Trò chuyện Chủ nhật

Đừng để đến khi xảy ra sự cố, chúng ta mới bắt đầu hoang mang

Chủ Nhật, 24/03/2019, 07:41
PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng: Đối với mỗi gia đình, mỗi cơ sở giáo dục, chúng ta cần chủ động thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Đấy là quyền lợi của chúng ta, nhất là ở khâu giám sát. Đừng để đến khi xảy ra sự cố, chúng ta mới bắt đầu hoang mang, khi đó, hậu quả là khôn lường.

Thời gian qua, trong môi trường học đường đã liên tục xảy ra nhiều sự cố như học sinh bị nhiễm sán lợn do ăn phải nguồn thực phẩm không đảm bảo; bị ngộ độc do ăn nhầm phải viên thông bồn cầu; bị bạo hành; bị quấy rối và lạm dụng. Những sự việc đáng tiếc này khiến phụ huynh lo lắng, xã hội cảm thấy bất an khi môi trường học đường vốn được xem là thân thiện, an toàn đã không còn thực sự an toàn với trẻ.

PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội xung quanh vấn đề này. 

PGS, TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

  PV: Là một người có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục, đồng thời cũng là phụ huynh học sinh, bà nghĩ gì về những sự cố đáng tiếc liên tục xảy ra trong môi trường học đường những ngày qua?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Tôi có nhiều lo lắng, đau xót xen lẫn không ít hoảng sợ trước những sự cố ấy. Khi tôi thử đặt mình vào tình huống, chẳng hạn, nếu con mình là nạn nhân của sự việc thì sao? Rồi bản thân mình là một giáo viên trong nhà trường, mình uống nước, mình ăn cơm ở trường không được đảm bảo thì thế nào?

Tôi thấy không khỏi hoang mang, vì nếu sự cố đã xảy ra rồi thì rất khó để khắc phục hậu quả. Nhất là những hậu quả về sức khỏe, về niềm tin là khó đo lường. Hơn nữa, với vai trò là một người làm công tác nghiên cứu, tôi thấy bức xúc vì những tổ chức, cá nhân gây ra sự cố đã thiếu trách nhiệm, phớt lờ những quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn sức khỏe, thể chất, đạo đức con người cũng như của các nhà trường, gây hậu quả nghiêm trọng không những đối với các em học sinh, các thầy cô giáo mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội.

PV: Xâu chuỗi một số sự việc xảy ra trong môi trường học đường thời gian qua, từ sự việc cô giáo cho học sinh tát bạn đến thầy giáo nhắn tin “gạ tình” học sinh lớp 10, rồi thầy giáo có hành vi sàm sỡ đối với nhiều học sinh tiểu học hay trước đó là vụ việc thầy giáo xâm hại tình dục học sinh tại Phú Thọ... Theo bà, đây là biểu hiện cho sự xuống cấp về đạo đức nhà giáo hay chỉ đơn thuần là rủi ro về đạo đức?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Không thể lấy hành vi sai trái của một người, một nhóm người để kết luận trên diện rộng. Vì thế tôi không cho đây là sự xuống cấp về mặt đạo đức của nhà giáo. Nhưng những sai trái đó cảnh báo xã hội chúng ta cần phải hành động tích cực hơn để phòng ngừa nó không xảy ra. Như tôi đã nói, những hậu quả về sức khỏe, về tinh thần vô cùng khó khắc phục.

Do đó, liên quan đến con người, chúng ta phải “phòng”, phải tập trung đào tạo, giáo dục, giám sát, xử lí tình huống thường xuyên. Điều này vượt khỏi phạm vi của ngành giáo dục. Cần xử lí nghiêm minh, triệt để đối với những hành vi sai trái, cần phải có giám sát và phối hợp của toàn xã hội.

PV: Thực tế cho thấy, ngay ở nhà, trẻ em vẫn bị quấy rối, bị lạm dụng tình dục bởi chính những người ruột thịt, xóm giềng. Điều này cho thấy, không ở đâu là an toàn tuyệt đối. Vậy chúng ta phải làm gì để bảo vệ con trẻ, bảo vệ học sinh thưa bà?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Việt Nam đã tham gia công ước về quyền trẻ em từ rất sớm, đến nay cũng đã ban hành Luật Trẻ em. Những quy định của chúng ta về bảo vệ trẻ em, bảo vệ học sinh khá đầy đủ. Nhưng thực tế, việc thực thi và giám sát thực thi vẫn bị coi nhẹ. Ngay cả trong gia đình, khi được biết có những ông bố, bà mẹ đánh, mạt sát, xúc phạm con ruột của mình nhưng chính họ cũng không biết là đang vi phạm pháp luật. Rất nhiều người còn thờ ơ, còn mang nặng văn hóa “thương cho roi cho vọt”…

Trong hiểu biết và kinh nghiệm của mình, tôi thấy rằng chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giúp cho mọi người hiểu đúng về quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với trẻ em.

Đặc biệt, cần có niềm tin về giáo dục giá trị tích cực, tin rằng, mỗi đứa trẻ đều có quyền và có khả năng làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn trong tương lai. Tôn trọng các em, giúp các em có cơ hội phát triển tốt nhất; đấu tranh với những sai trái là trách nhiệm của mọi người.

PV: Mới đây, sự việc hàng trăm học sinh tại Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn do ăn phải nguồn thực phẩm không đảm bảo đã khiến hàng triệu phụ huynh trên cả nước cảm thấy bất an với bữa ăn học đường. Bà nghĩ sao khi có nhiều ý kiến cho rằng, bữa ăn bán trú trong trường học cần có sự giám sát của xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh, nhất là trong bối cảnh hiện nay bếp ăn trường học vẫn là “pháo đài” riêng, phụ huynh rất khó để tiếp cận?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Theo những quy định hiện nay, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm (Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010 và các nghị định liên quan) chịu sự giám sát rất nghiêm ngặt. Nếu chúng ta thực thi đúng những quy định thì chắc chắn không thể xảy ra sự việc đau lòng như vậy.

Tôi được biết, để đảm bảo bữa ăn học đường, các nhà trường và chính quyền địa phương cần tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ, chẳng hạn: Việc đấu thầu, việc ban hành các tiêu chuẩn về nguồn gốc thực phẩm, về quy trình chế biến, về điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh… Ban giám sát cũng có sự tham gia của Hội phụ huynh. Ban giám sát được tham gia bất kì giai đoạn nào, và không cần báo trước. Chính vì vậy, không thể có chuyện bếp ăn trường học vẫn là “pháo đài” riêng.

Tuy nhiên, hiện nay, ở một số nơi, một số nhà trường (cả công ty, xí nghiệp) vẫn còn hiện trạng buông lỏng quản lí, không thực hiện đúng quy định, không giám sát, thờ ơ...  Đối với mỗi gia đình, mỗi cơ sở giáo dục, chúng ta cần chủ động thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Đấy là quyền lợi của chúng ta, nhất là ở khâu giám sát. Đừng để đến khi xảy ra sự cố, chúng ta mới bắt đầu hoang mang, khi đó, hậu quả là khôn lường.

PV: Theo bà, để trường học trở thành nơi thực sự an toàn, thân thiện để học sinh có thể phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, tất cả các bên liên quan từ phụ huynh, nhà trường, ngành giáo dục và toàn xã hội cần phải làm gì?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Khi đi làm việc với các nhà trường, tôi nhận ra, mỗi nhà trường thật bé nhỏ, dễ bị tổn thương bởi chính sự đơn giản khi chúng ta nghĩ rằng “nhà trường là nơi an toàn nhất, mô phạm”, nhưng thực tế, nhà trường cũng dễ bị xâm hại; an toàn của học sinh, của nhà giáo cũng dễ bị phá vỡ nếu nhà trường không được tăng cường sự tự chủ, tự bảo vệ…

Nhiều nơi, trường học còn khó khăn về cơ sở vật chất, phòng học, phòng vệ sinh chưa được đảm bảo sạch sẽ, an toàn, đủ điều kiện để các con học, để giáo viên dạy. Nhiều nhà quản lí, nhiều giáo viên, phụ huynh… cũng không được trang bị hiểu biết pháp luật, về quyền, về nghĩa vụ của mình. Những điều đó là tác nhân gây ra sự thiếu đồng bộ, và chắc chắn sẽ gây ra những sự cố đáng tiếc trong quá trình vận hành.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, cần được cả xã hội quan tâm. Chúng ta cần quyết liệt hơn khi yêu cầu các địa phương phải đảm bảo điều kiện, cơ sở vật chất, dạy và học; làm tốt sự phối hợp giữa gia đình-nhà trường - xã hội trong việc thực thi, giám sát giáo dục; xử lí thật nghiêm những sai trái làm ảnh hưởng đến sự an toàn của trường học. Khi chúng ta ý thức được rằng, bảo vệ nhà trường là bảo vệ chính mình, chính con em mình, là chuẩn bị cho tương lai thì khi đó chúng ta sẽ có hành động kịp thời vì sự an toàn thân thiện để mỗi học sinh được phát triển.

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.