Sự cố trên Eo biển Kerch dưới lăng kính chuyên gia

Chủ Nhật, 09/12/2018, 10:19
Vụ đụng độ ở Eo biển Kerch gần Bán đảo Crimea hôm 25-11 vừa qua được đánh giá là sẽ khiến mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Nga và Ukraine tiếp tục chìm sâu vào hố sâu căng thẳng.

Không những thế, theo giới chuyên gia, mục đích sau cùng của tác giả vụ việc là khiến mối quan hệ Nga – Mỹ không thể tốt lên.

Tách Tổng thống Mỹ khỏi các mối liên hệ với người đồng cấp Nga

Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu địa chính trị Eurocontinent Pierre-Emmanuel Thomann cho rằng vụ việc ở Eo biển Kerch không phải là xung đột địa phương mà đây là vấn đề địa chính trị thế giới, bắt nguồn từ sự cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Nga. 

Ông nói: “Thực tế, các nước Liên minh châu Âu (EU) đang bảo vệ Ukraine cũng đồng thời là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”. Theo ông Thomann, chiến lược địa chính trị của Mỹ là “cắt đứt con đường của Nga từ Biển Đen đến biển Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Đó là lý do tại sao Nga cực kỳ nhạy cảm với việc duy trì an ninh ở Biển Đen, trong khi Ukraine đi theo chiến lược đối đầu với Nga và là quốc gia đóng vai trò ngăn cản Nga tiếp cận Địa Trung Hải. 

Trong khi đó, nhà khoa học chính trị, Phó Giám đốc Viện Phát triển Tư tưởng Quốc gia Hiện đại (Nga) Igor Shatrov nói: “Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những mục tiêu của các hành động khiêu khích ở eo biển Kerch là nhằm phá vỡ cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump (bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 - PV). Mục tiêu này có thể đạt được. 

Ai đó đang tìm cách tách ông Donald Trump ra khỏi các mối liên hệ với ông Vladimir Putin. Điều này được thể hiện rõ trong suốt thời gian qua. Họ làm như vậy vì thấy người đứng đầu Nhà Trắng đang cố gắng thể hiện sự độc lập của ông ấy và họ lo sợ Tổng thống Mỹ có thể không nghe lời khuyên của các trợ lý. Trên thực tế, ông Donald Trump thường xuyên không nghe lời khuyên của các trợ lý và muốn nâng mối quan hệ với Nga lên một cấp độ khác”.

Ngay sau sự cố vừa xảy ra giữa Hải quân Nga và Ukraine chỉ 3 ngày, Moscow tuyên bố sẽ điều thêm nhiều hệ thống tên lửa đất đối không tân tiến S-400 tới Bán đảo Crimea. 

Việc triển khai tên lửa này có thể đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng thời điểm thông báo nói trên dường như nhằm gửi một thông điệp tới Ukraine và phương Tây rằng, Nga rất cương quyết bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của mình. Về phía Ukraine, với lý do “đất nước đang đứng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện với Nga”, Tổng thống Petro Poroshenko tuyên bố thiết quân luật trong vòng 30 ngày. 

Quyết định của ông được Quốc hội Ukraine ủng hộ và có hiệu lực đối với 10 khu vực biên giới của Ukraine. Bình luận về động thái này, Giám đốc, giáo sư của Viện Khoa học Xã hội và Quan hệ Quốc tế thuộc Trường Đại học Quốc gia Sevastopol Chikharev cho rằng, Tổng thống Ukraine đang theo đuổi chính sách chia rẽ đất nước bằng việc áp đặt thiết quân luật. 

Ông nói: “Trước hết, cần lưu ý rằng việc thiết quân luật tại một số khu vực sẽ gây ra sự chia rẽ nghiêm trọng hơn nữa ở Ukraine và điều này thậm chí còn gây ra nguy cơ đánh mất sự thống nhất đất nước”. 

Chuyên gia này tin rằng, trong tháng này, nước Nga có thể sẽ phải đối mặt với những hành động khiêu khích tiếp theo của chính quyền Ukraine ở trên biển và trên đất liền - đó là logic của một cuộc chiến tranh.

Eo biển Kerch thông giữa biển Đen và biển Azov, nằm giữa một bên là đại lục Nga, một bên là Bán đảo Crimea.

Cuộc tranh giành dai dẳng

Bị chặn bởi đại lục Nga ở phía Đông và Bán đảo Crimea ở phía Tây, Eo biển Kerch là cửa ngõ đường biển duy nhất thông giữa biển Azov và biển Đen. Hoạt động lưu thông qua eo biển này có ý nghĩa sống còn với các thành phố cảng lớn vốn nằm bên bờ biển Azov, như Rostov-on-Don của Nga hay Mariupol của Ukraine. 

Chính vì thế, không ngạc nhiên khi biết rằng Ukraine và Nga đã xung đột xung quanh eo biển này từ rất lâu trước năm 2014, thời điểm Crimea được sáp nhập trở lại Nga và bùng phát cuộc khủng hoảng ly khai ở Donbass, miền Đông Ukraine. 

Và cuộc đụng độ hôm 25-11 vừa qua là một trong những vụ việc căng thẳng nhất trong mối quan hệ qua Eo biển Kerch giữa Nga và Ukraine, cho thấy mối nguy cơ ngày càng tăng của leo thang quân sự giữa hai quốc gia thuộc Liên Xô trước đây.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Eo biển Kerch trở thành một điểm nóng tranh chấp pháp lý và chính trị giữa Nga và "người anh em" cũ Ukraine. Kiev đã đơn phương thiết lập một đường ranh giới tại eo biển này vào năm 1999 và thực thi nhiều động thái nhằm tuyên bố một số khu vực thuộc biển Azov là vùng nội thủy. 

Nga đối phó lại bằng cách xây dựng một con đập từ đất liền nối với đảo Tuzla nằm giữa eo Kerch mà Ukraine tuyên bố sở hữu. Sự việc này, tới tận ngày nay, vẫn được các lãnh đạo Ukraine coi là “bằng chứng từ ban đầu” về hành vi “gây hấn” của Moscow. 

Những nỗ lực liên tiếp của Nga nhằm kiểm soát Eo biển Kerch bị phía Ukraine phản kháng và hai nước từng suýt nữa rơi vào xung đột quân sự nhiều năm trước sự kiện Crimea 2014.

Sau khi Crimea được sáp nhập trở lại Nga năm 2014, Moscow đã xúc tiến ngay hoạt động xây dựng một cây cầu ngang qua Eo biển Kerch, nối Bán đảo Crimea với đại lục Nga. 

Trong một nỗ lực ngăn cản xây dựng cầu Kerch và đảm bảo quyền qua lại eo biển cho tàu thuyền, Ukraine đã đơn phương kiện Nga ra tòa án ở La Haye (Hà Lan) với cáo buộc Moscow vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. 

Nga kịch liệt phản đối hành động của Kiev. Truyền thông nhà nước Nga cũng tuyên truyền mạnh mẽ cho dự án cầu Kerch sắp hoàn thành, được trông đợi sẽ trở thành điểm tựa cho một sự biến chuyển “thần kỳ” kinh tế ở Crimea.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng ở Donbass, mà Ukraine cáo buộc Nga hậu thuẫn cho các lực lượng đòi độc lập, vẫn chưa đi đến hồi kết. Thỏa thuận Minsk do Đức, Pháp, Nga, Ukraine ký kết chỉ làm giảm bớt tiếng súng ở Donbass, trong khi cuộc nổi dậy tại đây vẫn là một cái gai trong mắt Kiev. 

Cùng thời điểm đó, Tổng thống Vladimir Putin đã thông qua quyết định điều máy bay ném bom và tên lửa chiến thuật Iskander tới Crimea. Đáp lại, Ukraine cũng tăng cường đầu tư cho lực lượng quân sự, cải thiện quyền kiểm soát trên mặt đất. 

Các bệ phóng rocket Javelin chống tăng do Mỹ cung cấp chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực này. Những năm gần đây, Nga và Ukraine liên tục tăng cường quân sự tới vùng biển Azov, nơi giới quan sát cho rằng có thể là chiến trường mới của xung đột giữa hai nước.

Tuy nhiên, dư luận chung cho rằng, dù Nga và Ukraine đều “cứng giọng” với nhau, nhưng khó có khả năng bùng phát chiến tranh. Trong bài viết mang tựa đề “Thị trấn Tarman không tin chiến tranh sẽ nổ ra với Kiev”, phóng viên báo Le Figaro cho biết đã đến thị trấn nhỏ bé này của nước Nga, bên bờ biển Azov để tìm hiểu xem người dân ở đó nghĩ gì về sự cố vừa xảy ra giữa Hải quân Nga và Ukraine. 

Câu trả lời của người dân tại đây rất rõ ràng: Không thể có chiến tranh vì người Ukraine thừa biết họ không có phương tiện hải quân để đối phó với hạm đội Nga. Ngư dân tại Tarman không ngần ngại đổ lỗi cho chính quyền Kiev là bên gây sự.

Minh Bảo (tổng hợp)
.
.
.