Điểm lại những vụ ám sát chính khách rúng động trong lịch sử

Thứ Sáu, 08/07/2022, 12:26

Họ đều là những chính trị gia nổi tiếng trên thế giới. Họ bước vào con đường chính trường theo những cách khác nhau, nhưng kết thúc sự nghiệp chính trị bởi một lý do giống nhau: Bị ám sát. Những vụ ám sát gây rúng động lịch sử và để lại nhiều uẩn khúc chưa thể giải đáp.

Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln và vụ án trong nhà hát

Điểm lại những vụ ám sát chính khách rúng động trong lịch sử  -0
Bức tranh minh họa khoảnh khắc ông Lincoln bị tấn công. Nguồn: ATI

Cùng với đồng bọn, John Wilkes Booth, một diễn viên nổi tiếng nhưng bất mãn với bộ máy chính quyền Mỹ, đã lên kế hoạch bắt cóc và ám sát 3 nhà lãnh đạo quyền lực nhất là Tổng thống Abraham Lincoln, Phó Tổng thống Andrew Johnson và Ngoại trưởng William H. Seward. 

Sau nhiều lần bắt cóc hụt, nắm được tin Tổng thống Lincoln sẽ tới xem vở hài kịch "Our American Cousin" được tổ chức tại nhà hát Ford (Washington D.C.), Both đã lên kế hoạch tiếp cận vị chính trị gia này.

Đúng như thông tin, tối 14/4/1865, Tổng thống Lincoln cùng Đệ nhất phu nhân Mary Todd và hai vị khách gồm Clara Harris, con gái Thượng nghị sĩ Ira Harris và vị hôn phu - Thống đốc New York Henry Rathbone tới xem vở kịch.

Lợi dụng lúc vở diễn chuyển cảnh, sĩ quan cận vệ rời phòng VIP ra sảnh lớn uống cà phê, kẻ thủ ác đã rút chốt cửa, lẻn vào nấp ngay sau ghế của tổng thống chờ thời cơ. Đúng lúc khán giả rộ lên tiếng vỗ tay, Booth rút khẩu súng Derringer 44 mm, dí sát đầu ông Lincoln nã đạn. 

Vụ việc chỉ được phát hiện khi mọi người trong rạp hát nghe thấy tiếng phu nhân Mary thét lên sợ hãi. Vì vết thương quá nặng nên dù được đưa tới bệnh viện mổ cấp cứu ngay lập tức nhưng ông vẫn không qua khỏi. 7 giờ 22 phút sáng 15/4/1865, Lincoln trút hơi thở cuối cùng. Cái chết bất ngờ của ông khiến cả nước Mỹ bàng hoàng, rúng động.

"Tâm hồn vĩ đại" của Ấn Độ và ba phát súng kinh hoàng

Điểm lại những vụ ám sát chính khách rúng động trong lịch sử  -0
Sự ra đi của Mahatma Gandhi là sự mất mát quá lớn với Ấn Độ và thế giới. Ảnh: The Better India

Mahatma Gandhi là nhà lãnh đạo, vị anh hùng dân tộc vĩ đại của Ấn Độ. Ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 30/1/1948. Các tư liệu kể lại, trước ngày ông ra đi ít hôm, nhóm mưu sát ông đã gặp nhau lần cuối, chúng thề sẽ sát hại Gandhi.

Đến ngày hành động, chúng bí mật đột nhập khu nhà yên tĩnh Birna House của Mahatma, ẩn nấp trong nhiều giờ và chờ đợi để hành động. Lúc ấy khoảng 16h30’, Gandhi ngồi bình thản trao đổi công việc với S.V.Patel, Phó chủ tịch Hội đồng, con gái ông Maniben và thư ký. Sau khi hoàn tất công việc, ông đi ra sân rộng, vừa đùa với hai cháu gái của mình và chuẩn bị cho lễ cầu nguyện buổi tối.

Bất ngờ, có ai đó cất tiếng chào Gandhi, ông quay lại, gạt nhẹ hai cháu ra để chắp tay đáp lễ theo phong tục người Hindu. Đúng lúc đó, một người đàn ông tách khỏi đám đông và sáp đến gần họ.  Cách Gandhi chưa đầy 1m, người đàn ông lạ bắn 3 phát đạn bằng một khẩu súng ngắn nhỏ kiểu châu Âu. Gandhi ngã xuống phía trước, hai bàn tay chắp lại và thì thào lời giã từ cõi trần thế: "Hay, Rama” (Ôi, lạy Thánh!).

Thông tin về vụ ám sát đã gây tác động sâu sắc khắp thế giới. Tổng thống và Thủ tướng nhiều nước đã gửi điện chia buồn đến Ấn Độ. Mọi lời chia buồn, dù là chính trị gia hay dân thường, đều gọi tên ông với những đại từ chung: “một con người vĩ đại giữa bao người”, “một vị thánh” hay “không thể thay thế”.

Kẻ ám sát ông Mahatma Gandhi là Nathuram Godse, 36 tuổi, một kẻ cực đoan theo đạo Hindu. Tên này căm thù ông Mahatma Gandhi vì ông ủng hộ đoàn kết giữa những người Ấn Độ theo đạo Hindu và đạo Hồi. Kẻ này cùng đồng phạm đã bị tử hình 1 năm sau đó. 

Vụ ám sát đầy ám ảnh nhằm vào Tổng thống Mỹ John F. Kennedy 

Điểm lại những vụ ám sát chính khách rúng động trong lịch sử  -0
Giây phút ngay trước khi Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị tấn công. Ảnh: BBC

Tổng thống Kenedy bị bắn vào lúc 12h30 phút ngày 22/11/1963 trên chiếc xe Limousine trong chuyến thị sát thành phố Dallas. Các nhân chứng trong vụ ám sát nói rằng, họ đã nghe thấy những tiếng súng phát ra từ đằng sau một hàng rào gỗ ở Grassy Knoll và từ Trung tâm Lưu trữ sách của Trường Texas (TSBD).

Sau 5 cuộc điều tra của chính phủ Mỹ, Lee Harvey Oswald (sinh năm 1939) đã chính thức bị cáo buộc là tay súng đã ám sát Kennedy. Oswald được xác định dùng súng trường đứng trên tầng 6 tòa nhà Dealey Plaza, nổ súng bắn chết Tổng thống Kennedy, lúc đó đang ngồi trên xe trong chuyến diễu hành, từ khoảng cách gần 1km.

Khi bị bắt, Oswald liên tục tuyên bố y không giết Kennedy. Hai ngày sau, Jack Ruby, một chủ hộp đêm ở thành phố Dallas, bắn chết Oswald ngay tại đồn cảnh sát thành phố. Việc Oswald bị giết bí ẩn cùng những lời khai mập mờ liên quan đến vụ ám sát khiến dư luận Mỹ đến nay vẫn chưa tin Oswald là thủ phạm và cố gắng tìm kiếm thông tin về người đàn ông này.

Cần nói thêm rằng vụ ám sát Tổng thống John Kennedy hiện vẫn được coi là một trong những vụ án bí ẩn nhất trong lịch sử nước Mỹ – với một loạt giả thuyết về sự dính líu của CIA, FBI, mafia tại Texas và giờ đây là mafia từ Chicago – trong đó nguyên nhân chính, vai trò, tên tuổi những kẻ đặt hàng và cả những kẻ thực thi hiện vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn.

Vụ án này được đánh giá là có quá nhiều mâu thuẫn trong bối cảnh có quá ít thông tin mở. Chỉ trong vòng 4 năm sau vụ ám sát, tất cả những nhân chứng chủ yếu đều đã chết trong sự bí ẩn. Mặt khác, phần lớn các tài liệu điều tra trước đó vẫn được lưu giữ nghiêm ngặt tại kho lưu trữ Kennedy (Boston) mà không được phép công bố

Cựu nữ Thủ tướng Ấn Độ bị ám sát bởi người không ngờ tới

Điểm lại những vụ ám sát chính khách rúng động trong lịch sử  -0
Chân dung bà Indira Gandhi và câu nói "Nếu tôi chết ngày hôm nay, từng giọt máu của tôi sẽ tiếp thêm sinh lực cho đất nước" được in trên bìa tạp chí TIME. Ảnh: TIME

Ngày 31/10/1984, cả thế giới chấn động trước tin nữ Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi bị ám sát. Đây là vụ ám sát nhắm vào một chính khách cao cấp nhất trong lịch sử Ấn Độ đương đại, sau vụ ám sát người sáng lập nền Cộng hòa Ấn Độ Mahatma Gandhi (1869-1948) vào năm 1948.

Sự việc xảy ra vào đầu giờ làm việc tại Dinh Thủ tướng ở số 1 đường Safdarjung trung tâm thủ đô New Delhi. Theo lịch hẹn thì bà Gandhi có buổi trả lời phỏng vấn nam diễn viên nổi tiếng Peter Ustinov (1921-2004) đến từ Vương quốc Anh, người đang thực hiện một bộ phim tài liệu về dòng họ Gandhi cho Đài Truyền hình Quốc gia Ireland.

Khi chuẩn bị trang phục tiếp khách bà Gandhi đã lột bỏ áo chống đạn mặc bên trong, bởi bà cho rằng trông mình sẽ mập thêm khi khoác thứ phục sức phòng hộ ấy. Hơn nữa buổi phỏng vấn diễn ra trong khu vực Dinh Thủ tướng, bà tin là sẽ không tồn tại mối đe dọa an ninh như ở chốn công cộng bên ngoài.

Lúc đi bộ đến lối vào phụ có trạm gác do 2 vệ sĩ người Sikh là Satwant Singh 22 tuổi và Beant Singh 35 tuổi, canh giữ, bà đã lịch thiệp gật đầu chào họ; nhưng thay vì đứng nghiêm giơ tay chào đáp lễ theo quy định, 2 kẻ phản nghịch lại rút súng ra nhắm vào nữ Thủ tướng. Beant bắn 3 phát đạn vào người Gandhi khiến bà gục xuống, tiếp đến Satwant lia hết cả băng đạn vào người nạn nhân.

Cuộc đọ súng giữa đội bảo vệ với hai tên phản bội làm Beant Singh thiệt mạng còn tên kia buông vũ khí đầu hàng.

Thủ tướng Gandhi được tức tốc đưa vào Học viện Y khoa Ấn Độ lúc 9 giờ rưỡi sáng, nhưng mọi nỗ lực cấp cứu đều bất thành và bà từ trần lúc 14 giờ 20 phút cùng ngày. 

Kết quả điều tra sau đó cho thấy kẻ chủ mưu là Kehar Singh, chú ruột của Beant đồng thời là một nhân vật cộm cán trong tổ chức quá khích Blue Star (Sao xanh), luôn theo đuổi mục đích đòi ly khai cho công đồng thiểu số người Sikh ở Ấn Độ.

Vụ ám sát Thủ tướng Gandhi được Blue Star rắp tâm thực hiện, hòng trả thù cho việc quân đội Ấn Độ tiến chiếm ngôi Đền Vàng ở thị trấn Amritsar, bang Punjab, tụ điểm tín ngưỡng linh thiêng nhất của người Sikh gần 5 tháng trước khiến 500 tay súng người Sikh tử trận, loại trừ nguy cơ Blue Star dùng Đền Vàng làm nơi chứa vũ khí chuẩn bị cho cuộc nổi dậy chống chính quyền hợp pháp.

Ám sát kinh hoàng nhằm vào cựu Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat

Điểm lại những vụ ám sát chính khách rúng động trong lịch sử  -0
Khoảnh khắc vụ tấn công xảy ra. Ảnh: NBC

Vào ngày 6/10/1981, một cuộc diễu binh chiến thắng đã được tổ chức ở Cairo để kỷ niệm năm thứ 8 sự kiện quân đội Ai Cập vượt qua kênh đào Suez. Khi đó ông Sadat được bảo vệ bởi 4 lớp an ninh và 8 vệ sĩ. Theo các quy trình về sử dụng đạn, lẽ ra cuộc diễu binh này phải an toàn.

Khi các máy bay của không quân Ai Cập bay qua đầu những người xem diễu binh, đám đông bị thu hút chú ý vào đó. Cùng lúc, binh sĩ lục quân và các xe chở lính kéo pháo diễu qua. Một trong các xe tải chở thêm đội ám sát, do trung úy Khalid Islambouli chỉ huy. Khi chiếc xe tải nói trên tiến qua lễ đài, Islambouli gí súng vào người lái xe và ép anh ta phải dừng xe lại.

Các sát thủ nhảy xuống từ chiếc xe đó. Islambouli tiến đến gần Sadat với 3 trái lựu đạn giấu bên dưới mũ sắt. Sadat đứng yên để nhận nghi lễ chào từ người lính này, nghĩ rằng đó là một phần của buổi diễu binh. Sau đó sát thủ Islambouli ném toàn bộ số lựu đạn của mình về phía Sadat, nhưng chỉ một quả nổ (song lại nổ ở vị trí trước mục tiêu).

Có thêm các sát thủ nữa chui ra từ ô tô, nhả đạn AK loạn xạ vào khán đài cho đến khi hết hẳn đạn. Lúc đó chúng bắt đầu bỏ chạy.

Lúc Sadat trúng đạn và gục ngã, mọi người tại đó quăng ghế xung quanh ông để che chắn cho ông trước cơn mưa đạn AK. Vụ tấn công kéo dài trong khoảng 2 phút. Sadat và 10 người khác đã thiệt mạng tại chỗ hoặc tử thương. Sadat được đưa bằng máy bay tới một bệnh viện quân sự. 11 bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho Sadat. Gần 2 tiếng đồng hồ sau khi được đưa tới bệnh viện, ông qua đời.

Vụ ám sát là do các thành viên của tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Ai Cập tiến hành. Islambouli và các sát thủ khác đã bị xét xử, kết tội và tuyên án tử hình.

An Nhiên
.
.
.