Liên hoan Sân khấu toàn quốc "Hình tượng người chiến sỹ CAND" lần thứ III/2015, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10 đến 24/7:

Nửa chặng đường đầy dấu ấn

Thứ Bảy, 18/07/2015, 10:16
Liên hoan nghệ thuật sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” đã đi được gần một nửa chặng đường với những vở diễn đủ các đề tài, thể loại… Những buổi diễn luôn chật ních khán giả trong khán phòng tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ đã khẳng định sức hấp dẫn của Liên hoan.


Phóng viên Báo CAND có cuộc trò chuyện với các thành viên Ban Giám khảo, những người phải chịu nhiều áp lực bởi vì trong số 27 vở diễn, nhà hát nào, đoàn nào cũng đã và đang thể hiện hết sức mình những tâm huyết để xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân một cách trọn vẹn và sâu sắc nhất…

Nhà văn Xuân Đức: Trên sân khấu tái hiện các vấn đề “nóng” nhất của xã hội

Nhà văn Xuân Đức.

Nhìn chung, tôi thấy các đoàn tham gia một cách cực kỳ nhiệt tình và hầu hết là vở mới, sáng tác, dàn dựng mới. Đã được nửa chặng rồi, không biết nửa sau thế nào nhưng theo tôi, chặng đầu đã có những thành công nhất định về hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân, hình tượng đòi hỏi nhiều sự đậm nét nhưng vẫn dễ thương. Càng xem càng hiểu thêm, càng có nhiều cảm tình và quý mến hơn người chiến sỹ công an, chứng tỏ các vở diễn đã đạt được yêu cầu mà Liên hoan nghệ thuật sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân đặt ra.

Nếu bàn về từng khía cạnh, ở việc phản ánh về hình ảnh người chiến sỹ Công an thì khá phong phú, đa dạng. Từ người chiến sỹ Công an làm quản giáo có trách nhiệm giáo dục cảm hóa phạm nhân trở về đời thường, người công an phá án, vượt lên mối quan hệ cái riêng cái chung để làm tròn nhiệm vụ của ngành giao phó, là hình ảnh người chiến sỹ Công an gắn liền với thôn bản, giúp bà con chống lại âm mưu của kẻ thù, hay người chiến sỹ Công an xử tử tù với nhiều tâm trạng…

Điều này cho thấy đã thể hiện được sự thành công về mặt nội dung. Và hơn hết, qua các vở diễn này về hình tượng người chiến sỹ Công an, đương nhiên là ngoài việc phản ánh chủ đạo những chiến công, nỗi gian khổ vất vả của người chiến sỹ Công an thì kỳ thực là đang đụng đến những vấn đề lớn của xã hội: từ cuộc sống hiện đại, đạo đức xã hội, những vấn đề nóng của thời cuộc, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, trộm cướp, giết người… Nó không khác gì những tác phẩm trọn vẹn về cuộc sống đương đại.

Bản thân tôi với tư cách là một nhà văn, nhà viết kịch và cũng đã viết về ngành Công an thì cũng đã có một cái nhìn tổng thể hơn.

Lần đầu tham gia với tư cách là ban giám khảo, tôi cho rằng, đây là một liên hoan rất có ý nghĩa không chỉ với lực lượng Công an, mà với đội ngũ các nhà văn, nhà viết kịch, đây cũng là một dịp để nhìn lại toàn diện hơn. Rất nên duy trì liên hoan này, nếu không thì người viết cũng ngại viết về hình tượng người chiến sỹ Công an, vì ở đó có những cái riêng mà người viết kịch không dễ gì hiểu được, vì thế cũng chưa thể chuyển tải được những điều đó tới người dân.

Những cuộc quy tụ như liên hoan này đã “kích hoạt” được các nhà viết kịch, các đạo diễn, các nhà hát, các ddoàn nghệ thuật, các diễn viên cùng sáng tác và biển diễn về lực lượng Công an, làm phong phú và sâu sắc hơn những vấn đề của nghệ thuật, không phải chỉ được cho lực lượng Công an, mà là với các vấn đề nóng nhất của xã hội. Và bản thân tôi, có vẻ như mình đang muốn giới thiệu của mình với và sẽ tiếp tục gắn bó với các đề tài của lực lượng Công an.

NSND Trần Ngọc Giàu: Vẫn chờ một sự “rung động” ở phía trước

NSND Trần Ngọc Giàu.

Đây là một liên hoan nghệ thuật về hình tượng “Người chiến sĩ Công an nhân dân” quy tụ được sự tham gia của nhiều thể loại của ca kịch. Dù so với các liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc thì các tác phẩm nghệ thuật chưa cao và chưa đồng đều.

Trong số các vở kịch tham gia thì rõ ràng Đoàn nghệ thuật Công an nhân dân là hiểu hơn hết và thể hiện được gần như tối đa hình ảnh của lực lượng Công an, khắc họa được một cách đậm nét những gì cần thiết để khắc họa được hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân. Bởi vì điều này là do đặc trưng của Đoàn kịch Công an nhân dân chủ yếu là diễn phục vụ trong lực lượng Công an. Còn các vở diễn ở các thể loại khác như chèo, cải lương và kịch nói thì luôn thể hiện được cố gắng của người diễn viên để có một vở diễn hoàn chỉnh và thể hiện được nhiều khía cạnh khác nhau chứ chưa thực sự khắc họa trọn vẹn hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân.

Vẫn còn một nửa chặng đường và tôi vẫn đang chờ đợi một sự rung động thực sự về hình tượng người Công an nhân dân. Bởi vì thực sự những thành quả mà lực lượng Công an làm được thì rất lớn lao. Dù sao đi nữa thì Liên hoan là một hoạt động rất đáng mừng giữa lúc sân khấu gặp nhiều khó khăn hiện nay.

NSƯT Trần Nhượng:

NSƯT Trần Nhượng.

Với 27 vở diễn và 20 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tham gia, Liên hoan nghệ thuật sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND lần III đã là một cuộc hội ngộ nhiều anh tài của làng sân khấu Việt Nam, cả về đạo diễn, biên kịch lẫn nghệ sĩ, diễn viên, ở mảng đề tài vốn rất cuốn hút với công chúng, nhưng luôn là một thử thách sáng tạo. Ngoài mục đích khắc họa đậm nét hình tượng người chiến sĩ Công an, Liên hoan còn là dịp để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phát hiện những tìm tòi sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật về đề tài an ninh trật tự và hình tượng người chiến sĩ CAND.

Sau nhiều năm là một diễn viên trên sân khấu, thể hiện những vai Công an cũng như nhiều vai diễn khác, tôi rất vinh dự được là thành viên Hội đồng giám khảo liên hoan lần này. bản thân tôi cho rằng, một nửa chặng đường với những đêm diễn chật kín rạp, với tiếng vỗ tay không ngớt đã là một minh chứng về sức sống của Liên hoan cũng như từng vở diễn trên sân khấu. Vẫn còn một nửa chặng đường nữa và chắc chắn sẽ có những điều thú vị chờ đợi khán giả ở phía trước.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.