Hiểu đúng về sán lợn để bớt lo lắng, bi quan

Thứ Bảy, 23/03/2019, 07:23
Trước khi chia sẻ những hình ảnh đồ ăn nhiễm bệnh, xin hãy thận trọng. Đừng vì một phút bị kích động của mình mà làm tổn hại đến rất nhiều người.


Đó là những dòng viết rất thật đang âm thầm được chuyển tới từng cư dân mạng với mong muốn phần nào cảnh tỉnh những người đang bị lo lắng thái quá vì sán lợn. Thực tế, tôi - một người mẹ của hai đứa con nhỏ đã không thể "ngồi yên" trong gần 2 tuần qua khi liên tục các hình ảnh và thông tin về sán lợn lan truyền một cách chóng mặt trên mạng xã hội.

Đa phần những thông tin đó đều đúng khi nêu lên sự việc xảy ra ở Bắc Ninh với hàng trăm học sinh đi xét nghiệm bị dương tính với sán lợn. Nhưng bên cạnh sự thật đó, có những vấn đề đã bị bóp méo khiến nó không được truyền tải đủ bản chất vụ việc tới mọi người. Chẳng hạn như việc sán lợn bị miêu tả là một bệnh kinh hoàng mà không có thuốc chữa, hoặc thông tin về thịt lợn chứa sán được bày bán công khai... 

Những thông tin không chính xác này ngay lập tức gây hoang mang dư luận và khiến các bậc phụ huynh "phát sốt" trước việc con họ ăn thịt lợn. Nhiều trường học ở Hà Nội vì thế cũng cấm hoàn toàn thịt lợn trong khẩu phần ăn của học sinh.

Hành động của các trường, một phần vì lo ngại thông tin về sán lợn, phần khác vì sức ép của phụ huynh. Bản thân tôi cũng chứng kiến các phụ huynh trong lớp học của cậu con lớn ủng hộ việc tẩy chay thịt lợn với lý do không thể tin nguồn đảm bảo thịt lợn được cung cấp cho trường.

Theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, nang sán có trong thịt lợn, là ấu trùng sán đi lạc và đóng đô ở những mô cơ và trưởng thành tạo thành nang sán. Nếu ăn phải thịt lợn nhiễm sán này (gọi là lợn gạo) chưa nấu chín, nang sán (chứa sán trưởng thành) còn sống đi vào dạ dày, chui xuống ruột non cư trú ở đó rồi trưởng thành gây bệnh nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa. Sán lợn không thể chui được vào chỗ khác ở cơ thể như cơ, não... để gây bệnh.

Còn theo Cục Y tế dự phòng, việc mắc sán dây, ấu trùng sán lợn liên quan đến tập quán ăn uống, ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo). Vì thế, khi không may mắc bệnh sán lợn, người bệnh không nên quá lo lắng, vì bệnh được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel, Niclosamide và Albendazole. Người nhiễm sán trưởng thành chỉ cần uống thuốc 1 ngày là khỏi. Với người nhiễm ấu trùng sán thì cần điều trị dài ngày hơn, thường 2 tuần nhưng có thể kéo dài 4 - 5 đợt, mỗi đợt 21 ngày...

Rõ ràng, sán lợn không quá mức nghiêm trọng và có thể tránh được nếu chúng ta có cách đúng trong việc tiêu dùng và sử dụng thực phẩm. Vậy do đâu mà cả nước "dậy sóng" vì sán lợn? Trước hết là bởi nạn nhân đầu tiên của sán lợn được phát hiện lại là những em học sinh nhỏ tuổi ở Bắc Ninh - một thế hệ đang được cả gia đình và xã hội chăm bẵm, quan tâm.

Đi kèm với đó là một số thông tin trên các trang mạng xã hội cùng với những hình ảnh về sán lợn, thịt lợn bẩn... được tung lên với tần suất dày đặc, mô tả quả mức đã khiến dư luận hoang mang. Cho đến nay, các cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính ít nhất 3 người vì thông tin sai sự thật về sán lợn.

Là một người tiêu dùng thông thái - chúng ta nói không với thực phẩm bẩn nhưng không quá cực đoan để bị "dắt lối" bởi những thông tin sai sự thật. Và dù hành động thế nào để bảo vệ gia đình nhỏ của mình, trước hết, xin hãy thận trọng tiếp cận các thông tin theo nhiều chiều hướng khác nhau, đặt chúng lên bàn cân của sự hiểu biết theo khoa học để có những hành động không làm tổn hại đến xã hội và những người nông dân mưa nắng quanh năm với nghề chăn nuôi, trồng trọt.

Huyền Chi
.
.
.