Những vụ gian lận thi cử khiến cả thế giới bàng hoàng
- Gian lận thi cử Hà Giang: Trò giễu nhại xưa nay chưa từng có!
- Algeria tắt Internet toàn bộ đất nước để ngăn gian lận thi cử
- Triệt băng gian lận thi cử có tham gia từ tổng đài điện thoại đến phụ huynh
Gian lận công nghệ cao ở Trung Quốc
Xinhuanews hồi tháng 6 cho biết giới chức Trung Quốc đã kết án 10 người vì tham gia tổ chức cho hơn 30 sinh viên ở nhiều khu vực gian lận trong kỳ thi tuyển sinh quốc gia. Một trong các thành viên của nhóm, họ Quách, bị bắt ngay tại chỗ khi đang cố mang theo thẻ nhớ với các hình ảnh chụp đề thi khỏi địa điểm thi lúc hàng triệu thí sinh khác đang cố gắng hết sức làm bài.
Các thiết bị gian lận rất tinh vi và nhỏ chỉ bằng hạt đậu. Ảnh: Youth.cn |
Cảnh sát Trung Quốc thậm chí đã sốc khi phát hiện rất nhiều thiết bị gian lận công nghệ cao được nhóm này sử dụng được ngụy trang tinh vi, như cục tẩy, ví tiền, khăn quàng... với màn hình hiển thị nhỏ ẩn giấu bên trong, hay tai nghe không dây chỉ bằng hạt đậu dùng để phát sóng từ xa các câu trả lời.
Theo lời khai, nhóm tội phạm trên thu lợi từ 2000 USD đến 9000 USD cho mỗi lần gian lận trót lọt.
Thiết bị gian lận được giấu trong kính mắt ở Trung Quốc. |
Gian lận thi cử bằng công nghệ cao đã trở thành vấn nạn ở Trung Quốc với trung bình 2.000 thí sinh bị hủy thi trong các kì thi quốc gia mỗi năm. Theo CNN, đỉnh điểm vào năm 2014, có đến gần 2.500 thí sinh Trung Quốc tham gia kỳ thi quốc gia đã bị phát hiện sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận.
Số thiết bị gian lận bị cảnh sát Trung Quốc tịch thu từ đường dây. Ảnh: ITN |
Trung Quốc thậm chí đã phải sử dụng đến các biện pháp như như máy bay không người lái phá sóng, máy dò kim loại, máy quét vân tay và máy quét nhãn cầu để tránh gian lận thi cử công nghệ cao.
Lén làm bài chung tại Havard, Mỹ
Ít ai nghĩ rằng một trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới như Havard lại là nơi diễn ra một trong những vụ bê bối gian lận thi cử khiến nhiều người bàng hoàng. Vào năm 2012, khoảng 125 sinh viên của trường đã bị điều tra vì nghi ngờ có thể đã cùng nhau làm bài thi cuối khóa ở nhà, bất chấp yêu cầu về việc phải tự làm bài một mình.
Bê bối này trở thành tâm điểm chú ý của nhà trường cũng như dư luận khi một thành viên của trường Đại học Harvard lưu ý về “sự giống nhau giữa một số bài thi”.
Sinh viên di chuyển trong khuôn viên trường Havard. |
Trường Harvard không tiết lộ danh tính của lớp học vì muốn bảo vệ quyền riêng tư của các thí sinh bị nghi ngờ có liên quan đến vụ gian lận. Để làm sáng tỏ vụ việc, hơn 100 sinh viên trên bị ban quản trị trường Harvard triệu tập để lấy lời khai trong cuộc điều tra, điều rất hiếm xảy ra tại Havard.
Không rõ kết quả cuối cùng của cuộc điều tra như thế nào, nhưng trường này sau đó xác nhận đã có một số sinh viên bị đình chỉ một năm học vì gian lận.
Lộ đề ở Hàn Quốc
Các kỳ thi ở Hàn Quốc từ lâu đã được biết đến là những khoảnh khắc áp lực nhất thế giới đối với học sinh. Người Hàn Quốc rất coi trọng các kỳ thi khi đây không chỉ là dịp đánh giá năng lực mà còn là cơ hội mở ra con đường tương lai. Có lẽ vậy mà các cuộc thi ở Hàn Quốc diễn ra vô cùng nghiêm túc và khắt khe.
Các bậc phụ huynh khấn tại đền, chùa mong cho con em mình đỗ đạt ở Hàn Quốc. Ảnh: NYTimes |
Tuy nhiên, không vì thế mà gian lận được loại trừ hoàn toàn ở quốc gia này. Vào năm 2013, College Board - đơn vị quản lý SAT ở Mỹ và Viện Khảo thí giáo dục Mỹ (ETS) ra quyết định "khó khăn, nhưng cần thiết" là hủy bỏ kết quả thi của khoảng 1.500 thí sinh Hàn Quốc vì cáo buộc gian lận trên quy mô lớn.
Đây là lần đầu tiên bài thi SAT (một trong những kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số đại học tại Mỹ) bị hủy bỏ trên cả nước Hàn Quốc gây rắc rối cho không ít thí sinh khi họ buộc phải chờ tới đợt thi sau, mà rất có thể sẽ không đạt kết quả như ý hoặc quá thời gian đăng ký vào đại học ở Mỹ.
Thí sinh làm bài thi ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters |
College Board giải thích rằng họ hủy thi vì nhận được thông tin từ công tố viên Hàn Quốc cho thấy các trung tâm luyện thi ở nước này đã thu thập được đề bằng cách phi pháp. Những bản sao đề thi SAT có thể mua với giá khoảng 4.500 USD. CNN cho biết, văn phòng công tố tại Seoul xác nhận đã lục soát một số trung tâm thi cử và tìm thấy nhiều bằng chứng.
2,8 triệu thí sinh thi lại ở Ấn Độ
Ấn Độ là một quốc gia đông dân nhất nhì thế giới với 17 triệu người đủ tuổi trở thành lao động, nhưng chỉ có khoảng 5,5 triệu công việc được tạo ra mỗi năm. Vì lẽ đó, người Ấn quan niệm đỗ vào đại học là yếu tố sống còn nếu muốn có một tương lai tốt đẹp.
Nhiều người bất chấp nguy hiểm leo tường tiếp cận phòng thi để nhắc bài cho con em ở Ấn Độ. Ảnh: Guardian |
Trong kì thi đại học ở Ấn Độ, mỗi năm có tới hàng nghìn thí sinh bị hủy thi vì gian lận. Một trong những vụ gian lận gây chấn động Ấn Độ diễn ra vào tuần đầu tháng 4-2016, khi đề thi môn Hóa học ở bang Karnataka bị lộ khiến các quan chức đã hủy thi.
Một tuần sau đó, bang này dự kiến tổ chức cuộc thi lại, nhưng cuối cùng tiếp tục bị hủy khiến 174.000 thí sinh bị ảnh hưởng cũng lại vì đề thị bị lộ. Theo Guardian, một trong những người bị bắt là trợ lý Bộ trưởng Giáo dục của bang.
Một vụ bê bối khác ở Ấn Độ diễn ra vào tháng 4-2018, khi 2,8 triệu sinh viên ở New Delhi buộc phải làm lại bài thi vì đề bị lộ trên mạng xã hội WhatsApp khoảng 90 phút trước khi giờ thi bắt đầu. Tuy nhiên, do chỉ là kì sát hạch nên nó không khiến các thí sinh quá đau đầu.
Tắt Internet cả nước vì bê bối thi cử
Vào tháng 6-2016, cả nước Algeria xôn xao khi giới chức nước này quyết định chặn truy cập các mạng xã hội như Facebook, Twitter. Vài ngày sau, giới chức nước này mới thông báo việc ngăn chặn nói trên được tiến hành để ngăn gian lận thi cử trong kì thi tốt nghiệp trung học.
Thí sinh làm bài thi ở Algeria. Ảnh: ITN |
Reuters cho biết 10,000 học sinh trung học tại Algeria khi đó đã phải tham dự lại kỳ thi tốt nghiệp, sau khi đề thi "chẳng hiểu vì sao" đã rò rỉ trên mạng xã hội. Liên quan đến vụ bê bối, cảnh sát địa phương đã kết tội 12 người, gồm cả những người đang làm việc tại văn phòng giáo dục quốc gia.
Vào năm 2017, quốc gia Bắc Phi này lại một lần nữa áp dụng việc tắt truy cập mạng xã hội để ngăn gian lận thi cử nhưng dường như biện pháp này không mang lại tác dụng như mong muốn.
Năm nay, nhằm tránh sự cố này lặp lại, Algeria cắt luôn kết nối 3 giờ mỗi ngày trong 6 ngày diễn ra kỳ thi. Nhiều người phàn nàn về biện pháp này, nói rằng nó gây ra quá nhiều bất tiện. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục Nouria Benghabrit nhấn mạnh họ phải làm vậy để đảm bảo công bằng cho các thí sinh.
Giới chức Algeria cho rằng không có internet sẽ không có gian lận. |
Algeria không phải quốc gia đầu tiên chặn truy cập Internet để tránh gian lận thi cử. Iraq từ năm 2016 cũng chặn kết nối Internet trong 3 ngày, mỗi ngày 3 giờ, trong thời gian diễn ra kỳ thi cuối năm của học sinh lớp 6. Trước đó, Uzbekistan từng chặn truy cập web vào năm 2014, còn bang Gujarat của Ấn Độ cũng từng chặn mạng di động trong 4 giờ để phục vụ kỳ thi kế toán quốc gia.