Chưa được lộc Bà đã bị… “chém chặt”

Thứ Tư, 15/02/2017, 10:51
Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, hàng chục ngàn người từ khắp mọi miền của cả nước vẫn bỏ tiền bạc, thời gian đổ xô về những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại phương Nam để… vía Bà, cầu phúc, cầu lộc. Nhiều năm rồi, bọn tội phạm hình sự xem mùa vía Bà là “mùa làm ăn”.


Do vậy, để đảm bảo sự bình yên tại các điểm du lịch tâm linh có lượng người hành hương đông đúc, lực lượng Công an đã rất vất vả. Hòa vào dòng người hành hương vía Bà đầu xuân, phóng viên Báo Công an nhân dân đã có mặt tại các điểm vía Bà nổi tiếng như: núi Bà Đen (Tây Ninh), chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương) và vùng Thất Sơn (An Giang), kịp ghi lại được những điều tai nghe, mắt thấy…

Trước khi hòa vào dòng người đến khu vực Miếu Bà Chúa Xứ (núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang), PV Báo CAND được cảnh báo về tình trạng lừa gạt bán nhang đèn, muối, gạo. Chủ quán bán trái cây bên hông Miếu Bà cảnh báo: “Rất nhiều du khách về đây hành hương, bị nhóm người này quây quanh lừa gạt mua nhang đèn, muối gạo để cúng, mất bạc triệu. Em có cúng, viếng hoặc mua gì thì cứ mua ở ngoài này, giá cả đều được niêm yết sẵn, chứ đừng để bị chèo kéo, mất tiền rồi rước thêm bực mình. Một bó nhang họ bán 30.000 đồng, rồi nếu họ có kêu ghi giấy cúng bà thì kiên quyết không nha em”.

Du khách chen chân dâng hương tại chùa Bà (Bình Dương).

Ngay trước khu vực Miếu Bà, cả cổng chính và cổng phụ luôn có khoảng 10 phụ nữ, thanh niên đứng chèo kéo khách hành hương mua nhang đèn, muối, gạo cúng, xin lộc Bà để cầu bình an. Dù đã hơn 22 giờ, rất nhiều khách hành hương đi theo đoàn vẫn "rồng rắn" về đây cúng, viếng. Sau khi mời khách mua thẻ nhang, người phụ nữ luống tuổi kéo khách lại thỏ thẻ: “Em cúng gì, Bà thiêng lắm. Cầu gì ước thấy”. Người phụ nữ này lấy ra tờ giấy ghi hai chữ “cầu an”, hỏi khách muốn cúng 6kg hay 12kg gạo.

Khách gật đầu trả lời 6kg, liền có một phụ nữ khác xách bọc nylon chứa những túi gạo nhỏ cùng muối bên trong mang đến, hỏi, ghi thêm tên vài thành viên trong gia đình vào tờ giấy khi nãy để vào cúng Bà. Nhận lộc xong, khách bị kéo ra ngoài cổng để thu tiền. “Tiền nhang đèn, gạo muối của anh hết 390 ngàn”, người phụ nữ đòi tiền. Thấy khách thắc mắc sao chỉ 6kg mà giá trên trời, lập tức có 5 – 6 người đứng gần đó sáp lại. Thấy vậy, khách đành trả tiền. 

Chứng kiến toàn bộ câu chuyện này, anh Toàn – người chạy xe ôm chở khách đi, trấn an: “Em bị gạt rồi. Nãy em nói cúng 6kg là chỉ một người thôi. E ghi tên bao nhiêu người nữa thì bọn này nó nhân lên mà tính tiền thôi. Nhiều người bị mất bạc triệu cũng chỉ có bọc muối, bọc gạo cúng. Tụi này thường nhìn mặt khách mà… chém. Người ít thì vài trăm, người nhiều cũng vài ba triệu cho chuyện gạo, muối”.

Du khách không chỉ bị lọc lừa bởi những trò nói trên mà tiền giữ xe, nhà nghỉ tại khu vực núi Sam tăng chóng mặt. Giá giữ xe máy 10.000 đồng/xe, tiền phòng nhà nghỉ tăng gần gấp đôi. 

“Ngày thường, chị cho thuê phòng 170 ngàn đồng nhưng ra Tết, thuê nhân công đắt nên tính giá gần gấp đôi. Em lấy phòng đơn thì ba trăm, còn phòng đôi thì sáu trăm”, chủ nhà nghỉ trên đường Hoàng Diệu (TP Châu Đốc) giải thích. Dù giá phòng cao, nhưng hầu như nhà nghỉ nào cũng kín hoặc treo bảng hết phòng vì lượng khách đổ về Châu Đốc quá đông.

Theo Trung tá Dương Hữu Hoà, Phó trưởng Công an phường Núi Sam, so với những năm trước đây, tình trạng mua bán hàng rong, lấn chiếm lòng lề đường đã giảm nhờ lực lượng tăng cường tuần tra, cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Các đối tượng lừa gạt “nhang, đèn, muối, gạo” vẫn còn. Trong năm 2016, lực lượng Công an xử lý hàng chục trường hợp, trong đó có đối tượng vi phạm 2 lần. 

Công an phường đã trang bị 50 biển báo, đường dây nóng có số điện thoại của Công an để khách hành hương khi có sự cố gọi vào đường dây này, Công an đến giải quyết. Công an phường có loa tuyên truyền di động nêu phương thức, thủ đoạn của bọn trộm cắp, “nhang đèn, muối”. Tuy nhiên, nhiều đối tượng vẫn lén lút, lợi dụng du khách từ xa đến tiếp cận chèo kéo, hướng dẫn cúng viếng để lừa gạt.

Cũng theo Trung tá Hoà, việc lừa gạt “nhang, đèn, muối gạo” còn xảy ra một phần là do du khách. Dù được khuyến cáo nhưng nhiều người vẫn tìm đến các đối tượng này để mua. Khi bị lừa, nhiều người đến trình báo nhưng lại không cung cấp thông tin, chứng cứ về hành vi của đối tượng. Hầu như 70 - 80% các vụ việc xảy ra đều rơi vào trường hợp này. 

Theo Ban Quản trị Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, năm 2016, nơi đây đón hơn 4,6 triệu lượt khách đến tham quan, cúng viếng, tăng 200.000 lượt so với cùng kỳ. Trong và sau Tết Nguyên đán, hàng trăm ngàn lượt khách từ các nơi về đây hành hương. Khu vực Miếu Bà Chúa Xứ, cả ngày lẫn đêm lúc nào cũng đông người viếng xin lộc Bà đầu năm. 

Ngoài lễ cầu an, lễ hội chính (lễ Vía Bà) tổ chức xuyên suốt trong 3 ngày từ 23 đến 25-4 (âm lịch) tới đây. Lộc Bà cũng chính là một phần áo Bà được cắt nhỏ ra rồi in vào chữ lộc cho khách “thỉnh”, xin lộc.

Bỏ việc đầu năm, đội nắng để… rước Bà (!)

Tại lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương, diễn ra ngày rằm tháng Giêng âm lịch), trong dòng người đông đến hàng chục nghìn người, có rất nhiều người dân, công nhân bỏ cả công ăn việc làm đầu năm để được viếng và chen chút dự lễ rước cộ chùa Bà. Nhiều chủ nhà nghỉ, khách sạn tại TP Thủ Dầu Một tùy tiện tăng giá so với ngày thường. Nhiều điểm giữ xe máy “lách luật” để “chém” du khách gửi xe trên nhiều tuyến đường gần chùa Bà. 

Một phụ nữ giữ xe gần Công viên Phú Cường, thừa nhận: “Quy định 6.000 đồng/xe máy, 3.000 đồng/xe đạp… nhưng như vậy làm sao chúng tôi có sống. Mấy chỗ giữ xe gần chùa Bà thì giá trên mây chứ không bèo như ở đây đâu”. Quả đúng như lời của người phụ nữ này nói, tại điểm giữ xe gần chùa Bà, chủ bãi giữ “chém” từ 10.000 - 20.000 đồng/xe máy. Một người đàn ông mặt mày dữ tợn nói với một người vừa than van do giá giữ xe quá cao: “Không gửi thì đi chỗ khác. Giờ này còn hỏi giá”.

Ngành chức năng cũng xác minh, làm rõ 5 trường hợp giả làm nhà sư  lén vào các miếu, chùa tại TP Thủ Dầu Một để xin tiền khất thực. Tại chùa Bà, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 trường hợp giả danh nhà sư để xin tiền khất thực của du khách hành hương.

Nhóm PV
.
.
.