Mái ấm cho trẻ mồ côi sau biến cố cuộc đời

Chủ Nhật, 19/01/2014, 14:06
Những đứa trẻ lốc nhốc nô đùa trong khuôn viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Điện Biên. Nụ cười hồn nhiên trên từng cặp má hồng rực vì nẻ dưới ánh nắng hiếm hoi giữa ngày đông rét buốt. Nhìn bọn trẻ vui đùa, chẳng ai nghĩ rằng ký ức tuổi thơ của chúng hằn sâu sự đau đớn, buồn tủi và cả đắng cay của cuộc đời. Cũng bởi thế mà chúng có mặt ở đây, dưới một mái nhà chung, không mẹ, không cha nhưng có tình thương của cộng đồng.

Bất hạnh sau biến cố gia đình

3 chị em ruột: Lò Thị Hiền (14 tuổi), Lò Thị Trang (10 tuổi), Lò Tuấn Anh (6 tuổi) cùng sống với nhau trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Điện Biên sau biến cố lớn của cuộc đời. Nhắc đến hoàn cảnh đặc biệt của các em, các thầy cô ở trung tâm không khỏi ngậm ngùi. Chúng vốn là những đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi. Bố của 3 đứa trẻ nhiễm HIV là người lây truyền cho vợ mình. Sự ra đi đột ngột của người cha như một cơn bão đổ ập xuống gia đình có 3 đứa con nhỏ. Và, số phận đã không ưu ái chúng khi người mẹ thân yêu cũng nhiễm bệnh từ chồng. Dù rất thương các con và cố gắng lao động để nuôi con ăn học, nhưng mẹ các bé không còn đủ sức khi đang từng ngày, từng giờ phải chống chọi với căn bệnh AIDS giai đoạn cuối.

Thương con dâu mắc bệnh hiểm nghèo, thương các cháu côi cút, ông bà nội của Hiền bị rủ rê buôn bán ma tuý kiếm tiền. Một lần nữa, những đứa trẻ lại mất đi điểm tựa khi ông bà nội lần lượt vào tù. Thương các cháu côi cút, chú thím của 3 chị em chúng đành đưa các cháu về nuôi dưỡng. Cuộc sống ở cùng chú thím thuộc diện hộ nghèo vất vả vô cùng, trong khi người chú cũng mắc bệnh nặng.

Trẻ mồ côi trong Trung tâm Bảo trợ xã hội Điện Biên rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

Tháng 7/2013, những đứa trẻ đã tìm được mái ấm mới ở Trung tâm Bảo trợ xã hội, được đi học và sống trong tình thương yêu của những người mẹ mới. Doãn Thị Thuý Kiều 9 tuổi và Doãn Mạnh Cường 7 tuổi là hai chị em ruột được đưa vào trung tâm từ năm 2010. Chúng phải chịu hậu quả từ bố me khi bố mẹ chúng đã chọn con đường vi phạm pháp luật để kiếm tiền. Năm 2008, mẹ Kiều và Cường bị bắt vì vận chuyển và buôn bán ma tuý. Bố trốn lệnh truy nã, bỏ lại hai đứa con nhỏ bơ vơ. Con dại cái mang, ông bà nội đưa 2 đứa trẻ về nuôi. Nguồn nuôi dưỡng 2 thân già và 2 đứa nhỏ là mấy mảnh ruộng cằn cỗi. Thế rồi, cả ông bà nội của Kiều và Cường cũng không cưỡng nổi sự cám dỗ của ma túy.

Giống như trường hợp của 3 chị em bé Hiền, sau khi ông bà bị bắt, hai chị em chuyển về sống với cậu mợ. Đau đớn thay, người cậu cũng bị ma tuý hành hạ tới thân tàn ma dại. Bọn trẻ tìm về cụ nội ngoài 80 tuổi để nương nhờ. Chính quyền địa phương lo ngại hai đứa sẽ không được đến trường nên đã làm đơn gửi chúng vào trung tâm này.

Bù đắp thiệt thòi

Trong khuôn viên trung tâm, nhìn những đứa nhỏ vui đùa trên sân, đứa lớn chăm sóc rau trên mảnh vườn nhỏ, góc khác có một nhóm chơi bóng chuyền, chúng tôi hiểu, bọn trẻ đã tìm được nơi nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn bình yên. Điện Biên là tỉnh miền núi nghèo với tỷ lệ người nghiện ma tuý thuộc hàng đầu cả nước. Nhiều trẻ em mồ côi là nạn nhân của đại dịch này. Hiện trung tâm đang chăm sóc và nuôi dưỡng 68 cháu, trong đó có 3 cháu ở lứa tuổi mầm non, 22 cháu đang học tiểu học và 35 cháu học trung học cơ sở, 8 cháu học PTTH. Trung tâm có 16 cán bộ chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, chăm sóc sức khoẻ và quản lý các em. Họ đã dồn tình thương yêu, sự tận tình để bù đắp thiệt thòi cho những đứa trẻ mà họ coi như con mình.

Cô Lê Xuân Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm ngậm ngùi tâm sự: “100% các con đưa về trung tâm đều có hoàn cảnh éo le, không nơi nương tựa, không được chăm sóc, dạy bảo chu đáo, một số cháu không được đi học hoặc đi học không đúng độ tuổi. Đa số các cháu ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức chậm nên rất khó trong việc tiếp thu kiến thức văn hoá”. Khắc phục nhiều khó khăn như cơ sở vật chất chưa đủ phục vụ nhu cầu, chế độ ăn cho các cháu chỉ 920.000đ/tháng, nhưng các cán bộ nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội Điện Biên vẫn hàng ngày nỗ lực, dành tâm huyết cho tương lai những đứa trẻ thiệt thòi. Chúng vẫn đang rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng, của các nhà hảo tâm

Việt Hà
.
.
.