Thượng đỉnh Nga - châu Phi: "Cú xoay trục" ngoạn mục của Tổng thống Putin?

Thứ Sáu, 25/10/2019, 07:09
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi được tổ chức với quy mô "chưa từng có" ở thành phố biển Sochi cho thấy tham vọng không thể xem nhẹ của Moscow dưới thời Putin trong nỗ lực khôi phục vị thế ở "lục địa đen", vốn đã bị bỏ bê vào tay Trung Quốc và các cường quốc phương Tây sau khi Liên Xô sụp đổ.


Nga-châu Phi mở chương hợp tác mới

Trong hai ngày liên tục từ 23 đến 24-10, tại thành phố biển Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi (AL), đã chủ trì hội nghị thưởng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ nhất. Thông tấn Nga TASS cho biết, lãnh đạo của toàn bộ 54 nước châu Phi được mời dự diễn đàn và có 43 nhà lãnh đạo tới từ các nền kinh tế lớn nhất khu vực đã có mặt bên cạnh đại diện nhiều tổ chức lớn ở châu lục.

Tổng thống Nga Putin bên các lãnh đạo châu Phi dự hội nghị ở Sochi. Ảnh: Getty

Theo Reuters, đây là lần đầu tiên một hội nghị có quy mô như vậy được tổ chức, tập trung vào ba chủ đề chính là phát triển quan hệ kinh tế, từng bước thiết lập các dự án chung và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nhân đạo.

Phát biểu tại sự kiện, Tổng thống Putin khẳng định các nước châu Phi càng ngày càng thu hút sự chú ý của giới doanh nghiệp Nga khi khu vực này đang trở thành một trung tâm tăng trưởng kinh tế thế giới. Kể từ đầu thế kỷ, châu Phi cận Sahara là khu vực phát triển nhanh thứ hai trên thế giới, chỉ sau Đông Á và Đông Nam Á.

Moscow đang thực hiện hợp đồng cung cấp vũ khí tới 28 nước châu Phi. Thoạt nhìn, vũ khí có vẻ như là mặt hàng duy nhất mà Nga đang xuất khẩu sang lục địa đen. Tuy nhiên, Tổng thống Putin tiết lộ, hiện các sản phẩm nông nghiệp mà Nga xuất khẩu tới các nước, vốn hay bị coi là thuộc "thế giới thứ ba", đã vượt qua súng đạn.

"Kim ngạch xuất khẩu vũ khí đạt 15 tỷ USD trong khi các sản phẩm nông nghiệp đã cán cột mốc 25 tỷ USD", ông Putin thông báo. "Chúng ta có thứ để thảo luận và điều đó sẽ cho phép chúng ta trông đợi sự tăng trưởng trong hợp tác kinh tế...Chúng tôi muốn gấp đôi con số này trong 4 đến 5 năm nữa".

Vũ khí không còn là mặt hàng Nga có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang châu Phi. Ảnh: ITN

Tăng trưởng nhanh ở châu Phi rõ ràng tạo ra nhu cầu về hàng hóa đầu tư. Trước bối cảnh Nga đang bị phương Tây cấm vận gắt gao, các doanh nghiệp Nga nay có thể thâm nhập thị trường châu Phi bằng các sản phẩm nông nghiệp, công nghệ vũ trụ, xe tải, máy bay và các phương công, nông nghiệp mà nước này có ưu thế.

Thêm vào đó, châu Phi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Đặc biệt, nhiều nước có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn như Angola, Libya và Chad, song lại không có công nghệ khai khoáng. Đây là cơ hội lớn để hai bên hợp tác khai thác loại khoáng sản này.

Thực tế cho thấy, tại diễn đàn doanh nghiệp quy mô lớn được tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh lần này, các ông lớn dầu khí của Nga như Gazprom, LukOil, Posneft… đều góp mặt để tìm kiếm hợp đồng. Một số doanh nghiệp Nga thậm chí tỏ ý sẵn sàng tham gia các dự án xây dựng đường bộ và đường sắt xuyên châu Phi.

Những năm gần đây, quan hệ Nga - châu Phi đã bắt đầu chứng kiến những thay đổi theo hướng tích cực khi hai bên thường xuyên thông báo về các cuộc đối thoại chính trị liên quan các vấn đề quốc tế quan trọng, trong đó có vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu, phát triển hợp tác nghị viện, đặc biệt là hợp quân sự.

Tổng thống Putin gặp mặt Thủ tướng Abiy Ahmed của Ethiopia ở Sochi. Ảnh: RT

Tuy nhiên, một hội nghị thượng đỉnh với những ưu tiên cụ thể về kinh tế dường như cho thấy trọng tâm ngoại giao của Moscow dưới thời Tổng thống Putin đối với khu vực này đã thay đổi. Để một lần nữa chứng minh thành ý, ông Putin tuyên bố Nga đã xóa nợ với số tiền tổng cộng lên tới hơn 20 tỷ USD cho các nước ở lục địa đen. "Chúng tôi cung cấp các ưu đãi thương mại, hợp tác trong khuôn khổ các cấu trúc quốc tế. Nga cũng giảm nợ cho các nước châu Phi với tổng số nợ được xóa đã đạt hơn 20 tỷ USD", ông chủ Điện Kremlin tuyên bố.

Đi sau nhưng có thể về trước

Trong khi Tổng thống Nga và hơn 40 lãnh đạo châu Phi đang thảo luận ở Sochi thì hai máy bay có khả năng ném bom hạt nhân "Thiên nga trắng" Tu-160 đã thực hiện chuyến bay chưa từng có từ một căn cứ trong lãnh thổ Nga đến căn cứ không quân Waterkloof ở Nam Phi. Hai chiếc oanh tạc cơ phải mất khoảng 13 giờ đồng hồ để thực hiện hành trình hơn 11.000 km. Các phi công đã tiếp nhiên liệu trên bầu trời giữa hành trình.

Máy bay Tu-160 của Nga trên sân bay Nam Phi. Ảnh: YT

Bộ Quốc phòng Nga cho biết chúng sẽ tham gia tập trận cùng Nam Phi. Trong khi đó, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Phi nhận định với TASS rằng sự kiện này "rất quan trọng" đối với cả châu Phi.

Giới quan sát bình luận, Nga không ngẫu nhiên lựa chọn lúc này để triển khai những chiếc máy bay, vốn được xem là minh chứng sống của "sức mạnh Nga", tới Nam Phi. Chúng rõ ràng cho thấy Moscow đã sẵn sàng "sải cánh" tới châu Phi như một "người chơi mới", một thế lực sẵn sàng cạnh tranh vị thế ở khu vực không chỉ trong kinh tế.

Quan hệ giữa người Nga với châu Phi xuất phát từ những mối liên hệ chặt chẽ dưới thời Liên Xô. Vào những năm 1950-1960, Moscow chính là bên toả bóng sức mạnh và ảnh hưởng để Liên hợp quốc công nhận chủ quyền của các nước châu Phi, mở ra nền tảng pháp lý quốc tế căn bản để họ tự đứng dậy đấu tranh giành lại độc lập từ tay đế quốc thực dân.

Thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô giúp các nước châu Phi vừa bảo vệ chủ quyền, vừa xây dựng không dưới 300 doanh nghiệp công nghiệp, 155 cơ sở nông nghiệp, khoảng 100 cơ sở giáo dục và đào tạo hàng chục ngàn kỹ sư trình độ cao. Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga non trẻ và khó khăn đã không thể duy trì nhịp hợp tác với các nước châu Phi.

Các dự án của Trung Quốc ở châu Phi gặp hoài nghi về tính hiệu quả. Ảnh minh hoạ: Bloomberg

Khác với Nga, Trung Quốc, Mỹ và một số cường quốc châu Âu những thập niên qua đều cho thấy tham vọng mở rộng ảnh huổng ở châu Phi. Bắc Kinh được cho là bên đầu tư sớm nhất vào châu lục đen từ cách đây 30 năm, song với quy mô nhỏ lẻ.

Năm 2013, khi sáng kiến "Vành đai con đường" khởi xướng, Trung Quốc coi châu Phi là khu vực then chốt cạnh Nam Á và đầu tư hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực thông qua những khoản cho vay nhiều tỷ USD. Trong giai đoạn 2005–2018, đầu tư và hợp đồng xây dựng của Trung Quốc vào khu vực Hạ Sahara đã lên tới 300 tỷ USD. Hàng hóa Trung Quốc dần tràn ngập thị trường địa phương. Tổng kim ngạch thương mại có năm đạt 200 tỷ USD.  

Tuy vậy, từ năm 2017, các quốc gia châu Phi đã thận trọng hơn trong chấp thuận các khoản vay từ Trung Quốc khi không ít nước lao đao vì bị ngừng cấp vốn vay, hoặc các dự án tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc nhưng vẫn không được hoàn thành.

Về phần Mỹ, cuối tháng 12-2018, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã công bố chính sách mang tên "châu Phi thịnh vượng". Theo đó, Washington một mặt cam kết bảo vệ sự độc lập của khu vực này, mặt khác cam kết tạo điều kiện hết mức cho doanh nghiệp hai bên làm ăn. Hứa hẹn là vậy, song tương lai của chính sách này đang bị bỏ ngỏ sau sự ra đi của ông Bolton và ưu tiên nguồn lực ngày một lớn cho chủ trương "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump.

Sự ra đi của ông Bolton khiến chính sách của Mỹ trở nên mông lung. Ảnh: ITN

Một vấn đề đáng chú ý khác là, dù có vị trị địa chính trị cùng nhiều tiềm năng nhưng các nước châu Phi thường xuyên đối mặt bất ổn chính trị, xung đột tôn giáo và sắc tộc. Mỹ và phương Tây những năm gần đây cho thấy chính sách can thiệp trực tiếp vào tình hình các nước khắp thế giới phần lớn không mang lại hiệu quả, ví dụ điển hình là Libya.

Trong bối cảnh đó, với ưu thế về mặt tình cảm từ thời Liên Xô cộng với tiềm lực quân sự sẵn có và chính sách đối ngoại không can thiệp thô bạo của Tổng thống Nga Putin, Moscow có cơ sở để tin rằng "cú xoay trục" lần này dù có muộn nhưng sẽ vẫn đạt được mục đích.

Trên thực tế, chính sách tiếp cận trên nguyên tắc thân thiện gắn với lợi ích chính trị và kinh tế chung đã giúp Nga gặt hái nhiều thành công ở khu vực Trung Đông lân cận. Các cường quốc ở khu vực như Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang tỏ ra nghiêng về phía Nga. Moscow hiện cũng chứng minh mình là thế lực duy nhất có thể đối thoại với tất cả các bên đối đầu ở khu vực, từ Israel, Palestine, Iran, Syria đến các nước Arab vùng Vịnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: ITN

Trả lời phỏng vấn TASS trước thềm hội nghị lần này, ông Putin đích thân cam kết Nga sẽ cạnh tranh văn minh, hợp pháp trong hợp tác với châu Phi, thay vì "sử dụng áp lực, hăm dọa, tống tiền các chính phủ... nhằm tìm cách lấy lại ảnh hưởng đã mất, thống trị các thuộc địa cũ dưới vỏ bọc mới, qua đó thu lợi nhuận tối đa và bóc lột châu Phi". "Tôn chỉ của Moscow là các vấn đề châu Phi phải do châu Phi giải quyết", ông Putin nói.

Thiện Minh
.
.
.