“Trái đắng” của cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak

Thứ Bảy, 26/05/2018, 09:42
Ngày 22-5, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã có mặt tại trụ sở Ủy ban chống tham nhũng của Malaysia (MACC) tại Putrajaya để trả lời hàng loạt câu hỏi về các khoản chuyển khoản đáng ngờ trị giá 10,6 triệu USD vào tài khoản ngân hàng mang tên ông. 

Theo nguồn tin từ MACC, sau cuộc thẩm vấn kéo dài 5 tiếng đồng hồ này, các cáo buộc hình sự đối với cựu Thủ tướng có thể đến "rất sớm".

Hãng tin NT News đưa tin, ông Najib Razak được triệu tập sau khi có thông tin về cuộc điều tra của MACC liên quan đến SRC International - một công ty con của Quỹ nhà nước 1 Malaysia Development Berhad (1MDB). Trước khi cuộc thẩm vẫn diễn ra, Giám đốc mới của MACC là Shukri Abdul - người được tân Thủ tướng Mahathir Mohamad bổ nhiệm hôm 17-5 đã có một cuộc họp báo nhỏ và cuộc gặp với ông Najib Razak. 

Tại đây, ông Shukri Abdul đã tiết lộ rằng ông "suýt chết" khi điều tra vụ bê bối của 1MDB và từng bị buộc phải đi lưu vong. 

"Tôi đã bị đe dọa sa thải, yêu cầu nghỉ hưu sớm khi còn là Phó Giám đốc MACC thời ông Najib Razak làm Thủ tướng. Các nhân chứng về vụ việc này cũng bị biến mất một cách khó hiểu còn cán bộ thì bị thanh trừng, đe dọa khi cố gắng buộc tội cựu Thủ tướng. Đó là quãng thời gian thật đáng sợ", Shukri Abdul kể. 

Theo đó, cuộc điều tra nhằm vào ông Najib Razak đã được thực hiện từ 3 năm trước. 

Các thành viên cấp cao của MACC đã rất quyết tâm phanh phui hoạt động mờ ám của 1MDB nhưng tất cả đã bị ngăn cản bởi vụ Tổng chưởng lý bị bãi nhiệm. Shukri Abdul khi đó cũng đã bị bắt, bị giam, bị buộc tội âm mưu lật đổ chính phủ và nhận được một viên đạn gửi tới nhà. 

Cựu Thủ tướng Najib Razak trong vòng vây báo giới khi đến trụ sở MACC để trả lời thẩm vấn. Ảnh: Reuters.

"Tôi không dám trình báo cảnh sát. Khi đi công tác ở Mỹ, tôi phải bố trí người đi theo bảo vệ nhưng vẫn bị các nhân viên an ninh Malaysia theo dõi. Chúng tôi muốn mang lại tiền đã bị đánh cắp về nước nhưng thay vào đó, chúng tôi lại bị buộc tội âm mứu chống chính phủ, bị cáo buộc là kẻ phản bội...", Giám đốc mới của MACC nhớ lại.

Về cuộc triệu tập cựu Thủ tướng lần này, ông Shukri Adbul cũng lý giải rằng, sau khi tái đắc cử Thủ tướng, ông Mahathir Mohamad (92 tuổi) đã cho mở lại cuộc điều tra vào 1MDB đồng thời thành lập một lực lượng đặc nhiệm thu hồi số tiền bị thất thoát. 

Riêng đối với cựu Thủ tướng Najib Razak, chính quyền đã ra lệnh cấm rời khỏi đất nước. Từ ngày 12-5, Bộ Di trú Malaysia cũng đã đưa vợ chồng ông Najib Razak vào "danh sách đen" đúng vào lúc gia đình cựu Thủ tướng dự kiến đáp máy bay riêng tới Jakarta. 

Sau đó, một cuộc khám xét nhà riêng của ông Najib Razak cũng được thực hiện vào đêm 16-5. Đây là 1 trong 5 địa điểm có liên quan đến cựu Thủ tướng này mà cảnh sát đã tiến hành khám xét nhưng không cung cấp thêm bất cứ thông tin nào. 

Hãng Reuters thông tin, khoảng hơn 100 người bao gồm cả cảnh sát, phóng viên và viên chức nhà nước có mặt bên ngoài khu vực tư dinh của ông Najib Razak trong cuộc khám xét kéo dài 6 tiếng đồng hồ. 8 két sắt thuộc về cựu Thủ tướng đã được mở sau khi 2 thợ khóa mất nhiều giờ để khoan chung. 

Tờ The Straits Times cho biết, ngoài số tài liệu quan trọng được giấu trong két, cảnh sát còn thu được 284 túi hàng hiệu và 72 valy chứa tiền mặt, nữ trang, đồng hồ và những vật giá trị khác. Số đồ mà cảnh sát thu được tại 5 địa điểm liên quan đến ông Najib Razak cuối cùng được chất đầy trên 5 xe tải. 

Tờ báo này cũng khẳng định, cựu Thủ tướng đang sở hữu 6 ngôi nhà gồm văn phòng, nhà riêng ở Taman Duta và 4 căn hộ cao cấp khác ở chung cư Pavilion Residences và một số khu vực khác ở thủ đô Kualar Lumpur. 

Phát biểu trước báo giới về vụ việc liên quan đến người tiền nhiệm, tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết, Malaysia đang phải gánh món nợ 1.000 tỷ ringgit (tương đương 251,7 tỷ USD) cho chính quyền cũ gây ra. 

Ông Mahathir Mohamad cáo buộc ông Najib Razak đứng sau việc can thiệp vào ngành tài chính Malaysia và đẩy nước này tới món nợ khổng lồ và đây là con số kỷ lục mà Malaysia chưa bao giờ gặp phải vì tổng nợ cao nhất họ từng phải đối mặt là 300 tỷ ringgit. 

Tân Thủ tướng cũng lý giải vì sao ông cho mở lại cuộc điều tra tham nhũng ở 1MDB và ông Najib Razak vừa là nhân vật tham nhũng trong bê bối này, vừa là người đã cố ý ngăn cản cuộc điều tra.

1MDB là quỹ đầu tư nhà nước với mục đích phát triển kinh tế thông qua các khoản đầu tư chiến lược. Quỹ này được thành lập không lâu sau khi ông Najib Razak trở thành Thủ tướng Malaysia vào năm 2009. 

Trong suốt 7 năm sau đó, ông Najib Razak là Chủ tịch của Ban cố vấn quỹ 1MDB và nắm quyền kiểm soát tất cả các quyết định đầu tư của quỹ này. Rắc rối đầu tiên của 1MDB bị phát hiện và năm 2014 khi công ty phải vật lộn để trả các khoản nợ lên tới hơn 11 tỷ USD.

Các vụ việc của công ty này rất phức tạp, nhưng cụ thể có hai giao dịch gây sốc là: hợp đồng đối tác với một công ty dầu khí nhỏ của Saudi Arabia vốn được 1MDB bơm vào khoảng 1 tỉ USD vào năm 2009 và một giao dịch từ năm 2012, trong đó IPIC, một quỹ nhà nước của Abu Dhabi, đã đồng ý làm người bảo lãnh cho 1MDB nhưng các ngân khoản đến hạn theo thỏa thuận đó được cho là đã không được trả cho công ty con của IPIC, mà cho một công ty không liên quan có trụ sở tại Quần đảo British Virgin. Khi các điều tra viên tại Thụy Sĩ vào cuộc, họ phát hiện khoảng 4 tỉ USD có thể đã bị chiếm dụng từ 1MDB. 

Năm 2015, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cáo buộc ít nhất 4,5 tỷ USD đã bị lấy khỏi quỹ 1MBD và chuyển đến Mỹ, nơi chúng được sử dụng để mua mọi thứ từ các tác phẩm nghệ thuật đến bất động sản cao cấp và cả một chiếc du thuyền xa hoa. Ông Najib Razak và 1MDB đã bác bỏ mọi cáo buộc nói trên. 

Thời điểm đó, cựu Thủ tướng còn được tuyên vô tội trong cuộc điều tra trong nước cho dù các nhà điều tra đã lân theo được dấu vết của số tiền gần 700 triệu USD được chuyển vào các tài khoản cá nhân được cho là thuộc sở hữu của ông Najib Razak... 

Sau những chuyện này, người dân Malaysia đã biểu tình kêu gọi Thủ tướng từ chức nhưng ông Najib Razak vẫn bám chặt vào vị trí của mình, sử dụng ảnh hưởng rộng lớn trong UMNO (Tổ chức Dân tộc Malay Thống nhất) để tiếp tục tham gia tranh cử với tham vọng trở thành Thủ tướng nhiệm kỳ 3. 

Tuy nhiên, lần này ông đã không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cử tri Malaysia và thất bại trước cựu Thủ tướng đồng thời là đối thủ Mahathir Mohamad. 

Gia Nam
.
.
.