Khi chiến sĩ Công an hóa thân trên sàn diễn

Thứ Bảy, 17/02/2018, 06:50
Liên hoan Sân khấu Kịch nói Công an Thủ đô năm 2017 dù chỉ công diễn trong hai ngày cuối năm nhưng thực sự đưa khán giả đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác.

Trút bỏ màu áo sắc phục hàng ngày, các chiến sĩ Công an nhập vào những vai diễn hồn nhiên, đời thường, tái hiện lại chính cuộc sống, công việc hàng ngày của các anh cùng những cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt giữa cái thiện và cái ác, giữa đồng tiền và cạm bẫy.

Liên hoan Kịch nói Công an Thủ đô năm 2017 với chủ đề "Phía sau những chiến công" đã có những đêm diễn thực sự bùng nổ, mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc. 

Đây là lần đầu tiên, Công an TP Hà Nội tổ chức một sự kiện văn hóa lớn, cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức liên hoan sân khấu kịch nói, đồng thời tạo sân chơi, giải trí cho lực lượng Công an TP. 

Chỉ có hai ngày công chiếu nhưng sân khấu của Nhà hát Kịch Hà Nội như "nóng" lên bởi sự cống hiến hết mình và tình đoàn kết, giao lưu học hỏi của các đơn vị trong Công an TP. 

Tham dự Liên hoan có hơn 400 diễn viên là CBCS thuộc 34 đơn vị, chia thành 26 đội thi, đặc biệt có 21 đồng chí là chỉ huy các đơn vị tham gia diễn xuất. Có nhiều tác phẩm kịch do các đồng chí chỉ huy đơn vị là tác giả kịch bản và đạo diễn…

Kịch ngắn “Một cuộc sống bình yên” của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TP Hà Nội.

Hình tượng người chiến sỹ CAND trong đời sống, công tác và chiến đấu đã được thể hiện đậm nét qua 26 vở diễn, đem đến công chúng cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn ở nhiều góc độ về công việc và cuộc sống, những hy sinh, vất vả của người chiến sỹ Công an. 

Từ đó, làm cho dân hiểu và thêm tin yêu vào người chiến sỹ Công an, để đồng hành cùng lực lượng Công an làm tốt nhiệm vụ đảm bảo ANTT, giữ gìn bình yên cho quê hương, đất nước. 

Đây cũng là dịp để cán bộ, chiến sỹ Công an các đơn vị trong Công an TP gặp mặt giao lưu, thể hiện tài năng, khơi dậy lòng nhiệt tình, đam mê nghệ thuật của các tập thể, cá nhân với hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ Công an Thủ đô.

Mỗi tác phẩm kịch là một câu chuyện cảm động về công việc, cuộc sống, những tấm gương hy sinh thầm lặng của người chiến sỹ CAND trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. 

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sỹ Công an đã anh dũng hy sinh, hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Trong thời bình, máu của những người chiến sỹ Công an vẫn đổ vì sự bình yên cuộc sống. 

Chất liệu chân thực tạo nên nhiều câu chuyện cảm động. Trút bỏ màu áo đời thường, họ hóa thân thành những nhân vật đầy cảm xúc trên sân khấu. Chưa từng học qua một trường lớp đào tạo nào về diễn xuất, những người lính nhập vào vai diễn bằng chính những trải nghiệm đời thường, chính từ những lần đối mặt với tội phạm hiểm nguy. Họ diễn rất chân thật, giàu cảm xúc, bằng chính sự nhiệt huyết, say nghề của mình.

"Giấc mơ bình yên" của Bệnh viện Công an TP khiến người xem xúc động bởi ý chí kiên cường của người chiến sĩ Công an. Cha hi sinh trong một chuyên án triệt phá ma túy, người con trai quyết định theo nghề của cha để trả thù, nhưng không may anh cũng bị thương nặng trong một chuyên án lớn anh vẫn theo đuổi công việc đến cùng. 

"6h tối" của Công an quận Đống Đa lại là câu chuyện cảm động về gia đình một chiến sĩ Cảnh sát thường xuyên vắng nhà vì phải theo những chuyên án. Đứa con gái nhỏ luôn đợi cơm bố mẹ một mình. 

Mới đầu con bé không hiểu, thường trách móc bố mẹ khi bỏ bê gia đình, không quan tâm đến con cái, nhưng khi bố bị thương nặng trong một lần đối đầu với tội phạm, cháu mới hiểu và nhận ra được những khó khăn, vất vả, hi sinh của bố mẹ và sẵn sàng chờ cơm bố mẹ hàng ngày, dù biết họ sẽ luôn về muộn vì công việc. 

Một cảnh trong vở kịch ngắn “Giấc mơ bình yên” - Bệnh viện Công an TP Hà Nội.

Với "Một cuộc sống bình yên" của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, khán giả thực sự được thư giãn theo những tình huống hài hước đến từ nội dung câu chuyện, khi trong giờ tan tầm, đường tắc, một sản phụ nằm trên xe taxi không thể vượt qua ngã tư đến bệnh viện sinh con. 

Lúc này, các chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ tại ngã tư phải đối mặt với tình huống dở khóc, dở cười. Mẹ ốm nặng, đang trong giờ làm việc, một chiến sĩ CSGT không thể bỏ trực trở về đưa mẹ đi cấp cứu. 

Thêm vào đó, tình huống hài hước khi sản phụ trở dạ ngay trên xe taxi, cậu CSGT trẻ chưa người yêu một mình không dám đỡ đẻ, buộc người anh, người đồng nghiệp của mình phải ở lại làm "nhiệm vụ bất đắc dĩ". 

Người xem cười nghiêng ngả theo những câu thoại hoài hước của các chiến sĩ trẻ. Xong việc, anh vội vã đến bệnh viện gặp mẹ, nhưng vì nghe nhầm câu chuyện của người khác, anh tưởng mẹ mình đã mất nên vật vã, khóc lóc ngay tại viện, đến khi nhìn thấy mẹ, anh vẫn không tin vào mắt mình. 

Đem đến niềm vui cho khán giả nhưng câu chuyện cũng mang đến những giây phút giằng xé, khi họ luôn phải đánh đổi giữa công việc và gia đình.

Khác với "Một cuộc sống bình yên", khán giả lại vỡ òa xúc động về tình người trong tác phẩm "Nguyên tắc của trái tim" của Công an quận Bắc Từ Liêm. 

Dù phát hiện tung tích đối tượng phạm tội, nhưng biết anh ta có người vợ trẻ đang sắp đến ngày sinh ở quê nên một chiến sĩ Công an đã không thực hiện lệnh bắt khẩn cấp của cấp trên. 

Việc làm của anh khiến nhiều người hiểu nhầm rằng anh tiếp tay cho hung thủ trốn thoát, thế nhưng dù bị xì xào, bàn tán, anh vẫn cương quyết với ý định của mình. 

Anh muốn chính hung thủ tự ra đầu thú nên cho anh ta thêm thời gian để được nhìn mặt đứa con chào đời trước khi bị bắt. Và chính anh cùng các đồng nghiệp đã hỗ trợ đỡ đẻ cho vợ của đối tượng, khiến anh ta cảm động tự tra tay vào còng.

Mỗi tiết mục là một câu chuyện đời, chuyện nghề có thật trong quá trình công tác của các chiến sĩ Công an. Chính chất liệu đời thực ấy khiến những diễn viên không chuyên diễn xuất hay, chân thật, dù thời gian luyện tập có hạn, dù hàng ngày họ vẫn luôn bận rộn với công việc chuyên môn. 

Để vào vai một vị khách Tây hỏi đường CSGT, Trung úy Lưu Hoàng Quân, Đội CSGT số 3 phải mất hơn 2 tháng tập luyện. Còn với Trung tá Nguyễn Bích Hậu, Công an quận Bắc Từ Liêm thì để có nơi luyện tập, chị phải tranh thủ ngay bếp ăn của cơ quan, tranh thủ từng giờ nghỉ giải lao.

Phát biểu tại lễ trao giải, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội nhấn mạnh: "Với chủ đề "Phía sau những chiến công", Liên hoan lần này đã thực sự gây ấn tượng và lan tỏa trong lực lượng Công an và công chúng Thủ đô. 26 vở diễn là 26 màu sắc khác nhau, tất cả tập trung khắc họa về hình tượng Người chiến sỹ CAND "Bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ". 

Sau một thời gian tập luyện công phu, các đội thi đã cống hiến cho khán giả những tác phẩm kịch ngắn đặc sắc, giàu sức truyền cảm về đề tài CAND. Nội dung các tác phẩm tập trung phản ánh về thực tế công tác, chiến đấu, lao động của CBCS Công an, nổi bật lên những tấm gương người tốt việc tốt, những hy sinh thầm lặng đằng sau những chiến công". 

Mai Ngọc
.
.
.