Ý nghĩa nhân văn của chính sách cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam

Thứ Tư, 04/10/2023, 08:32

Một trong những nội dung đáng chú ý, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận tại dự thảo Luật Căn cước do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, cùng với những tác động tích cực trong công tác quản lý nhà nước, quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Cần thiết cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam

Theo Bộ Công an, Luật Căn cước công dân năm 2014 không quy định cấp số định danh cá nhân, giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Vì vậy, là cơ quan chủ trì trong xây dựng Luật Căn cước, Bộ Công an đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thấy rằng Luật Quốc tịch, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có quy định về người nước ngoài và công dân Việt Nam; trong đó, tập trung quy định về việc công nhận, xác định quốc tịch, quản lý cư trú (cấp thẻ thường trú, tạm trú…).

Ý nghĩa nhân văn của chính sách cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam -0
Theo dự án Luật Căn cước, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước.

 Tuy nhiên, các luật này đều không điều chỉnh, quy định về quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy tại nước ta có một bộ phận không nhỏ người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư… mà họ và các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đều không có thông tin hoặc bất cứ giấy tờ nào chứng minh về nhân thân, lai lịch. Những người này đều không đủ điều kiện được cấp thẻ thường trú, tạm trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; không thể thực hiện khám chữa bệnh, ký hợp đồng lao động, nhập học hoặc tham gia giao dịch dân sự cần chứng minh thông tin nhân thân… Chính vì vậy, để giải quyết tình trạng này, quy định quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam tại dự án Luật là cần thiết và phù hợp. Nội dung này không trái với quy định của Luật Quốc tịch và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Để cụ thể hóa chính sách về mở rộng đối tượng cấp giấy chứng nhận căn cước thì tại khoản 10 Điều 3 và Điều 5 dự thảo Luật Căn cước quy định rõ việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Theo đó, người gốc Việt Nam là người đã từng có quốc tịch Việt Nam hoặc có ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ là công dân Việt Nam hoặc đã từng có quốc tịch Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Đảm bảo quyền lợi của người dân

Theo Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước được chặt chẽ; giải quyết được các vấn đề còn tồn tại liên quan đến yếu tố lịch sử, chiến tranh để quản lý, giải quyết bất cập trong công tác quản lý dân cư; bảo đảm cơ chế để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống. Việc cấp giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam còn góp phần bảo đảm quyền lợi của người gốc Việt Nam (trong đó bao gồm cả những trẻ em là con của người gốc Việt Nam), những người yếu thế trong xã hội (phần nhiều người gốc Việt Nam là người di cư, dân tộc thiểu số, người nghèo, người sinh sống trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa…).

“Chính sách cấp giấy chứng nhân căn cước cho người gốc Việt Nam mang ý nghĩa nhân văn sân sắc. Chúng ta cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam xuất phát từ quyền của người dân, xuất phát từ mong muốn của họ trong cộng đồng xã hội và xuất phát từ yêu cầu công tác quản lý nhà nước. Việc cấp giấy chứng nhận căn cước sẽ đảm bảo cho họ có cuộc sống an ninh, an toàn và có các quyền căn bản tham gia vào các dịch vụ của đời sống, xã hội; tham gia vào các chính sách của nhà nước”, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an nhấn mạnh. 

Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam cũng sẽ giúp quản lý được toàn bộ dân cư sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nếu không quy định chính sách này thì không có điều kiện để quản lý được toàn bộ dân cư sinh sống ở nước ta; gây khó khăn cho công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, trường hợp người gốc Việt Nam không được thu thập thông tin, dữ liệu và quản lý mà vi phạm pháp luật thì cơ quan nhà nước sẽ không có thông tin để tra cứu, xác minh, nhất là thông tin sinh trắc học về vân tay, ảnh chân dung, gây khó khăn cho việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội

Phát biểu tại buổi tọa đàm trao đổi thông tin về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, Luật Căn cước được ban hành và có hiệu lực sẽ có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt, thể hiện Chính phủ và nhà nước rất tôn trọng quyền con người khi cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, xác nhận họ sinh sống ở đâu, có quyền và nghĩa vụ gì. Chính sách pháp luật này bảo vệ quyền con người, phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế.

Nguyễn Hương
.
.
.