Nhộn nhịp ở làng nghề sản xuất bánh chưng, bánh tét ngày giáp Tết

Thứ Bảy, 10/02/2018, 05:54
Vào dịp cận Tết nguyên đán, các hộ dân ở làng An Truyền, xã Phú An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) lại đỏ lửa để làm nên những chiếc bánh chưng, bánh tét đậm đà hương vị Huế. 

Trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018 năm nay, để kịp cung ứng hàng Tết ra thị trường, từ ngày 20 tháng Chạp, người dân ở An Truyền đã bắt tay vào sản xuất bánh chưng và bánh tét.

Người dân An Truyền tập trung gói bánh chưng, bánh tét bán dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất.

Gia đình bà Đoàn Thị Nghiệp là một trong số hộ dân ở làng An Truyền có đến 4 đời làm nghề bánh tét. Theo bà Nghiệp, để làm nên những đòn bánh tét thơm ngon thì đòi hỏi vào “trình độ chuyên môn” của người thợ. 

Công đoạn làm nhân bánh rất quan trọng, quyết định chất lượng của bánh chưng, bánh tét.
Phần lớn loại nếp được người dân An Truyền dùng gói bánh là nếp đặc sản trong vùng hoặc các loại nếp thơm ngon được mua từ nhiều nơi khác nhau.

Các công đoạn như chọn lá chuối, vút nếp, say đậu xanh, làm nhân bánh đến việc gói bánh đều phải được thực hiện kỹ càng. “Bình quân mỗi ngày trong dịp cận Tết này, gia đình tôi gói 500 đòn bánh tét. Tùy theo yêu cầu của khách đặt hành, mỗi cặp bánh có giá từ 40 đến 60.000 đồng. 

Bình quân mỗi dịp Tết, gia đình ông Khỏe xuất ra thị trường hàng chục tấn bánh chưng.
Bên trong cơ sở làm bánh của hộ ông Đoàn Khỏe.

Cũng vì ngày Tết, trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu đòn bánh tét, cặp bánh chưng nên nhiều việt kiều sau khi về quê ăn Tết cũng đã đặt mua những loại bánh này để đưa sang nước ngoài. Chính vì thế mà số lượng bánh gia đình gói trong năm nay cao hơn các năm trước ”, bà Nghiệp cho biết.

Người thợ gói bánh ở làng An Truyền là những nông dân có tay nghề cao. Bánh Tét An Truyền không những đẹp về mẫu mã mà còn đạt chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nếu như gia đình bà Nghiệp chuyên làm bánh tét thì gia đình hộ ông Đoàn Khỏe (52 tuổi, ở làng An Truyền) lại chuyên sản xuất bánh chưng phục vụ vào dịp Tết. Trong những ngày cuối năm Đinh Dậu này, ông Khỏe huy động tất cả người trong gia đình để tham gia gói bánh, nấu bánh nhằm kịp cung ứng ra thị tường. 

Ngoài tiêu thụ trong nước, bánh tét, bánh chưng An Truyền còn "xuất khẩu" ra nước ngoài, phục vụ kiều bào đón Tết cổ truyền của dân tộc. 
Sau khi gói, bánh tét được đưa vào lò nấu từ 10 đến 11 giờ đồng hồ liên tục.

“Do năm nay có nhiều đơn hàng đặt bánh chưng từ các tỉnh thành nên gia đình tôi bắt tay gói bánh sớm hơn mọi năm. Hiện chúng tôi đã gói được khoảng 30 tấn bánh chưng. Sau khi nấu từ 12 đến 14 tiếng đồng liên tục, bánh sẽ được cho vào bao bì đóng gói và hút chân không. Hiện tại bánh của gia đình đã có mặt tại 30 siêu thị Big C trên toàn quốc”, ông Khỏe cho biết.

Sản phẩm bánh chưng do gia đình ông Đoàn Khỏe làm ra được đóng gói bao bì, hút chân không để bỏ tại các siêu thị Big C.
Vào dịp Tết, làng An Truyền có khoảng 100 hộ dân tham gia gói bánh chưng, bánh tét để phục vụ thị trường Tết.

Với hương vị thơm ngon đặc trưng, mẫu mã đẹp, bánh chưng, bánh tét An Truyền không những là mặt hàng được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng vào mỗi dịp Tết mà loại bánh đặc sản này còn được nhiều việt kiều chọn làm món quà Tết để đưa sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào...

Bánh chưng bánh tét được chất lên xe ôtô để đưa lên TP Huế tiêu thụ.

 


Anh Khoa
.
.
.