Xung quanh việc Trung Quốc xây garage máy bay ở Trường Sa
- Cứu thành công 15 ngư dân bị nạn tại vùng biển Trường Sa
- Điều phương tiện ra khơi cứu hộ tàu đánh cá trôi dạt ở vùng biển Trường Sa
- Tàu cá hỏng máy, thả trôi trên khu vực biển quần đảo Trường Sa
Cụ thể, có ít nhất 24 garage máy bay tại đá Chữ Thập, đủ để chứa máy bay chiến đấu của một trung đoàn không quân. Bên cạnh đó, tại đá Xu Bi, hàng chục garage máy bay cũng đã xuất hiện bên cạnh đường băng Trung Quốc đã xây dựng tại đây.
Các tàu nạo vét của Trung Quốc trong các vùng nước xung quanh Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 21-5-2015. Ảnh: Reuters. |
Về vấn đề này, hồi tháng Tám vừa qua, Tổ chức “Sáng kiến minh bạch hải sự châu Á” thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ (CSIS) từng công bố những bức ảnh vệ tinh chụp Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và bãi Vành Khăn thuộc chủ quyền Việt Nam cho thấy tại những nơi này, Bắc Kinh đang xây dựng nhiều garage máy bay có thể chứa bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào của Không quân Trung Quốc hiện nay.
Cùng với việc này, theo thông tin mới đây từ tờ nguyệt san Diễn đàn quốc phòng Kanwa của Canada và Đài truyền hình Pheonix của Hong Kong (Trung Quốc), Hải quân Trung Quốc đang từng bước thiết lập cái gọi là Vùng nhận dạng hàng hải khu vực và Vùng nhận dạng âm thanh dưới nước ở Biển Đông.
Trong cái gọi là Vùng nhận dạng hàng hải, hệ thống radar của Trung Quốc được bố trí tại các đảo, đá ngầm mà Bắc Kinh cưỡng chiếm phi pháp trên Biển Đông nhằm phát hiện tàu nổi của hải quân các nước như Mỹ, Nhật Bản… cũng như các nước ASEAN. Với cái gọi là Vùng nhận dạng âm thanh dưới nước, Trung Quốc cho lắp đặt hệ thống cảm biến âm thanh dưới đáy biển, quanh các đảo, đá ngầm cùng với hệ thống định vị thủy âm có nhiệm vụ phát hiện tàu ngầm.
Diễn đàn Quốc phòng Kanwa giải thích, khác với Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mang tính lưỡng dụng quân sự-dân sự, Vùng nhận dạng hàng hải và Vùng nhận dạng âm thanh dưới nước chủ yếu phục vụ mục đích quân sự. Theo đó, Hải quân Trung Quốc đã bố trí 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trên một căn cứ ở đảo Hải Nam và những tàu ngầm này cùng các tàu ngầm và tàu nổi khác sẽ tham gia hoạt động tuần tra Vùng nhận diện hàng hải và Vùng nhận diện âm thanh dưới nước ở Biển Đông.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, tại Hội thảo khoa học “Tình hình ở Biển Đông sau phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực (PCA) La Hay (Hà Lan)” do Viện Đông phương học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga tổ chức hôm 7-10 vừa qua tại thủ đô Moskva (Nga), trong bài tham luận có nhan đề: “Phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay - Ý nghĩa và hệ quả”, ông Grigory Lokshin - Tổng Thư ký Viện Hoà bình Vienna, nhà nghiên cứu cao cấp Viện Viễn Đông, Viện hàn lâm Khoa học Nga nhấn mạnh quyết định của PCA cho thấy tuyên bố về (cái gọi là) “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là hoàn toàn không có cơ sở và chính vì vậy mà Trung Quốc không thể đưa ra yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Trong khi đó, ông Dmitry Mosyakov - Tiến sỹ Khoa học lịch sử, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại Dương thuộc Viện Đông phương học, Viện hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, sau phán quyết của PCA, mặc dù Trung Quốc không công nhận nhưng tình hình trong khu vực và ở Biển Đông đã không trở nên phức tạp hơn, mà trái lại, các bên liên quan đến tranh chấp và ngay cả Trung Quốc đã ủng hộ tiến hành các cuộc đàm phán để tìm kiếm sự thoả hiệp.
Cũng liên quan tới phán quyết của PCA, Tiến sĩ Michael John Williams, thuộc Đại học New York, bày tỏ đáng tiếc khi Liên minh châu Âu (EU) không bày tỏ được thái độ ủng hộ phán quyết về Biển Đông ngày 12-7 của PCA, phủ nhận yêu sách của Trung Quốc đòi quyền kiểm soát rộng khắp trên Biển Đông.
Tiến sĩ Williams cho rằng, EU phải khẳng định quyết tâm hậu thuẫn cho luật pháp quốc tế bằng cách hỗ trợ phán quyết của PCA, qua đó cho thấy rằng cuộc đối đầu hiện nay ở Biển Đông không phải là giữa Trung Quốc với Mỹ, mà là giữa Trung Quốc với luật pháp quốc tế. Châu Âu không thể bỏ quên nghĩa vụ quốc tế của mình, trong đó có việc bảo tồn trật tự thế giới dựa trên luật pháp.
Cũng theo vị tiến sĩ này, Hậu thuẫn cho luật pháp quốc tế thông qua các hoạt động tuần tra vì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ chứng tỏ quyết tâm của EU trong việc duy trì một trật tự thế giới dựa trên các nguyên tắc của pháp luật. Điều đó đồng thời là tín hiệu cảnh cáo Trung Quốc, cho biết là Bắc Kinh không thể áp đặt luật lệ theo ý mình.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp thảo luận về đề mục “Pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế” do Ủy ban Pháp lý (Ủy ban 6) của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 71 tổ chức trong hai ngày 5 – 6-10, Việt Nam đã kêu gọi LHQ xây dựng một trật tự theo luật pháp quốc tế.
Việt Nam quan ngại sâu sắc trước các diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan tự kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tôn trọng các quy trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đẩy nhanh việc hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Giới phân tích nhận định cuộc tranh cãi giữa Singapore và Trung Quốc về phán quyết của PCA và quyết định của Seoul cho phép triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc sẽ gây phức tạp lên diễn đàn an ninh khu vực (mang tên Hương Sơn, lần thứ 7, khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh vào ngày 10-10).
Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 7 diễn ra 10 ngày sau khi Hàn Quốc công bố địa điểm mới để triển khai THAAD. Chuyên gia về hàng hải tại Bắc Kinh Li Jie khẳng định: “Vấn đề Biển Đông, và thậm chí biển Hoa Đông, cũng như việc triển khai THAAD sẽ nhất định được thảo luận bởi các nước tham gia”.