 triệu USD, doanh thu từ du khách nước ngoài khoảng 1,4 tỷ USD). Nhưng đó là cách làm không thể khác, để tạo nên một kỳ Olympic an toàn đến mức có thể.

Còn đối với những thành viên tham dự Olympic cũng phải chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo. Trong thời gian ở Nhật Bản, việc xét nghiệm COVID-19 cũng sẽ được tiến hành mỗi ngày; các VĐV được theo dõi một cách chặt chẽ về mặt y tế. Họ phải được cấp phép nếu muốn sử dụng phương tiện giao thông công cộng; không được đến phòng tập thể dục, khu du lịch, cửa hàng, nhà hàng hoặc quán bar. Họ cũng được khuyến cáo đeo khẩu trang mọi lúc, trừ khi thi đấu, tập luyện, ăn uống, ngủ nghỉ... Các vận động viên có thể buộc phải rời Olympic nếu vi phạm các nguyên tắc phòng dịch… khi Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu Ban tổ chức Olympic Tokyo phạt thành viên các đoàn thể thao nước ngoài, bao gồm các VĐV và quan chức thể thao, không tuân thủ các quy định phòng dịch COVID-19.

Dù cách ứng phó của Chính phủ Nhật Bản, Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 có ngặt nghèo đến mấy cũng đều được các đoàn tham gia chấp nhận. Nhiều đoàn đã bày tỏ sự chấp nhận khi thi đấu mà không có sự cổ vũ từ khán đài. Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach đã khẳng định sự ủng hộ đối với mọi biện pháp ứng phó cần thiết vì một kỳ Olympic an toàn cho người dân Nhật Bản và toàn bộ người tham dự.

Đấy mới là điều quan trọng nhất được quan tâm ở Olympic Tokyo thay vì những cuộc đấu và những tấm huy chương. 

Thể thao Việt Nam phòng dịch đến mức tối đa

Trong cuộc trao đổi trước lễ xuất quân của Đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn đã khẳng định,  chuyến thi đấu sắp tới tại Olympic Tokyo cũng là chuyến thi đấu đặc biệt nhất của thể thao Việt Nam trong lịch sử các kỳ tham dự Olympic từ trước tới nay. Dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhiều kế hoạch tổ chức của nước chủ nhà cũng như công tác chuẩn bị của các đoàn thể thao ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, các thành viên của đoàn Thể thao Việt Nam cần phải khắc phục những khó khăn, để công tác chuẩn bị được kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, công tác phòng, chống dịch của Đoàn thể thao Việt Nam được đặt lên hàng đầu. Cũng trong báo cáo tại lễ xuất quân, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn nhấn mạnh: “Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, với quan điểm là tất cả phải phục vụ tốt nhất cho các VĐV, HLV, chuyên gia thực hiện nhiệm vụ thi đấu, số lượng cán bộ Đoàn Thể thao Việt Namtham dự Thế vận hội lần này đã được tính toán kỹ để vừa bảo đảm theo đúng quy định của Ban tổ chức vừa bảo đảm các yêu cầu chuyên môn”.

Thực tế, thể thao Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng của phòng, chống dịch ngay từ đợt dịch COVID-19 đầu tiên vào đầu năm 2020. Khi ấy, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia luôn trong tình trạng cấm trại. Ngay trong đợt dịch thứ tư này tại Việt Nam, các VĐV đội tuyển quốc gia, nhất là những VĐV đã giành suất dự Olympic luôn được lưu ý về các biện pháp phòng, chống dịch và đương nhiên, không được tiếp xúc với người ngoài địa điểm tập huấn.

HLV Nguyễn Như Cường (đội boxing nữ) kể rằng, các HLV và VĐV dự Olympic Tokyo 2020, đang tập trung ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã được lưu ý rất nhiều thông tin để không vi phạm quy định phòng, chống dịch trong nước cũng như trong suốt thời gian ở Nhật Bản. Các HLV, VĐV cũng được trang bị kiến thức về sổ tay y tế, các thủ tục y tế và hướng dẫn cài đặt phần mềm kiểm tra sức khỏe theo yêu cầu nhập cảnh của Nhật Bản… Tất cả đều hiểu rằng việc giữ an toàn trước dịch COVID-19 tại Olympic Tokyo cũng quan trọng không kém việc giành thành tích tốt nhất so với năng lực của bản thân hay việc giành huy chương tại Đại hội.

Trong khi đó, các thành viên Đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tối đa từ các cơ quan chức năng. Đầu tháng 7 này, các thành viên của Đoàn thể thao Việt Nam cũng đã hoàn tất tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19.

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn thông tin, phía Việt Nam cũng đã nhận được những thông tin cần thiết từ Ban tổ chức nước chủ nhà như chỉ được phép đi đến các địa điểm trong danh sách cho phép theo quy định của Ban tổ chức (chủ yếu là các địa điểm ăn, ở, thi đấu, tập luyện). Tất cả thông tin đã được truyền đạt tới từng thành viên của Đoàn thể thao Việt Nam.

Bước đầu, việc phòng, chống dịch của Đoàn đã thể hiện rõ hiệu quả. Đoàn Thể thao Việt Nam đã được nhập làng VĐV Olympic 2020 vào ngày 19-7, ngay sau khi toàn bộ thành viên có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong cuộc xét nghiệm tại sân bay quốc tế Narita (Tokyo, Nhật Bản). Qua đó, có thể chuẩn bị ngay cho các cuộc đấu thay vì phải cách  ly 3 ngày nếu có thành viên trong đoàn dương tính với COVD-19. Còn theo HLV Nguyễn Như Cường, trong những ngày đầu ở Nhật Bản, các HLV và VĐV đều tuân thủ tuyệt đối quy định phòng, chống dịch.

Đúng là phải khi kết thúc Olympic Tokyo mới có thể đánh giá được mức độ hiệu quả trong phòng, chống dịch của nước chủ nhà Nhật Bản cũng như của từng đoàn thể thao, trong đó có Việt Nam. Nhưng dù sao ngay từ lúc này có thể nhận thấy rõ rằng không chỉ với Ban tổ chức, việc có một kỳ Olympic an toàn cũng là mục tiêu lớn nhất của các đoàn thể thao, trong đó có thể thao Việt Nam.

Hơn nửa tháng thử thách khả năng phòng, chống dịch

Theo dự kiến, Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra từ ngày 23-7 đến 8-8 ở 10 tỉnh, thành của Nhật Bản, trong đó phần lớn các sự kiện diễn ra ở Tokyo. Quãng thời gian này sẽ thử thách tối đa khả năng phòng, chống dịch của nước chủ nhà Nhật Bản, khi việc phòng dịch vẫn đang đứng trước những câu hỏi chưa thể có lời giải. (M.Khuê)

Minh Hà
.
.
.