Phai nhạt mối quan hệ đồng minh Mỹ - Đức

Chủ Nhật, 14/06/2020, 11:09
Giới chuyên gia cho rằng, ý định cắt giảm số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Washington và đồng minh quan trọng đang phai nhạt.

Hồi đầu tháng này, tờ Washington Post và Wall Street Journal (WSJ) tiết lộ, Tổng thống Mỹ Donald Trump có ý định thông qua kế hoạch về cắt giảm khoảng 1/3 số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức, đưa tổng số quân Mỹ đóng tại đây về dưới ngưỡng 25.000 quân thay cho mức 34.500 quân như hiện nay. Giới chuyên gia cho rằng, quyết định trên là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Washington và đồng minh quan trọng đang phai nhạt.

Theo một quan chức Mỹ, lý do của kế hoạch rút quân này được cho là kết quả làm việc trong nhiều tháng của Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Tướng Mark Milley; chứ không phải xuất phát từ bất đồng giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel - người đã từ chối tham gia kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh của nhà lãnh đạo Mỹ trong tháng này mới đây. 

Trong khi, một số nguồn tin tiết lộ, kế hoạch rút quân có thể xuất phát từ bất đồng về chi phí quốc phòng giữa các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Bởi từ lâu, người đứng đầu Nhà Trắng đã dọa rút quân đội Mỹ ra khỏi nước Đức vì muốn ép buộc Chính phủ Đức phải tăng mức chi phí ngân sách quốc phòng hàng năm, ít nhất lên mức 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như các nước thành viên NATO đã thỏa thuận với nhau từ năm 2014. 

Còn theo giải thích của Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, việc Tổng thống Donald Trump chỉ định rút 9.500 binh sĩ khỏi Đức là vì người Mỹ đang phản đối việc “phải chi trả quá nhiều” cho an ninh của các quốc gia khác. Ông nói: “Người nộp thuế tại Mỹ không còn muốn chi trả quá nhiều cho an ninh của các quốc gia khác”, đồng thời nhấn mạnh: “Vẫn còn 25.000 binh sĩ Mỹ tại Đức và đây không phải là con số nhỏ”. 

Nhiều quan chức Chính phủ Đức đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích trước động thái trên. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết Berlin sẽ lưu ý quyết định này một khi Mỹ chính thức công bố đề xuất. “Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác ngày càng lớn mạnh từ hàng chục năm qua với các lực lượng Mỹ. Đó là lợi ích của cả hai nước. Chúng ta là những đối tác gần gũi trong NATO, song mối quan hệ đó lại phức tạp”, ông Heiko Mass bày tỏ. 

Phó Chủ tịch liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) cầm quyền Johann Wadephul thì cho rằng, kế hoạch của Mỹ một lần nữa cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bỏ qua yếu tố quan trọng trong vai trò lãnh đạo, đó là tham khảo đồng minh trong quá trình ra quyết định. Theo ông, chỉ có Nga và Trung Quốc là được lợi từ hành động này.

Lính Mỹ tại Đức. Ảnh: Getty images

Quyết định rút quân của ông Donald Trump không chỉ khiến Thủ tướng Angela Merkel mà còn cả Thị trưởng Grafenwoehr, nơi đồn trú của binh sĩ Mỹ trong 7 thập niên qua bất ngờ. 

Nằm gần với nơi phân chia giữa Tây Đức và Đông Đức trước đây, Grafenwoehr là nơi cơ sở hạ tầng quân sự và kết nối với cộng đồng người dân địa phương của Mỹ vẫn duy trì sau Chiến tranh Lạnh. Thị trưởng Grafenwoehr, ông Edgar Knobloch chia sẻ binh sĩ Mỹ đã hòa nhập với nơi đây. 

Trong thời gian quan hệ nồng ấm nhất giữa hai quốc gia hậu Chiến tranh Thế giới Thứ hai, quân đội Mỹ được người dân Tây Đức chào đón. Thế hệ người Đức lớn tuổi vẫn nhớ về thời kỳ Elvis Presley đóng quân tại phía Bắc Frankfurt từ 1958-1960. Elvis Presley thậm chí còn ghi âm một bài hát bằng tiếng Đức về thời gian này. 

Thái độ trong quan hệ giữa hai quốc gia đã “hạ nhiệt” vào cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ trước khi NATO quyết định triển khai tên lửa Pershing II của Mỹ dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối tại Tây Đức. 

Kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, nhiều chính trị gia Đức đã yêu cầu di dời vũ khí hạt nhân Mỹ khỏi lãnh thổ Đức. Theo một cuộc thăm dò ý kiến do Quỹ Koerber và Trung tâm nghiên cứu Pew phối hợp thực hiện và công bố kết quả trong tháng 11, có tới 85% người Mỹ coi những căn cứ quân sự của nước này tại Đức là quan trọng đối với an ninh quốc gia. 

Trong khi đó, chỉ 52% người Đức cho rằng những căn cứ quân sự của Mỹ là quan trọng đối với an ninh quốc gia Đức. Điều phối viên quan hệ xuyên Đại Tây Dương của Chính phủ Đức – ông Peter Beyer lo ngại rằng quyết định rút quân của Tổng thống Trump sẽ gây tổn hại lâu dài đến mối quan hệ Mỹ- Đức. Ông đánh giá: “Điều này gây ảnh hưởng không chỉ tới 9.500 binh sĩ mà còn gia đình họ, đồng nghĩa với tổng cộng 20.000 người Mỹ”.

Chia sẻ quan điểm của ông Johann Wadephul, châu Âu cũng phản đối  việc Mỹ không tham vấn ý kiến trước mỗi quyết định lớn, mới nhất là việc chính quyền Tổng thống Donald Trump bất ngờ ra tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở mà không báo trước cho cá các thành viên NATO. 

Theo một quan chức ngoại giao cấp cao châu Âu tại NATO, quyết định cắt giảm quân Mỹ đóng tại Đức cho thấy một sự đứt gãy tuyệt đối trong xu hướng vận hành của NATO, một tổ chức mà các đồng minh cố gắng tạo dựng một thế trận mạnh mẽ trước Nga và đối lập với đó là những ưu tiên thực tế của Mỹ. 

Động thái này của Mỹ là món quà cho Nga, nước lâu nay vẫn tìm cách khai thác rạn nứt giữa các đồng minh phương Tây và làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu.  

Giới phân tích nhìn nhận, tuy cơ bản từ bỏ ý tưởng cải thiện hợp tác với Mỹ, Nga đã hướng sang nhiều nước giúp Nga có điều kiện tạo lập hiện diện trong thế giới phương Tây, với mục đích vừa giúp tăng cường ảnh hưởng, vừa làm giảm vai trò của Mỹ. 

Theo ông Andrey Kortunov, Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga – một tổ chức nghiên cứu ở Moscow có liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga, hướng duy nhất Nga có thể thúc đẩy quan hệ với phương Tây là từ châu Âu. Khi Nga và EU còn đứng ở hai chiến tuyến đối lập trong các vấn đề như khủng hoảng Ukraine và Syria, Moscow không có nhiều không gian để cải thiện quan hệ ngoại giao với châu Âu. 

Thay vào đó, Moscow lại thành công trong thúc đẩy các sáng kiến kinh tế ở Lục địa già, ví như dự án Nord Stream 2 - một dự án giúp tăng gấp đôi lượng khí đốt của Nga xuất sang Đức. Việc Mỹ tìm cách chặn dự án này đã tạo ra bất đồng chủ chốt trong quan hệ Berlin-Washington. 

Ông Alexei Leonkov, chuyên gia quân sự Nga, cho rằng căng thẳng Mỹ-Đức liên quan đến quyết định rút quân của ông Donald Trump và một số yếu tố khác có thể giúp Moscow có thêm ưu thế trong thúc đẩy Nord Stream 2. 

Theo ông, tăng trưởng kinh tế của Đức bị kìm hãm bởi nhu cầu của Washington muốn áp cấm vận chống Nga và rất có thể trong thời gian tới sẽ xuất hiện thay đổi trong cách tiếp cận của Đức. Tuy nhiên, một chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Nga Victor Olevich cho rằng, Moscow cần kiểm soát kỳ vọng của mình. 

Vụ Nga bị cáo buộc đột nhập thư điện tử của Thủ tướng Đức đã tác động mạnh đến quan hệ hai nước. Hơn thế, Mỹ không hẳn rút khỏi châu Âu, mà đang tìm cách tăng cường hiện diện quân sự ở phía Đông, đặc biệt là tại Ba Lan. Rất có thể việc điều chuyển lực lượng từ Đức sang Ba Lan sẽ làm tăng sức ép đối với biên giới phía Tây của Nga và chắc chắn Moscow sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng.

Việc rút binh sỹ khỏi Đức đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ vẫn phải thanh toán các chi phí cho việc hồi hương hay tái bố trí số binh sỹ này sang các nước khác, cũng như đóng cửa các cơ sở ở Đức. 

Nếu Mỹ có điều chuyển lực lượng từ Đức sang Ba Lan, thì việc này cũng sẽ tốn một khoản chi phí mới đáng kể để xây dựng các cơ sở ở nước này. Ngoài ra, một cái giá khác mà Mỹ phải trả thêm là sự sẵn sàng của quân đội. 

Nhiệm vụ quân sự cấp bách nhất của NATO là bảo vệ sườn phía Đông – đặc biệt là các nước Baltic. Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và bùng phát giao tranh ở miền Đông Ukraine, NATO đã tập trung cải thiện tính sẵn sàng chiến đấu để đề phòng khả năng Nga cố nắm lấy khu vực Baltic và tìm cách chiếm giữ một vệt lãnh thổ trước khi liên minh quân sự có thể tới để bảo vệ. 

Tùy thuộc vào việc binh sỹ sẽ được gửi tới đâu, việc rút các binh sỹ đồn trú ở Đức có thể làm giảm tính sẵn sàng của NATO, tạo điều kiện tốt đẹp cho Nga lấn sang sườn phía Đông châu Âu. Nếu Nga thực sự có ý định này và Mỹ bị kéo vào cuộc xung đột hay khủng hoảng sau đó, thì cái giá mà Mỹ phải trả - cả về con người lẫn tài sản – sẽ cao hơn nhiều so với chi phí để đảm bảo NATO có thể ngăn chặn được một cuộc xung đột như vậy từ trước khi nó bắt đầu.

Hải Hà (tổng hợp)
.
.
.