“Răng Gãy” đại náo Macau như thế nào?

Thứ Ba, 17/01/2017, 13:36
Macau chính là sòng bạc lớn nhất châu Á, nhưng cũng là một mối lo của chính quyền Trung Quốc, khi kỹ nghệ cờ bạc ở Macau bùng nổ 10 năm qua, thu hút du khách Trung Quốc tìm đến đổ tiền.


Macau là xứ thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha, đã được trả cho Trung Quốc  năm 1999, có hệ thống tài chính và đồng tiền riêng. Do chính quyền Đặc khu hành chính Macau nới lỏng nhiều hạn chế, làn sóng du khách từ đại lục đổ bộ giúp tăng trưởng kinh tế mạnh, tạo ra hàng chục ngàn việc làm lương cao ở Macau.

Ở thành phố đã hoạt động cờ bạc từ hơn 150 năm này, trên vệ đường vứt đầy ảnh gái mai dâm và số điện thoại chào mời khách mua dâm. Bên cạnh đó, “xã hội đen” kiểm soát các phòng VIP để “bòn” những tay chơi “máu me” sẵn sàng chi mỗi ván bài 1 triệu Nhân dân tệ (NDT, tiền Trung Quốc).

Tội phạm chủ yếu sử dụng ma túy, nhập cư trái phép và làm giả giấy tờ. Các nhà hàng quán bar đều cố mời ca sĩ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc qua biểu diễn phục vụ du khách Trung Quốc.

“Răng Gãy” là ai?

Và chẳng thiếu những vụ bạo lực, đánh nhau bằng búa và giết người của những băng đảng giang hồ, làm nhắc nhớ thời tội phạm lộng hành dùng bom và súng để tấn công giữa ban ngày ban mặt.

Vào năm 2012 đã có ít nhất 3 vụ án mạng. Tháng 7 năm đó, khi các tay cờ bạc Trung Quốc đổ tiền dưới sàn sòng bạc, 2 người ở tỉnh Giang Tô bị đâm chết ở lầu 8 khách sạn hạng sang Grand Lapa vì mắc nợ tiền và đang nhờ bạn “cứu”. Cảnh sát tin đó là một vụ giết người có nghề.

Cùng thời điểm đó, Ng Man-sun đang ngồi trong nhà hàng cùng với bạn gái thì bất ngờ bị 6 người phang búa vào người để cảnh cáo. Kẻ bị giết chính là kình địch của trùm giang hồ Wan Kuok-koi biệt danh “Răng Gãy”. Tháng 12-2012, “Răng Gãy” mãn án 14 năm tù vì tội cờ bạc bất hợp pháp, sau khi bị bắt năm 1998.

“Răng Gãy” từng được xem là ông trùm quyền lực nhất của Hội Tam hoàng, khi băng Tam hoàng 14K của y có thời điểm lên đến trên 200.000 người, đông nhất trong các hội Tam hoàng trên thế giới vào thời điểm đó. Dù ngồi tù nhưng “Răng Gãy” vẫn được xem là một nhân vật có ảnh hưởng lớn tại Macau, khi băng 14K vẫn hoạt động.

“Răng Gãy” sinh năm 1955 trong một khu ổ chuột ở Macau, bỏ học từ rất sớm và kiếm sống bằng  nghề phụ việc cho các nhà hàng. Khả năng tổ chức của y bộc lộ sớm khi đã biết tập hợp và liên kết những đứa trẻ phụ việc khác trong nhà hàng để giúp đỡ và bênh vực lẫn nhau, không để các ông chủ lợi dụng bóc lột.

Răng Gãy bị bắt vào năm 1998. 

Sau năm 1949, các tổ chức tội phạm quy mô lớn - điển hình là các băng Tam hoàng - bị coi là hiểm họa của chính quyền Trung Quốc và bị truy lùng gắt gao. Hầu hết các băng đảng này đều chọn cách rời đại lục để đến Đài Loan, Hồng Kông và Macau. Ước tính, có khoảng 200.000 thành viên Tam hoàng đã rời đại lục kể từ năm 1949. Các băng đảng sớm kiểm soát những khu vực thiếu sự kiểm soát của các chính quyền như Hồng Kông hay Macau.

 “Răng Gãy” cũng nhanh chóng bị hút vào vòng xoáy này, khi cùng với 6 “chiến hữu” cùng trang lứa thành lập băng đảng riêng với cái tên “7 thiếu niên” và nhanh chóng tạo được sự chú ý.

Trong mắt các ông trùm xã hội đen Macau khi ấy, “Răng Gãy” nổi lên như một kẻ biết tuân thủ mệnh lệnh, liều lĩnh và hung bạo nhưng cũng tỏ ra khôn khéo và tham vọng. Năm 25 tuổi, “Răng Gãy” đã được gia nhập vào băng Tứ Cửu (49), một bộ phận của băng Tam hoàng nổi tiếng 14K.

Trong vai trò mới, “Răng Gãy” bắt đầu tham gia vào các trận chiến quy mô lớn với các băng Tam hoàng khác để bảo vệ lãnh địa của mình, nhanh chóng giành được vị thế cao trong băng.

Có được vị thế này cũng đồng nghĩa với việc “Răng Gãy” trở thành mục tiêu bị ám sát của ngày càng nhiều kẻ thù hơn. Và trong một lần bị phục kích, “Răng Gãy” đã mất vài ngón tay do bị tấn công.

Với việc mở rộng phạm vi kinh doanh chủ chốt của băng là cho vay nặng lãi, “Răng Gãy” đã khiến cho vị thế của băng Tứ Cửu ngày càng lên cao. Hắn được coi là một trong những thủ lĩnh nhiều quyền lực nhất trong băng 14K. Và từ đây, “Răng Gãy” bắt đầu sử dụng ảnh hưởng để mở rộng kinh doanh với việc bảo kê hàng loạt các khách sạn, quán bar và nhà hàng.

Cuộc đời “Răng Gãy”... lên phim

Nhưng sự thăng tiến mạnh nhất giúp “Răng Gãy” trở thành ông trùm quyền lực của 14K khi đó, đã được xem là một trong các băng Tam hoàng có quyền lực lớn nhất trên thế giới, chỉ diễn ra với sự có mặt của một nhân vật mới là Ng Wai, thủ lĩnh của băng 14K tại Philippines với một mạng lưới sòng bạc rộng khắp trên toàn bộ vùng Viễn Đông.

Ng Wai quyết định chuyển các hoạt động sòng bạc của mình đến Macau và nhanh chóng nhận ra khả năng của “Răng Gãy”, quyết định đề nghị một sự hợp tác.

Sự kết hợp của Ng Wai và “Răng Gãy” đã trở thành một thách thức thực sự đối với những ông trùm đang nắm giữ các sòng bạc ở Macau thời điểm đó. Ng Wai có tiền, còn “Răng Gãy” có quyền lực nên nhanh chóng phát triển và tăng cường thế lực cho băng Tứ Cửu, phục vụ cho việc thách thức các ông trùm đang nắm quyền.

Mo Ding-ping, ông trùm đang nắm các sòng bạc sinh lợi nhất ở Macau nhanh chóng rời bỏ vị trí để giữ mạng. “Răng Gãy nghiễm nhiên trở thành ông chủ cao nhất của băng 14K, và là một trong những nhân vật quyền lực nhất trong giới xã hội đen của các hội Tam hoàng trên toàn cầu.

Sự thăng tiến quá nhanh này của “Răng Gãy” đã gây ấn tượng mạnh với không chỉ người dân Macau mà còn lan sang cả Hồng Kông, đến mức đã có cả một đài truyền hình Hồng Kông làm hẳn một bộ phim tái hiện cuộc đời của “Răng Gãy”.

Từ hào nhoáng đến tù tội

Ở Macau, “Răng Gãy”  gần như trở thành một ông vua thực sự, khi thường xuyên "vi hành" với cả đoàn dài xe hơi sang trọng hộ tống. Và từ đây trở thành điểm khởi đầu cho mọi rắc rối và tù tội.

Kiêu ngạo, “Răng Gãy” thách thức NgWai, đối tác cũ đã đưa mình lên ngôi cao và  tỏ ra khinh thường các băng Tam hoàng khác tại Macau và Hồng Kông.  Một cuộc chiến lớn đã nổ ra giữa 14K và một băng Tam hoàng khác là Thủy Phong.

Các cuộc đọ súng quy mô lớn liên tục diễn ra trên đường phố Macau, đến mức buộc chính quyền thuộc địa Bồ Đào Nha phải cảnh báo công dân các nước phương Tây nên ngừng việc du lịch đến vùng lãnh thổ này do bạo lực lan tràn.

Mọi việc bắt đầu xoay theo chiều hướng xấu, khi một sĩ quan người Bồ Đào Nha, là Tổng thanh tra của Chính phủ ở Macau, bị bắn nhiều phát trên đường phố giữa ban ngày. Sự việc nghiêm trọng này đã làm thay đổi hoàn toàn thái độ thờ ơ trước đó của chính quyền Bồ Đào Nha, vì nước này đang tìm cách trao trả Macau cho Trung Quốc càng nhanh càng tốt.

Đánh hơi được tính nghiêm trọng của sự việc và nguy hiểm gần kề, trùm băng Thủy Phong chuồn khỏi Macau và trốn sang Canada.  Nhận thấy băng đảng đối thủ như rắn mất đầu, “Răng Gãy” bắt đầu huy động lực lượng quy mô để đàn áp đối thủ. Chiến thắng trước Thủy Phong càng khiến “Răng Gãy” kiêu ngạo hơn và dần mất kiểm soát. Một đàn em của “Răng Gãy” sau đó đã xả súng vào một doanh nhân Hồng Kông, một thanh tra cảnh sát và một y tá.

Với việc phá vỡ nguyên tắc cơ bản của giới xã hội đen là không tấn công dân thường, 14K trở thành đối tượng để Cảnh sát Bồ Đào Nha ở Macau lên kế hoạch tiêu diệt. Chiến dịch truy lùng của thanh tra Antonio Marques Baptista đã bắt giữ hàng loạt đồng minh và tay chân thân cận của “Răng Gãy”,  nhưng sự cảnh cáo này có vẻ đã không khiến y sợ hãi.

Một kế hoạch tiêu diệt thanh tra Baptista được khởi xướng, với việc đặt chất nổ vào xe của viên thanh tra này. May mắn cho Baptista là chó nghiệp vụ đã đánh hơi phát hiện chất nổ trước khi ông lên xe. Lập tức, một cuộc đột kích vào văn phòng của “Răng Gãy” được tiến hành, bắt giữ hắn cùng hàng loạt chiến hữu vào tháng 12-1998.

Trùm giang hồ cải tà qui chính

Thời điểm diễn ra cuộc xét xử “Răng Gãy” và đồng bọn trùng khớp với thời điểm chính quyền thuộc địa Bồ Đào Nha trao trả Macau cho Trung Quốc. Bất chấp những lời kháng cáo, “Răng Gãy” bị kết án 15 năm tù.

Đấy cũng là thời gian Macau thay đổi bộ mặt, từ một trung tâm sòng bạc hạng trung ở Viễn Đông chuyển mình thành kinh đô casino số 1 thế giới, qua mặt Las Vegas (Mỹ). Các nhà đầu tư từ Trung Quốc đổ đến Macau kinh doanh ngày càng nhiề, và các băng đảng Tam hoàng đã chọn một cách thức tồn tại ít bị chú ý hơn.

Răng Gãy được trả tự do vào năm 2012. 

Sự kiện “Răng Gãy” ra tù năm 2012 cùng với 57 đồng bọn đã khiến các doanh nhân và người dân Macau nửa mừng nửa lo. Bởi băng Tam hoàng 14K vẫn là một trong những băng đảng mạnh nhất ở hai đặc khu hành chính của Trung Quốc là Macau và Hồng Kông, được tôn xưng là một trong “Tứ đại hắc bang”.

Cuộc trở lại của  “Răng Gãy” và 57 thành viên cốt cán khiến băng đảng này mạnh hơn rất nhiều, có thể gây ra những xáo trộn cho việc kinh doanh sòng bạc đang rất thịnh vượng ở Macau.

Nhưng nỗi lo đó đã không xảy ra khi “Răng Gãy” ra tù đã thề sẽ không gây nhiều rắc rối nữa. Hắn công khai hòa giải với các đối thủ cũ, kể cả đại ca của “Răng Gãy” trước đó là Mo Ding-ping.  Hắn đường đường chính chính góp mặt trong ban điều hành các sòng bạc Macau, thậm chí, “Răng Gãy” mở một sòng bạc VIP chỉ đón tiếp các đại gia nhiều tiền và có thế lực.

Những chiêu trò lách luật

Nhưng chính quyền Trung Quốc không bằng lòng việc công dân nước mình “rải tiền” vào Macau. Chiến dịch chống tham nhũng “Đả hổ đập ruồi” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng được tiến hành rầm rộ ở Trung Quốc đã làm các sòng bạc ở Macau sụt giảm doanh thu nghiêm trọng.

Trung Quốc quy định các công dân không được đem quá 50.000 USD ra khỏi lãnh thổ gồm Macau, nơi duy nhất thuộc Trung Quốc được tổ chức cờ bạc. Nhưng dân “máu” cờ bạc - thường là các đại gia - vẫn có nhiều cách để “lách” qui định. Như cách nhờ “cò” cho khách du lịch Macau vay tiền dưới dạng thẻ, và khi họ về nước sẽ thu hồi vốn và lãi.

Một mánh phổ biến là dùng thẻ tín dụng mua đồng hồ đắt tiền ở các cửa hiệu tại 30 casino Macau, sau đó trả lại để lấy tiền mặt mà chỉ mất chút “tiền công” cho người bán.

Cách khác là sử dụng các công ty cấp những hóa đơn kê giá. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định dân cờ bạc “săn” cò ráo riết vì họ có nhiều “chiêu” lách luật Trung Quốc.

Đó là một phần lý do vì sao Macau hút được 33, tỷ USD/năm, gấp 5 lần doanh thu của các sòng bài Las Vegas. Giáo sư Liu Bolong chuyên về chính sách công của Trung Quốc  ở Đại học Macau nhận định: Chủ tịch Tập Cận Bình kiên quyết chống tham nhũng vì dân “máu” cờ bạc kiếm được nhiều tiền từ những nguồn bất chính.

Những thông tin về quan chức Trung Quốc “nợ như chúa chổm” vì cờ bạc đã khiến dân thường bất mãn. Đầu năm 2012, Phó chủ tịch Yang Kun của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc bị bắt để điều tra. Tạp chí tài chính Caixin cho biết cuộc điều tra này liên quan đến việc ngân hàng cho một nhà thầu bất động sản vay tiền, để ông Yang Kun đem trả món nợ cờ bạc 3 tỷ NDT (476 triệu USD). Ðông Hà (tổng hợp)

Steve Vickers là cựu Chỉ huy tình báo của Cảnh sát Hồng Kông, nay là sếp một công ty tư vấn rủi ro và tình báo công nghiệp, nói chắc chắn Trung Quốc có biện pháp ngăn chặn dòng tiền đổ ra nước ngoài và chống tham nhũng, gồm hạn chế chuyển khoản từ 5 triệu NDT (801.000 USD) xuống 1 triệu NDT (160.000 USD), hoặc hạn chế cấp giấy phép xuất cảnh cho người Trung Quốc.
Đông Hà (tổng hợp)
.
.
.