NSND Đặng Nhật Minh và "Bao giờ cho đến tháng Mười"

Thứ Sáu, 20/05/2016, 14:17
Cùng với một số phim Việt được sản xuất trong những năm đầu sau chiến tranh, "Bao giờ cho đến tháng Mười" là bộ phim tâm lý xã hội gắn với tuổi thơ hay gắn với tất cả những ai đã có kỷ niệm thời bao cấp. Một món ăn văn hóa tinh thần thấm đẫm cho người Việt.


Bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" được chiếu trên truyền hình vào năm 1984, lúc đó đang thời bao cấp, thời của sáng sớm đi mua gạo, mua dầu xếp hàng dài, người ta dùng dép, dùng gạch để đánh dấu đến lượt. Thời đó, các chị mậu dịch viên luôn là người có giá khi phân phát những lạng thịt hay ít rau củ quả... Thời của từng hộ xếp hàng ở một vòi nước công cộng chỉ để lấy một hai xô nước sạch. Thời đó người ta háo hức xem những bộ phim đen trắng được chiếu trên màn hình tivi chỉ khoảng 12 đến 14 inch.

NSND Đặng Nhật Minh.

Thậm chí, trong một căn ngõ trên phố cổ Hà Nội, hàng chục gia đình sinh sống chỉ có vài ba gia đình có ti vi, tối tối chúng tôi vẫn í ới gọi nhau để đi xem nhờ và phim chỉ phát vào tối Thứ sáu hằng tuần.

Cùng với một số phim Việt được sản xuất trong những năm đầu sau chiến tranh, "Bao giờ cho đến tháng Mười" là bộ phim tâm lý xã hội gắn với tuổi thơ hay gắn với tất cả những ai đã có kỷ niệm thời bao cấp. Một món ăn văn hóa tinh thần thấm đẫm cho người Việt.

Và từ bộ phim này, tên tuổi của những diễn viên Lê Vân, Hữu Mười mới thực sự được biết đến. Rất nhiều thập niên sau, tôi có dịp gặp NSND Đặng Nhật Minh, nhắc về "Bao giờ cho đến tháng Mười", ông không nói gì chỉ đưa quyển hồi kí do chính tay ông viết do NXB Văn nghệ TP HCM xuất bản năm 2005. Ông bảo: "Trong này đã ghi chép đầy đủ và rõ ràng, chi tiết nhất". Tôi mở vào chương "Bao giờ cho đến tháng Mười" và bắt gặp những dòng đầu tiên:

"Tôi bắt tay viết kịch bản "Bao giờ cho đến tháng Mười" xuất phát từ nỗi đau của gia đình tôi, từ nỗi đau của hàng vạn, hàng triệu người có người thân ngã xuống trong chiến tranh. Đó là những điều đã có sẵn trong tôi, không cần phải tìm kiếm đâu xa cả. Chỉ cần tìm hình thức thể hiện nữa thôi. Một lần ngồi trú mưa trên đê, trong quán nước ven đường ở huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc, tôi nhìn thấy dưới cánh đồng xa xa, một đoàn người lầm lũi đi trong mưa. Khi đoàn người đến gần, tôi nhận ra đó là một đám tang.

Theo sau chiếc kiệu có bốn người khiêng là một phụ nữ trẻ quấn khăn trắng, dắt một đứa con trai chừng 7 tuổi. Bà con trong quán cho biết chồng chị là bộ đội đi B, hy sinh đã lâu, nhưng bây giờ người ta mới báo tin cho gia đình biết và làm lễ rước hương hồn người chiến sĩ về yên nghỉ tại nghĩa trang của làng. Còn anh đang nằm ở đâu trên chiến trường miền Nam, đến bây giờ không ai biết. Người phụ nữ chít khăn tang đi dưới chiều mưa hôm ấy chính là chị Duyên sau này trong bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười".

Cảnh trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”.

Mở đầu phim là cảnh chị Duyên về làng sau khi vào Nam thăm chồng về. Nhưng chồng chị đã không còn nữa. Anh đã hy sinh trong một trận chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Vì nỗi đau quá bất ngờ, vì đường xa mệt nhọc nên khi qua đò chị đã bị ngất đi, rơi xuống sông. May có Khang, một giáo viên trong làng đi cùng đò đã nhảy xuống sông vớt được chị. Khang cũng vớt lên được tờ giấy báo tử của chồng Duyên nên anh trở thành người đầu tiên biết cái tin này. Nhưng Duyên lại muốn giấu kín tin dữ đó, chị không muốn làm cho bố chồng đang già yếu phải đau buồn.

Chị đã nhờ Khang viết những lá thư giả để làm yên lòng những người trong gia đình chồng, một tình tiết có thật trong đời sống mà tôi từng được nghe. Mối quan hệ thầm kín của hai người bắt đầu từ đó. Cảm động trước sự hy sinh, chịu đựng và nỗi mất mát của Duyên, Khang đem lòng yêu mến cô, muốn được thay thế người đã mất, lo toan hạnh phúc cho cô và đứa con lên bảy tuổi. Anh viết thư bộc lộ những tình cảm đó với Duyên.

Không may bức thư lọt vào tay bà chị dâu và câu chuyện vỡ lở khắp làng. Khang mang tiếng là người yêu phụ nữ có chồng là bộ đội đang chiến đấu ở xa. Anh bị điều đi dạy ở nơi khác. Còn Duyên vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau cho đến một ngày ông bố chồng sắp hấp hối bắt cô phải đánh điện xin cho chồng về.

Thấy Duyên chần chừ, đứa con trai lên bảy đã tự ý lên bưu điện huyện để đánh điện cho bố. Giữa đường nó xin đi nhờ một xe Commanca chở bộ đội. Những người lính trên xe biết rõ sự tình bèn đánh xe quay về làng. Khi họ về đến làng, đứng bên giường của bố chồng Duyên thì cũng vừa lúc cụ trút hơi thở cuối cùng sau khi tin rằng con trai mình đã về. Mọi người trong làng bây giờ mới biết rằng chồng Duyên đã hy sinh, họ không còn hiểu lầm Khang nữa, nhưng anh đã đi rồi. Bây giờ Duyên lại mong tin anh, mong anh trở lại... Ngày khai giảng, cô đưa con đến trường và hỏi thăm tin anh.

Kịch bản "Bao giờ cho đến tháng Mười" được Cục Điện ảnh thông qua một cách nhanh chóng không gặp trắc trở gì, chỉ yêu cầu không được để thầy giáo Khang yêu cô Duyên. Nhưng đối với tôi, không có mối quan hệ đó thì còn gì là phim. Chấp hành ý kiến của Cục, tôi chỉ làm nhẹ mối quan hệ đó thôi chứ không bỏ hẳn.

Hãng phim cử cho tôi một chủ nhiệm phim chưa làm chủ nhiệm chính một phim bao giờ và phân cho tôi một máy quay phim Côn-vát cũ của Liên Xô chất lượng rất kém, đến nỗi trong lúc quay phá hỏng không biết bao nhiêu thước phim, buộc tôi phải quay đi quay lại nhiều lần. Không chịu được nữa, tôi bèn tự đi mượn một máy quay của Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng (nơi cha tôi trước kia làm Viện trưởng) để quay nốt nửa phim còn lại.

Đây là chiếc máy quay Côn-vát do Liên Xô viện trợ cho Viện để quay các phim giáo khoa về phòng chống sốt rét. May thay nó còn rất mới vì ít được dùng tới. Trong lúc đang quay giữa chừng, nhà quay phim Nguyễn Lân (vốn là giảng viên quay phim của Trường Điện ảnh được hãng mời sang quay cho phim này) bỗng nhiên thông báo sẽ đi Campuchia để giảng dạy trong 1 tháng (những ngày ấy được đi Campuchia là một dịp may, ít ai từ chối).

Không thể dừng cả đoàn chờ đợi được, tôi quyết định sẽ làm việc với phó quay phim Phạm Tiến Đạt. Ông Lân biết vậy, tuyên bố với Giám đốc Hải Ninh rằng sau khi đi Campuchia về sẽ không quay lại đoàn phim nữa. Giám đốc Hải Ninh tức tốc vào đoàn phim yêu cầu ngừng quay, không chấp nhận phó quay phim Phạm Tiến Đạt làm quay chính.

Nhưng khi vào tới nơi, thấy tôi vẫn bình tĩnh làm việc với Đạt, công việc vẫn tiến hành đều đặn, ông trở về và vài hôm sau cử nhà quay phim Nguyễn Đăng Bẩy xuống đoàn để phụ giúp. Vậy là trong phim này thực chất có 3 quay phim với 3 phong cách khác nhau khiến tôi phải vất vả rất nhiều để giữ sự thống nhất trong các cảnh quay.

Tôi đã mời nữ diễn viên Lê Vân vào vai chính của phim, để rồi từ đó tên tuổi của cô gắn liền với hình ảnh chị Duyên, người vợ liệt sĩ, tiêu biểu cho hàng vạn, hàng triệu phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Trước đó Lê Vân đã xuất hiện trong một vài phim nhưng để lại ấn tượng nhất cho khán giả đến nay vẫn là vai Duyên trong phim "Bao giờ cho đến tháng Mười".

Người làm nhạc cho phim này là nhạc sỹ Phú Quang. Hồi ấy anh còn trẻ lắm, vừa mới tốt nghiệp khoa sáng tác Trường Âm nhạc và chưa từng làm nhạc phim bao giờ.

Tôi biết anh là nhờ chị Phương Chi, bạn của vợ tôi, giáo viên piano ở trường giới thiệu. Anh đánh cho tôi nghe những giai điệu đầu tiên sáng tác cho phim trên chiếc piano trong căn hộ chật hẹp chỉ vừa đủ kê một chiếc đàn và một chiếc giường đôi ở trong ngõ Văn Chương, Hà Nội. Anh đã rung động thực sự khi làm nhạc cho phim này, do đó âm nhạc của anh đã đi vào phim rất ngọt ngào, nâng sức truyền cảm của hình ảnh lên rất nhiều. Đến bây giờ tôi vẫn tiếc một điều, giá anh sử dụng thêm nhạc cụ dân tộc thì có lẽ chất dân gian sẽ còn đậm đà hơn.

Khi bộ phim hoàn thành, Giám đốc Hải Ninh xem xong yêu cầu cắt bỏ trường đoạn chợ âm dương với lý do mê tín dị đoan. Đây là một trong những trường đoạn tâm đắc nhất của tôi trong phim này, nó đến với tôi không phải tình cờ. Từ lâu tôi có đọc trong kho tàng truyện cổ Việt Nam có một truyện làm tôi hết sức chú ý. Đó là câu chuyện về đôi vợ chồng trẻ, không may người chồng bị chết một cách oan ức. Anh báo mộng dặn chị chờ đến phiên chợ Mạch Ma thì đến để anh gặp.

Tại phiên chợ đó hai người đã gặp được nhau. Người chồng đã nói rõ sự oan ức của mình để chị vợ kêu lên cửa quan. Truyện còn ghi rõ chợ Mạch Ma ấy nằm ở Quảng Yên. Một lần trên đường đi Hạ Long, khi qua bến phà Rừng, xe dừng lại ở Quảng Yên và tôi bàng hoàng nhận ra mình đang ngồi uống nước trong chính cái chợ Mạch Ma đó. Sau này lên Hà Bắc, nhà thơ Nguyễn Thanh Kim có cho tôi mượn đọc cuốn “Địa dư chí Hà Bắc”.

Trong sách đó, ở mục “Chợ Hà Bắc” có ghi rõ những thôn nào, xã nào, ngày giờ nào, có những phiên chợ âm dương. Qua hai sự việc trên, tôi nhận ra rằng trong tâm thức của người Việt Nam không có sự cách biệt giữa cõi Âm và cõi Dương, giữa người sống và người chết. Đó là một đặc điểm tâm lý rất Việt Nam. Nhưng Giám đốc Hải Ninh không quan tâm tới điều đó. Ông chỉ sợ cấp trên phê bình là phim mang màu sắc duy tâm huyền bí, tuyên truyền cho mê tín dị đoan.

Trước áp lực của ông, tôi đành nhân nhượng cắt ngắn bớt trường đoạn này, điều làm tôi đau xót vô cùng.(...) Bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" đã được khán giả trong cả nước đón nhận hết sức nồng nhiệt. Không những thế, nó còn nhận được mối thiện cảm rất lớn của khán giả nước ngoài. Có lẽ đây là một phim truyện đầu tiên của Việt Nam đến được với công chúng ngoài biên giới sau năm 1975.

(…) Bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" bắt đầu một cuộc hành trình rất dài qua màn ảnh của rất nhiều quốc gia trên thế giới, mang lại không ít thiện cảm cho đất nước Việt Nam, nền điện ảnh Việt Nam.

Sau này tôi được nghe kể lại buổi chiếu đầu tiên của bộ phim tại Honolulu (Hawaii) vào tháng 11-1985 như sau: “Các thuyền nhân Việt Nam ở Honolulu nghe có một bộ phim của Cộng sản Hà Nội được chiếu kéo đến vây xung quanh rạp với những biểu ngữ phản đối. Trước giờ chiếu 15 phút, cảnh sát nhận được một cú điện thoại báo tin trong rạp bị cài mìn. Lập tức khán giả được mời ra khỏi rạp. Sau một giờ rà soát, cảnh sát xác định tin kia là thất thiệt mới cho khán giả vào lại. Nhiều thuyền nhân cũng vào xem cốt để gây rối trong khi chiếu. Nhưng buổi chiếu đã kết thúc tốt đẹp trong tiếng vỗ tay và những giọt nước mắt đọng trên mi của nhiều người, trong đó có cả những thuyền nhân Việt Nam. Họ xúc động xem từ đầu đến cuối, quên cả dự định từ trước của mình. Đó là những ngày căng thẳng nhất trong quan hệ Mỹ-Việt".

"Bao giờ cho đến tháng Mười" của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh đã được bình chọn là một trong những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam. Năm 2008, CNN đánh giá: "Bao giờ cho đến tháng Mười" là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại. Tuần lễ Liên hoan phim Việt Nam tại New Delhi đang diễn ra từ 9-23/5, "Bao giờ cho đến tháng Mười được khởi chiếu từ ngày 13. Đã qua đi nhiều thập kỉ, bộ phim vẫn còn nguyên giá trị và gây ấn tượng mạnh với khán giả.
Trần Mỹ Hiền (theo hồi kí của NSND Đặng Nhật Minh)
.
.
.