Nước Mỹ trải qua 72 giờ của sự hận thù

Chủ Nhật, 28/10/2018, 15:06
72 tiếng vừa qua tại nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, ba vụ phạm tội liên quan đến hận thù, ba kẻ tình nghi bị bắt, dường như sự hận thù vẫn tồn tại và chỉ chờ cơ hội để gây ra nỗi ám ảnh đối với người dân Mỹ. 
Ảnh minh họa. CNN

Ngày 24-10, một người đàn ông da trắng với tiền án bạo lực đã bắn và giết chết hai người Mỹ gốc Phi, dường như là ngẫu nhiên, tại một cửa hàng Kroger tại Kentucky, sau một nỗ lực tấn công vào một nhà thờ của người da màu không thành công.  

Sau khi hàng loạt quả bom trong mail được gửi đến những người chỉ trích Tổng thống Donald Trump, một nghi phạm bị bắt tại Florida ngày 26-10, một người đàn ông chống phe Dân chủ và thiểu số với những tin nhắn đầy thông điệp thù địch.

Sáng 27-10, một người đàn ông hét to khẩu hiệu chống Do Thái và nã đạn vào một nhà nguyện của ngươi Do Thái tại Pittsburgh, khiến 11 người tử vong khi đang tiến hành một nghi lễ truyền thống.

Trong 72 tiếng qua, một thông điệp xấu đang tràn lan khắp nước Mỹ: Thông điệp hận thù.

“Đó là một điều rất tồi tệ, kinh khủng đang xảy ra trên đất nước này, hận thù, và thẳng thắn mà nói là trên toàn thế giới”, Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ với cánh phóng viên trước khi bước lên chiếc phi cơ Air Force One để đến Indiana trong cuộc vận động cử tri.

Cái chết trong cửa hàng bách hóa

Đầu tiên, ông ta đã cố gắng phá cửa để vào một nhà thờ tại Jeffersontown, Kentucky, ngay ngoại ô Louisville. Đây từng là một nhà thờ Rửa tội chủ yếu của người da màu tại Mỹ, CNN cho biết.

Tuy vậy, Gregory Bush, 51 tuổi, đã không thành công. Cửa bị khóa và Bush sau đó đã đi đến một cửa hàng Kroger, nơi mà ông này bị cáo buộc đã bắn hai người Mỹ gốc Phi. Nạn nhân đầu tiên là Maurice Stallard, 69 tuổi, cùng với cháu trai 12 tuổi đang mua một số đồ dùng học tập để hoàn thành dự án tại trường của cậu bé. Nạn nhân thứ hai là Vickie Jones, 67 tuổi, bị bắt chết tại bãi đỗ xe của cửa hàng, khi Bush đang tẩu thoát.

Hai sĩ quan cảnh sát Louisville trong cửa hàng bách hóa Kroger, nơi xảy ra vụ xả súng nhằm vào người da màu hôm 24-10 vừa qua. Ảnh AP.

“Tôi quá ghê tởm, vừa đau khổ và còn tức giận nữa. Tôi có cảm giác như vậy đối với bất kỳ hành vi bạo lực và tàn ác nào”, thị trưởng Louisville Greg Fischer nói.

Bush có tiền sử bệnh tâm thần, từng gây ra mối đe dọa về phân biệt chủng tộc và liên tục gọi người vợ cũ của hắn với từ ngữ miệt thị người da màu. Hắn có trang dài tiền án bao gồm cả bạo lực gia đình.

Thị trưởng Jeffersontown Jeff Dontuf cho biết, vụ việc đã làm chấn động cả cộng đồng, nơi mà người ta đánh giá rất cao ý thức gia đình.

“Chúng tôi là những người với tâm hồn lương thiện bất kể xuất thân hay cách chúng tôi cầu nguyện hay cả dáng hình bề ngoài của chúng tôi. Chúng tôi tự hào về điều đó”, thị trưởng nhấn mạnh.

Bush đã bị giam giữ và đối mặt với các cáo trạng liên quan vi phạm nhân quyền, ví dụ như tội thù hận. “Các vụ giết người chưa vào giờ bị chính phủ Mỹ xem nhẹ”, Công tố viên quận Tây Kentucky Russel Coleman cho biết.

Nhân viên của cửa hàng vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về vụ việc. Ảnh AP.

Khủng bố qua đường bưu điện

Trong khi vụ xả súng ở Kentucky xảy ra, cả nước Mỹ vẫn còn một nỗi lo khác, đó chính là những bưu phẩm đáng ngờ được gửi đến cho nhiều chính trị gia và người nổi tiếng.

Bưu phẩm chứa thiết bị nổ đầu tiên được phát hiện chiều 22-10, tại nhà của tỷ phú George Soros, một mạnh thường quân của đảng Dân chủ. Sáng 24-10, cơ quan mật vụ Mỹ phát hiện thêm hai bưu phẩm khả nghi khác, được gửi đến cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Bốn bưu phẩm khác được tìm thấy cũng trong ngày hôm đó, bao gồm một bưu phẩm được gửi đến văn phòng của CNN tại New York, khiến cả tòa nhà Time Warner Center phải sơ tán khẩn cấp.

Sáng ngày 26-10, một bưu phẩm nữa bị phát hiện và cơ quan chức năng đã bắt một người đàn ông 56 tuổi, có tên Cesar Sayoc, bị nghi có liên quan đến vụ việc. Chính quyền liên bang cho biết người này đã gửi tổng cộng 14 gói chưa bom ống, nhưng rất may, chưa có bưu kiện nào phát nổ, dù tất cả những thiết bị nổ đó đều là thật.

Khuynh hướng chính trị của người này được công chúng Mỹ đặc biệt chú ý. Trên chiếc xe mà người này bị bắt, cảnh sát cho biết hắn vẫn đang tiếp tục tạo ra những thiết bị nổ trên đó, chứa đầy những thông điệp ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump, thêm vào đó là những dòng chê bai CNN.

Đội phá bom mìn của Mỹ được huy động để vô hiệu hóa những bom thư. Ảnh Reuters.

Hành động này diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, khiến các đảng chỉ trích nhau còn cử tri thì hoang mang.

Một người từng thuê Sayoc cho biết hắn tự cho mình là một “người da trắng thượng đẳng”. Trên mạng xã hội, với hai tài khoản Facebook và ba tài khoản Twitter, Sayoc tường đăng tải những bức ảnh mang tính khiêu khích và tấn công những người theo chủ nghĩa tự do, kèm theo những thuyết âm mưu khác.

Nhà nguyện đẫm máu

Sáng 27-10, tin tức về một vụ xả súng hàng loạt tại một nhà nguyện Do Thái ở Pittsburgh, nơi đang tiến hành một nghi lễ truyền thống, tràn ngập các mặt báo.

Một người đàn ông hét lên những lời chống lại Do Thái ngay bên trong một giáo đường của người Do Thái trên khu phố Squirrel Hill và bắt đầu nã đạn, cướp đi sinh mạng của 11 người, sáu người khác bị thương trong đó có ba cảnh sát. Nhưng hành động đó còn để lại những nỗi đau tinh thần to lớn hơn nhiều.

Lực lượng chức năng làm việc bên ngoài nhà nguyện nơi xảy ra vụ xả súng. Ảnh Reuters.

“Đây thực sự là một thảm kịch”, Thống đốc Pennsylvania Tom Wolf cho biết. “Những hành động bạo lực vô lý này thực sự không phải những gì mà người Mỹ làm”.

Robert Bowers, 46 tuổi, được xác định là nghi phạm và đã bị bắt. Tên này thường xuyên bày tỏ thái độ miệt thị đối với người Do Thái trên các trang mạng xã hội của mình, theo các quan chức thực thi pháp luật.

Năm phút ngay trước khi xả súng, trong một bài đăng trên trang mạng xã hội Gab của mình, tên này được cho là đã đăng tải một thông điệp rằng hắn “không thể ngồi yên một chỗ và chứng kiến những người dân quanh mình bị tàn sát. Mặc kệ quan điểm của các người, tôi sẽ làm chuyện đó”.

Các điều tra viên tin rằng nhiều những thông điệp chống Do Thái khác trên tài khoản này cũng la của Bowers và đây cũng liên quan đến động cơ của vụ việc.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions cho biết Bowers sẽ phải đối mặt với các cáo trạng liên quan đến tội phạm thù hận, thậm chí là có thể lãnh án tử hình.

“Không có chỗ cho hành vi ghét bỏ và bạo lực đối với tôn giáo trong xã hội của chúng ta”, ông Sessions nói.

Những gì sắp tới?

Trước khi lên chiếc Air Force One để đến Indiana, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi vụ xả súng tại Pittsburgh là một điều rất “tồi tệ”.

Nhiều người đã tập trung và chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân của vụ xả súng. Ảnh AP.

“Vụ tấn công nhằm vào người Do Thái tàn ác này thực sự là một vụ tấn công vào cả nhân loại. Tất cả chúng ta sẽ cùng hợp tác để loại bỏ những hành động của chủ nghĩa chống Do Thái khỏi thế giới này. Chúng ta phải đoàn kết để chống lại sự căm thù”, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter, cùng với đó là sự cảm thông và ủng hộ những nạn nhân trong vụ xả súng.

Bộ trưởng Sessions tuyên bố sẽ “huy động toàn bộ nguồn lực của lực lượng thực thi pháp luật để chống lại bất cứ ai vi phạm các quyền dân sự của người dân Mỹ”.

Hàng trăm người đã tập trung tại Squirrel Hill tối 27-10 để bày tỏ tiếc thương với những nạn nhân của vụ xả súng, và hơn thế nữa là bày tỏ sự ủng hộ đối với cộng đồng người Do Thái.

Những vụ việc có thể đã tạm thời dừng lại, nhưng những nạn nhân, những người còn sống sẽ tiếp tục sống với nỗi ám ảnh của 72 tiếng ngập trong sự hận thù vừa qua.

Duy Tiến
.
.
.