Chuyện chưa kể về Đại sứ đặc biệt Nhật Bản được trẻ em mồ côi Việt Nam gọi... bố

Chủ Nhật, 24/09/2017, 07:39
“A! Bố Sugi đến rồi!!! Bố Sugi, bố Sugi…”, tiếng những đứa bé ở Làng trẻ em Birla Hà Nội reo lên khi đoàn xe trở ngài Đại sứ đặc biệt Nhật – Việt/ Việt – Nhật Sugi Ryotaro dừng bánh phía cổng chính. Và khi ông Sugi Ryotaro vừa bước xuống thì lũ trẻ ùa tới vây quanh ông trong niềm vui mừng khôn xiết.


Sự trở về đong đầy yêu thương 

Có mặt tại Làng trẻ em Birla Hà Nội từ sớm ngày 21-9, tôi đã có cơ hội được chứng kiến quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng của các thành viên nơi đây, để chào đón sự trở về của một người Nhật Bản đặc biệt gắn bó trong suốt hàng chục năm qua, Đại sứ đặc biệt Nhật – Việt/ Việt – Nhật Sugi Ryotaro.

Dù mới sáng sớm, nhưng thời tiết Hà Nội khô khốc và gắt gỏng dường như càng làm tăng độ hồi hộp của tất cả mọi người. Các mẹ tập dượt lại một lần nữa cho các em nhỏ vẫy cờ hoa, phía trong phòng họp Ban Giám đốc cũng đã sẵn sàng. Chỉ một lát sau, khi đoàn xe của Đại sứ quán Nhật Bản ngừng bánh trước cổng làng, tôi đã được chứng kiến những phút giây hội ngộ vô cùng xúc động của “bố Sugi” và những đứa con mà ông nhận nuôi tại Làng trẻ em Birla Hà Nội. Thật đúng là chẳng có sự tập dượt nào lại được với những cảm xúc chân thật và tinh khôi của các em.

Ông Sugi Ryotaro lúc ấy như nghẹn lời, dẫu vậy, khuôn mặt của vị Đại sứ đặc biệt 72 tuổi này vẫn hiện rõ lên sự hân hoan và phấn khởi.

Năm nay, ông Sugi Ryotaro về thăm các con và Làng trẻ em Birla Hà Nội đúng vào dịp kỉ niệm 44 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam. Tại đây, ông đã chứng kiến lễ ký kết chương trình viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, giúp nâng cấp Làng trẻ em Birla Hà Nội.

“Bố Sugi” đồng ca cùng các con trong lần trở về đầy ý nghĩa.

Dù rất tập trung cho công tác của Chính phủ trong buổi lễ, nhưng chốc chốc ông Sugi Ryotaro lại đưa mắt xung quanh để bao quát, tìm kiếm những gương mặt thân thuộc là những đứa bé mồ côi của Làng trẻ em Birla Hà Nội mà ông đã nhận làm con nuôi. Chia sẻ với tất cả mọi người cảm xúc về lần trở lại này, ông Sugi Ryotaro cho biết năm nào ông cũng bay từ Nhật Bản về Việt Nam thăm các con và cán bộ của Làng trẻ em Birla Hà Nội ít nhất một lần.

Được nhìn thấy đứa nào cũng phổng phao hơn, biết tự chăm lo cho bản thân và quan tâm đến những thành viên khác là điều khiến ông Sugi mừng nhất.

Và lần nào cũng thế, những ký ức về Làng trẻ em Birla Hà Nội ngày đầu tiên ông đặt chân tới lại ùa về: “Gần 30 năm trước, cuộc sống ở đây khó khăn lắm. Mọi người đã rất vất vả để nuôi nấng và dạy dỗ các con trưởng thành. Trước khi vào đây các con thiệt thòi như thế nào thì hãy cứ để nó trôi đi. Các mẹ, các cô, chú, anh, chị trong làng sẽ bù đắp và yêu thương các con hơn cả ngàn lần. Điều đó chính là sự may mắn.”

Ngoài ra, ông cũng bày tỏ, dù biết rằng Ban Giám đốc và các mẹ luôn dành tình yêu thương vô bờ bến cho các con, nhưng sự chiều chuộng phải có mức độ, để rèn luyện cho chúng bản lĩnh, tinh thần tự lập và rắn rỏi khi bước vào đời.

“Và tất cả chúng con đã có bố”

Trong lần trở lại này, ngoài việc chứng kiến lễ ký kết dự án nâng cấp Làng trẻ em Birla Hà Nội, ông Sugi đã tuyên bố nhận toàn bộ trẻ mồ côi trong làng làm con nuôi. Trước đó, khoảng 100 em nhỏ tại Làng trẻ em Birla Hà Nội đã trở thành những đứa con nuôi mà ông luôn tận tình hỗ trợ về cả mặt vật chất lẫn tinh thần.

Ngoài việc dùng tiền cá nhân để giúp đỡ mua sắm cơ sở vật chất cho làng, trang trải chi phí học tập và sinh hoạt cho các con thì “bố Sugi” còn giúp đỡ kinh phí điều trị cho những con bị bệnh tim bẩm sinh hay ung thư vòm họng... Nhiều con trong số đó đã trưởng thành, đã lập gia đình và rất thành công trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, một trong những người con nuôi đầu tiên của “bố Sugi” tại Làng trẻ em Birla Hà Nội năm nay đã 41 tuổi.

Nhờ có sự giúp đỡ của “bố Sugi” trong quá trình sống và học tại Việt Nam cũng như tại Nhật Bản, chị Nga đã thực hiện được ước mơ trở thành giáo viên. Hiện chị đang giảng dạy tiếng Nhật tại Trung tâm Văn hóa Việt – Nhật.

Khi được mời chia sẻ, chị Nga lau vội dòng nước mắt hạnh phúc và bùi ngùi: “Vậy là tất cả chúng con đã có bố rồi. Bố Sugi là một người vô cùng đặc biệt, một người Nhật Bản rất nặng lòng với Việt Nam. Bố Sugi luôn nhắc đi nhắc lại rằng chúng ta cần nỗ lực học tập thật tốt để sau này có cơ hội sang Nhật Bản học hỏi. Vì thế, mọi người hãy cố gắng thật nhiều để mình có thể tự lập và thành công nhé.”

“Bố Sugi” lặng thinh và chăm chú nghe chị Nga tâm sự với đôi tay nắm chặt nhau, chốc chốc lại gật đầu và nhoẻn miệng cười.

“Bố Sugi” cũng nghẹn ngào kể lại câu chuyện về chị Nga, động lực để ông nhận nuôi các con: “Nhờ sự giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam, tôi đã biết tới Làng trẻ em Birla Hà Nội. Việc này như một “sự tình cờ có sắp đặt” của tạo hóa. Khi tôi phát kẹo cho các bé nhỏ thì Nga không giống các bạn khác, chỉ cầm kẹo trong tay mà không ăn và nhìn tôi. Khi hỏi tại sao kẹo ngon mà bé không ăn thì Nga đáp “con chỉ muốn có bố mẹ thôi”. Quả thực, tôi đã không cầm được nước mắt và đi vội ra ngoài. Thật khó để nhìn thẳng vào đôi mắt ngây ngô to tròn của cô bé ấy. Chính lúc đó tôi đã quyết định trở thành bố nuôi của Nga và các con tại làng Birla"...

Và có lẽ, câu chuyện về sự lan tỏa tình yêu thương của “bố Sugi” sẽ còn tiếp nối khi những người con nuôi đã trưởng thành quay lại giúp đỡ những đứa em của mình tại làng. Sau mùa đông dài, nhất định phải là mùa xuân và tôi tin rằng, những gì “bố Sugi” nói riêng và các thành viên của Làng trẻ em Birla Hà Nội nói chung đã gieo xuống, dù chậm nhưng nhất định sẽ nảy mầm và kết trái.

Từ lần đầu tiên đến Việt Nam trong vai trò ca sĩ - diễn viên vào năm 1989, đến nay, ngài Đại sứ đặc biệt Nhật – Việt/ Việt – Nhật Sugi Ryotaro đã có gần 30 năm liên tục đóng góp cho mối quan hệ hữu nghị Nhật - Việt bằng nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa. Ông là người duy nhất được cả Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam phong tặng danh hiệu Đại sứ đặc biệt.

Năm 1991, ông đã hỗ trợ thành lập Hội giao lưu văn hoá Nhật - Việt và thành lập Trung tâm tiếng Nhật tại Hà Nội năm 1995. Ông Sugi cũng là người Nhật Bản đầu tiên được Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị năm 1997 và là một trong những công dân nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội” vào năm 2014.

Linh Bùi
.
.
.