Vào cuộc điều tra "đường dây đưa người sang Macau bằng visa du lịch"

Thứ Sáu, 02/08/2013, 17:15
Sau khi Báo CAND có bài phản ánh về đường dây đưa người lao động sang Macau, hứa hẹn công việc tại nhà hàng, khách sạn thu nhập cao, nhưng thực chất khi lao động sang thì không có việc làm, visa mà các đối tượng này làm cho lao động là visa du lịch, hết thời hạn 14 ngày, người lao động trở thành cư trú bất hợp pháp, phải nhờ cảnh sát nước sở tại giúp đỡ về nước, ngày 1/8, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), Bộ LĐ-TB&XH, đã làm việc với đại diện 2 lao động là Nguyễn Thị Hảo (Hà Nam) và Nguyễn Đức Phương (Hải Phòng) từng bị lừa đưa sang Macau bằng visa du lịch và phải về nước.

Tại buổi làm việc với lao động, đại diện của Phòng Thanh tra Cục QLLĐNN đã kết luận: Do lao động không có hợp đồng ký kết với doanh nghiệp trong nước, các giấy tờ biên nhận tiền đều không có dấu của công ty nào, visa đi là visa du lịch, không phải là visa lao động, tức là người lao động đi theo diện cá nhân nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục.

Trong khi đó, không ít lao động đã đi theo "đường dây" của Nguyễn Văn Học, đã phản ánh với Báo CAND khi nộp tiền cho ông Học đều nộp tại trụ sở Công ty CP XKLĐ và Thương mại Du lịch (Colecto) ở Mỹ Đình và trụ sở Trung tâm hợp tác lao động và dịch vụ quốc tế-PVMachino, Trung tâm đào tạo XKLĐ PV Maning ở 30A Vũ Hữu (Thanh Xuân-Hà Nội). Có trường hợp lao động Mai Thị Ngọc (Nghệ An) cũng đã nộp tiền cho ông Lê Minh Triều (phía Việt Nam) là PGĐ Công ty CP XNK Tổng hợp và Chuyển giao công nghệ Việt Nam (VINAGIMEX) - Trung tâm hợp tác quốc tế tại số 149 Giảng Võ (Đống Đa-Hà Nội).

Cả hai ông Nguyễn Văn Học và ông Lê Minh Triều đều là người của hai công ty. Các lao động đều khẳng định, họ tin tưởng nộp tiền vì đều đến tận công ty, có biển hiệu, có logo đàng hoàng. Như vậy, đại diện thanh tra Cục QLLĐNN, đơn vị có trách nhiệm liên quan đến quản lý hoạt động XKLĐ, cấp phép cho các doanh nghiệp dịch vụ thuộc lĩnh vực này không thể vội vàng kết luận "không thuộc thẩm quyền". 

Đây là thủ đoạn được lặp đi lặp lại, chứ không phải là cá biệt, khi cách đây chưa lâu, qua sự phát hiện và phản ánh của báo chí đối với việc đưa lao động chui sang Angola của Công ty Colecto, công ty này cũng không ký hợp đồng trong nước với lao động, biên lai thu tiền không có dấu, tức là cũng hoàn toàn không có "dấu vết" của công ty nhưng Cục QLLĐNN vẫn thanh tra và ra được Quyết định xử phạt. Còn đối với sự việc tương tự như thế này, Thanh tra Cục QLLLĐNN lại nói khác?

Sau khi tiếp xúc và kiểm tra lại thông tin từ phía lao động, phụ trách Phòng Thông tin của Cục cho biết, Cục sẽ có công văn tới các công ty có liên quan trong nội dung tố cáo của người lao động để yêu cầu trả lời. Đồng thời yêu cầu các DN đã ký hợp đồng cộng tác viên tuyển dụng lao động đi làm việc tại Macau với ông Nguyễn Văn Học báo cáo và chấn chỉnh kịp thời.

Hai bị hại là Nguyễn Thị Hảo và Nguyễn Đức Phương trình bày sự việc tại Cục QLLĐNN sáng 1/8.

Chiều 1/8, trao đổi với PV Báo CAND, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN cho biết, ông sẽ xem xét lại sự việc và quy trình làm việc của cán bộ Cục. Đối với cơ quan quản lý nhà nước về công tác XKLĐ, nếu sai phạm thuộc về doanh nghiệp mà Cục cấp phép thì Cục sẽ tiến hành thanh tra, xử lý doanh nghiệp ngay. Còn đối với trường hợp thuộc quan hệ dân sự, hoặc cá nhân giả danh doanh nghiệp XKLĐ thì Cục sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan Công an điều tra làm rõ.

Liên quan đến vụ việc này, Đội CSĐT tội phạm về Trật tự xã hội - Công an quận Thanh Xuân cho biết, đang tiến hành lấy lời khai của các bị hại. Tuần tới sẽ tiến hành làm việc với công ty mà ông Nguyễn Văn Học đã và đang tuyển và đào tạo lao động đi Macau tại 30A Vũ Hữu (Thanh Xuân, Hà Nội). Theo ghi nhận ban đầu của Công an quận, tính chất vụ việc cũng khá phức tạp, việc đưa người sang Macau rồi để họ tự xoay xở trên đất khách để lại nhiều hậu quả cay đắng, không chỉ riêng thiệt hại về kinh tế.

Cho dù với một số lao động đi sang Macau, khi trở về Việt Nam đã được ông Học cam kết trả lại một phần tiền, nhưng với hành vi thu tiền, hứa hẹn công việc thu nhập cao, rồi đưa lao động sang Macau bằng visa du lịch của ông Nguyễn Văn Học và bà Trần Thị Nữ (phía Macau) cần được điều tra, nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật

Thu Uyên
.
.
.