Nhạc sĩ An Thuyên –Người nghệ sĩ của tình yêu
>> Nhạc sĩ An Thuyên đột ngột qua đời
Trong cuộc đời của nhạc sĩ, Thiếu tướng Nguyễn An Thuyên, những năm tháng sống tha thiết, mãnh liệt với trái tim căng tràn nhựa sống và một tâm hồn đa cảm luôn chất chứa hồn quê, hồn sông núi đã để lại những dấu ấn đậm đà, những âm vang sâu lắng trên các tác phẩm âm nhạc “mãi sống với thời gian”.
Tôi muốn gọi nhạc sĩ Nguyễn An Thuyên là nhạc sĩ của tình yêu. Ngay từ nét nhạc đầu tiên dẫu còn mộc mạc, đơn giản về âm điệu, tiết tấu, hình tượng âm nhạc, hòa thanh…nhưng ca khúc Nối gót anh hùng đã bộc lộ nhân sinh quan cộng sản khá rõ, chứa đựng dũng khí của một người con được sinh ra từ ngôi làng nhỏ ven biển miền Trung, như lời tâm nguyện, một “bức tâm thư” bằng âm nhạc của một con người sớm nguyện tiếp bước cha ông, phấn đấu và hy sinh vì quê hương, cho quê hương. Để rồi đến một ngày, ca khúc Em chọn lối này qua giọng hát thánh thót, trong veo của ca sĩ Thanh Hoa, với giai điệu réo rắt, tươi vui phỏng theo phong cách dân ca Thái, thông qua hình tương âm nhạc, nhạc sĩ An Thuyên đã khẳng định mạnh mẽ con đường đi của cuộc đời mình “Đường Đảng tôi đi, rộng mãi chân trời” với ý thức rất rõ ràng về trách nhiệm của người nghệ sĩ – chiến sĩ “tôi là người lính trong hàng trận/không phải gậy tòe đầu, mà mũi tên vót nhọn/không phải sỏi lăn lóc mà viên gạch xây nhà”…
Cho đến bây giờ, nhìn lại hành trình 66 năm - một cuộc đời của nhạc sĩ An Thuyên ta như thấy từ lúc lọt lòng mẹ (Ông được sinh ra trong một trận càn của thực dân Pháp vào Tổng Hoàng Mai năm 1949, trận ấy quân dân ta chiến đấu rất dũng cảm, đẩy lùi quân địch, dành thắng lợi) cái khí phách, cái tinh thần chiến sĩ ấy đã chảy trong huyết quản của ông, trở thành “duyên và nghiệp”, đưa ông sớm tự nguyện đứng vào đội ngũ những người lính Cụ Hồ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, đóng góp không nhỏ vào việc khẳng định tư cách chiến sĩ của người nghệ sĩ, tư cách vũ khí của các tác phẩm nghệ thuật trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình yêu quê hương, đất nước, yêu Đảng, yêu Bác Hồ, yêu đồng chí đồng đội luôn là ngọn lửa truyền cảm hứng sống, cảm hứng sáng tạo cho nhạc sĩ để rồi những tác phẩm ông viết dù ở đề tài nào, thể loại nào đều chạm được phần sâu thẳm nhất của trái tim công chúng yêu nhạc An Thuyên. Với những công hiến lớn trên nhiều lĩnh vực, Ông xứng đáng được Đảng, Tổ quốc và nhân dân trao hàm tướng quân - vị tướng văn nghệ đầu tiên của nước nhà!
Nhạc sĩ An Thuyên thường nói vui: “Tôi từ quê ra tỉnh và rồi từ tỉnh trở về quê, đó là con đường âm nhạc của tôi”. Nhìn vào thế giới âm nhạc của nhạc sĩ An Thuyên ta gặp những chất liệu và giai điệu rất đỗi thân quen, thân thuộc. Thì nhạc sĩ vẫn họa bằng âm thanh bức tranh của bến quê mình “Ngô mướt dài bãi quê/Gió chiều chiều rượi mát/Đàn trâu chậm ngoài đê/Vẫn đi về lối cũ/Chuyến đò đầy rời bến/Sông Lam biết khi mô cho cạn/Đục trong, nhục vinh câu hát hỡi người” (Neo đậu bến quê), tưởng như riêng mà chung, xa mà gần, lắng đọng mà mênh mang biết mấy... Hay trong Ca dao em và tôi, bằng lối tư duy mới mẻ, độc đáo về hình tượng âm nhạc “cắt nửa vầng trăng, tôi làm con đò nhỏ/chặt đôi câu thơ/bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng”, người nhạc sĩ đã đưa người nghe trở về với mênh mang sông nước quê hương, dặt dìu man mác câu ca dao - dân ca quê nhà trong đêm trăng thanh gió mát, trên cánh đồng chang chang nắng “cùng khoác áo tơi ra đồng” hay chiều hoàng hôn đổ sắc tím trên “tiếng sáo thênh thang cánh cò”, đặc biệt là nơi đó có em - cô thôn nữ với “áo nâu sòng, chân lấm bùn” mà đẹp tựa “gót chân tiên”…
Nhưng người nhạc sĩ không sáng tác ca khúc theo kiểu phản ánh hiện thực thông thường mà là sự đan cài huyền diệu giữa thực và ảo, nhạc và đời khiến cho ai xa quê đều như bắt gặp hình ảnh quê mình. Phải có tình yêu quê hương đất nước, con người sâu nặng, thiết tha nhạc sĩ mới tạo nên sự kì ảo hóa với tươi xanh kỉ niệm trong cách viết sáng tạo, quen mà lạ, ẩn sâu trong đó sự hòa quyện giữa nghệ sĩ với phong cảnh, đất và người “Trưa nắng hè gọi nhau râm ran chè xanh/Đã có lần em giận hờn tôi/Đêm trăng ra đồng em đổ ánh trăng vàng đi/Cùng nghe tiếng sáo thênh thang cánh cò”.
Trong sáng tác của nhạc sĩ An Thuyên, từ chùm ca khúc Huế thương, Hà Tĩnh mình thương, Chiều sông Thương, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác… mặn mòi tình quê đến Chín bậc tình yêu, Khi xe tăng qua miền quan họ, Tiếng đàn Balalaica trên sông Đà…người yêu âm nhạc có thể cảm nhận chất đồng quê, ý vị mượt mà của các làn điệu dân ca Việt Nam quyện vào “tri thức âm nhạc bác học hiện đại” tạo nên những sắc màu riêng - sang trọng, đằm thắm mà bay bổng, hào hoa, giản dị mà vẫn thao thiết. Đó không phải là phép cộng của các thủ pháp sáng tạo âm nhạc đơn thuần mà là đằm sâu để rồi thăng hoa cảm xúc của một tâm hồn nhạy cảm, tất cả như tan vào từng nhịp thở, nhịp tim người nhạc sĩ và vang lên thành giai điệu tiêu tao, sâu lắng, lúc man mác nỗi buồn xa xăm lúc rộn ràng, háo hức, tươi trẻ. Thiết nghĩ, yếu tố sâu xa nhất tạo nên sức hút mãnh liệt âm nhạc An Thuyên nằm ở chỗ bằng tình yêu quê hương, đất nước, con người của chính mình ông đã đánh thức hồn quê, hồn Việt trong cõi sâu vô thức tiềm thức của mỗi người Việt Nam.
Nhạc sĩ An Thuyên. |
Và tình yêu mái trường…
“Ở trường của nhạc sĩ An Thuyên phải không?” là câu hỏi dường như cửa miệng của nhân dân sở tại khi có đoàn công tác của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Vậy là, một cách tự nhiên, tên nhạc sĩ An Thuyên đã gắn với và hòa vào tên tuổi cùng những thành công của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Đối với người làm nghề thầy, nghề gieo hạt ươm mầm thì có hạnh phúc nào hơn, niềm vui nào ngọt ngào hơn! Nhưng để có được “bức tượng đài” trong lòng nhân dân và chiến sĩ cả nước ấy, nhạc sĩ An Thuyên đã cùng cán bộ, giảng viên, chiến sĩ nhà trường (và cả những chuyên gia đầu ngành vì trân trọng tài năng và cảm động tấm chân tình của nhạc sĩ mà về trường sẻ chia, gánh vác) đi suốt chặng đường gần 20 năm “nhóm lửa, tìm tài”, bước chân lặn lội trên mọi miền quê tìm tài năng nghệ thuật, nỗ lực phấn đấu dựng xây, mạnh dạn “tìm đường, đổi mới”, giúp nhà trường từ nguy cơ “tổ chức lại thành đội huấn luyện phục vụ theo thời vụ và nhu cầu đơn vị bộ đội khi cần” đứng vững và phát triển mạnh mẽ, bền vững, trở thành Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và là đơn vị đào tạo chính quy nhạc nhẹ đầu tiên của cả nước.
Nhà trường đã và đang đào tạo thành công những tài năng nghệ thuật trở thành những chiến sĩ-nghệ sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng kiên định, có phẩm cách cao đẹp, tâm hồn nhạy cảm, giàu lòng yêu thương con người, sẵn sàng có mặt trên mọi nẻo đường công tác, đem lời ca tiếng hát phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Thanh âm tiếng hát, lời ca, điệu múa của những học viên thành danh của Nhà trường lan tỏa đến nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa, đến những vùng biên cương xa xôi của Tổ quốc, trở thành niềm động viên rất lớn đối với những người đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng.
Trong mỗi thành công của nhà giáo-chiến sĩ-nghệ sĩ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội hôm nay và mai sau như đều mang dấu ấn ngọn lửa tình yêu, niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật của nhạc sĩ An Thuyên; như là sự cộng hưởng của trí tuệ, của tình yêu nghề với nhiều cung bậc tình cảm được trao truyền. Những bài học từ tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc của nhạc sĩ, Thiếu tướng An Thuyên, từ nghệ thuật quản lý con người, quản lý đơn vị theo tinh thần “giáo dục hướng thiện, quản lý phải đắc nhân tâm, phải đúng và khéo, phải dĩ bất biến ứng vạn biến, phải công thủ vận trù” mà nhạc sĩ thấm nhuần từ lời dạy của Bác Hồ mãi là hành trang cho tất thảy chúng ta - những người làm công tác giáo dục đào tạo và văn hóa văn nghệ.
Xin được tri ân
Nếu được quyền chọn lấy những ca khúc tiêu biểu cho âm nhạc An Thuyên tôi sẽ chọn Em chọn lối này, Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Huế thương, Chín bậc tình yêu, Mẹ Việt Nam anh hùng, Bắc cầu ra Trường Sa, Hoàng Sa, Tiếng đàn, Tan vào Hà Nội. Mỗi ca khúc mang một vẻ đẹp riêng nhưng bài nào cũng có chất chứa tình quê, tình non nước, bài nào cũng khép mở những ẩn khúc tâm tình, bài nào cũng mở ra khát vọng về cái đẹp bình dị mà thanh cao…
Tất cả đều xuất phát từ một tình yêu cháy bỏng, thẳm sâu về con người và cuộc đời. Bất giác thấy lòng mình thoáng vang lên một sợi âm thanh mơ hồ, nghe như là xa lắm “trở về được tan trong lòng thành phố mình yêu” (Tan vào Hà Nội), cũng phải thôi, có bao thứ trong đời dẫu ta biết hy vọng gì chạm tới nhưng sao vẫn cứ mong một phép màu. Phải chăng đó là sức gợi, là tiếng vọng ngân sau âm thanh đã dứt của người nhạc sĩ. Hay nói theo cách nói của Lê Đạt, tự bản thân sáng tác và cống hiến cho nghệ thuật và cuộc đời của nhạc sĩ, Thiếu tướng Nguyễn An Thuyên đã bầu Ông, tôn vinh Ông trở thành một trong những cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam.
Ngoài kia, xe và dòng người vẫn nối nhau đi, lá xanh vẫn rì rào trong gió, hương hoa sen vẫn tỏa nhẹ nhàng, sóng nước hồ Tây vẫn dặt dìu vỗ …Tôi biết nhạc sĩ, Thiếu tướng Nguyễn An Thuyên đã Tan vào Hà Nội, vậy mà vẫn rưng rưng câu hát “Người ơi, người ở đừng về”!