Những lập luận của Philippines tại phiên xử vụ kiện Biển Đông

Chủ Nhật, 29/11/2015, 08:15
Bước sang ngày thứ 4 (28-11), những lập luận của đoàn đại biểu đại diện cho Philippines tại phiên xử vụ kiện Biển Đông tại Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) nhận được đánh giá cao...

Những lập luận đã được đánh giá cao từ 5 thành viên bồi thẩm đoàn gồm các thẩm phán Thomas A. Mensah (chủ tọa), Jean-Pierre Cot, Stanislaw Pawlak, Rüdiger Wolfrum và Alfred H. A.Soons.

Tố cáo những hành động gây hấn

Đối với những người được tham dự phiên tòa xét xử vụ kiện Biển Đông  diễn ra từ ngày 24 đến 30 tháng 11, việc nghe được những lập luận từ đại diện Philippines đã mang lại nhiều hiểu biết, kiến thức cũng như thông tin cụ thể hơn về tình hình Biển Đông. Theo hãng BBC, phán quyền hồi tháng 10 của PCA về thẩm quyền của chính tòa này trong vụ kiện của Philippines là một thất bại ban đầu của phía Trung Quốc bởi điều đó đồng nghĩa với việc PCA sẽ tiếp tục xét xử vụ này.

Thêm vào đó là sự vắng mặt của đại diện chính quyền Bắc Kinh vì Trung Quốc tuyên bố tẩy chay phiên tòa và Philippines lại có lợi thế về thời gian để trình bày các quan điểm và bằng chứng của mình. Và cũng như lần trước, lần này, phía Philippines đã chuẩn bị rất kỹ với việc cử một đoàn đại diện gồm 48 người bao gồm nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ, 6 Đại sứ nước này tại các nước châu Âu, các luật sư, chuyên gia, các nhân chứng…

Hãng Telegraph thì đưa ra nhận định rằng Philippines đã rất “khéo léo” trong việc lựa chọn các nhân vật đứng ra nói lên quan điểm của mình. Cụ thể là trong ngày thứ 3 của phiên xử, đại diện cho Philippines lúc này là GS luật Alan E.Boyle đến từ Đại học Luật Edinburg của Anh, GS sinh học Kent Carpenter đến từ Đại học Old Dominion (Mỹ); GS luật Bernard Oxman thuộc ĐH Miami (Mỹ). Những nhân vật này đã trình bày khách quan và cung cấp đầy đủ các dữ liệu để 5 thẩm phán của phiên tòa có thể hình dung ra những sai phạm mà Trung Quốc thực hiện trên Biển Đông.

Trong phiên xử này, tòa PCA đồng ý mời 7 nước làm quan sát viên, trong đó có Việt Nam.    Ảnh: Rappler.

Phó phát ngôn viên Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte cho biết, GS Alan E.Boyle đã mở đầu bằng lời khẳng định về việc hệ sinh thái biển ở Biển Đông bị nguy hại do các hoạt động xây đắp đảo nhân tạo và việc để cho ngư dân tận thu cá và các hải sản khác ở Biển Đông. Bên cạnh đó là những vi phạm pháp luật khi Trung Quốc tổ chức chiến dịch ngăn chặn tàu cá của các nước, thậm chí còn cố tình gây hấn, đánh chìm những con tàu này. Những hành động như vậy, theo GS Alan E.Boyle là gây nguy hại đến an ninh hàng hải.

Bổ sung cho lý luận của GS Alan E.Boyle, GS luật Bernard Oxman và GS Clive Schofield – Giám đốc  Trung tâm Nghiên cứu các nguồn tài nguyên và an ninh ở đại dương thuộc Đại học Wollongong (Australia) đã trình bày tới 47 luận điểm cho thấy cần phải có những biện pháp mạnh, ngay lập tức và cần thiết để ngăn chặn các hành động phá hoại hệ sinh thái biển ở Biển Đông. Các GS đều khẳng định, tất cả những hành động này đã vi phạm nghiêm trọng các quy định trong Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Chứng minh bằng các bản đồ cổ

Theo các nhà phân tích, tại phiên xử lần này, những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông đã thực sự bị “bẻ gãy”. Thậm chí, Philippines còn “phơi bày” được cả những “âm mưu” mà Trung Quốc đang thực hiện để đối phó với vụ kiện này. Chẳng hạn, trong ngày thứ 2 của phiên xử, Philippines đã chứng minh các vi phạm của Trung Quốc và tố cáo Bắc Kinh liên tục kéo dài vụ kiện, tìm cách giành độc quyền bên trong cái gọi là “đường chín đoạn” ở Biển Đông.

Đặc biệt, trong ngày 26-11, Philippines còn trình chiếu trước tòa một đoạn video mô phỏng máy nạo vét cắt hút được Trung Quốc sử dụng trên Biển Đông. Luật sư Andrew Loewenstein cho rằng, hành động này đã vi phạm chủ quyền của Manila đối với các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật của Manila trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của nước này.

 Việc Trung Quốc đơn phương xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông đã làm ảnh hưởng đến chủ quyền và cả quyền lợi kinh tế của các nước láng giềng. Cụ thể, Philippines và Malaysia có thể bị mất tới 80% vùng đặc quyền kinh tế còn Việt Nam dự kiến sẽ mất khoảng 50%. Riêng Brunei sẽ mất tới 90% vùng đặc quyền kinh tế. 

Nhiều lời chứng của các ngư dân và việc Bắc Kinh cản trở việc đánh cá truyền thống của người dân Philippines cũng được đưa ra tòa. GS Philippe Sands, luật sư của Philippines, đưa ra bằng chứng các hoạt động xây dựng mà Trung Quốc đã hoàn thành trên các bãi này nhưng khẳng định điều này không làm thay đổi chủ quyền căn bản của các nước. 

Đặc biệt, luật sư Andrew Loewenstein đã trình bày trước tòa 8 bản đồ cổ có từ thời nhà Minh, cho thấy khu vực nằm trong “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh vẽ ra chưa từng là lãnh thổ của nước này. Lãnh thổ Trung Quốc ở vị trí cực Nam được hiển thị chỉ đến đảo Hải Nam. Điều này cũng có nghĩa Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông như những gì mà nước này đã rêu rao. 

Bà Abigail Valte hé lộ, trong những ngày tới, Philippines sẽ tiếp tục đưa ra thêm nhiều lập luận và bằng chứng mới để chứng minh những hành động sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc và xóa bỏ hoàn toàn những tuyên bố phi lý mà Bắc Kinh đưa ra về chủ quyền ở Biển Đông. 

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia hôm 22-11, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng tuyên bố rằng Philippines sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp và tôn trọng phiên xử của PCA.

Một điểm mới gây chú ý trong phiên tòa lần này là Anh đã chính thức yêu cầu được tham dự với tư cách là “quan sát viên trung lập”. Hiện các thẩm phán của PCA đang xem xét đề nghị này. Trước đó, phiên tòa chỉ đồng ý mời các quan sát viên đến từ Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Australia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Về việc này, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 26-11, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước phiên tranh tụng đang diễn ra tại PCA trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc liên quan đến Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là luôn theo đuổi và ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Trên tinh thần đó, Việt Nam đã tiếp tục cử đoàn với tư cách quan sát viên đến dự phiên tranh tụng về nội dung thực chất của vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc diễn ra từ ngày 24 đến 30-11.

Huyền Chi
.
.
.