Hình ảnh của Việt Nam trong cuộc tranh cử Tổng Giám đốc UNESCO
"Tôi đến từ Việt Nam, một đất nước trải qua hàng thập kỷ chiến tranh nhưng đã vượt lên với lòng vị tha và khoan dung. Tôi đến từ Việt Nam, một đất nước đã chuyển mình phát triển kinh tế xã hội và sẵn sàng chia sẻ bài học thành công. Tôi đến từ Việt Nam, một đất nước luôn muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới...", những thông điệp đậm chất dân tộc này đã được Đại sứ Phạm Sanh Châu, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng về các vấn đề UNESCO trình bày ấn tượng trong các cuộc phỏng vấn trực tiếp thuộc vòng tranh cử Tổng Giám đốc UNESCO.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, Đại sứ đã trở thành một trong số ít ứng viên đỗ vào vòng 3 tranh cử Tổng Giám đốc tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO).
Để hoàn thành nốt vòng thi của mình trước khi Hội đồng điều hành lựa chọn và đề cử ứng cử viên xuất sắc nhất lên Đại hội đồng UNESCO vào tháng 10 tới, Đại sứ Phạm Sanh Châu còn phải vượt qua vòng thi phụ là trình bày cương lĩnh tranh cử bằng tiếng Pháp trước 70 quốc gia thành viên nhóm Pháp ngữ vào lúc 18h ngày 28-4 (theo giờ Việt Nam).
Đại sứ Phạm Sanh Châu nhận được nhiều lời chúc mừng của bạn bè quốc tế ngay sau cuộc trả lời phỏng vấn kéo dài 90 phút hôm 27-4. |
Theo đánh giá của bạn bè quốc tế, phần trình bày bằng tiếng Anh và tiếng Pháp của Đại sứ Phạm Sanh Châu trong 2 vòng thi từ hôm 26 đến 28 tháng 4 đều rõ ràng, mạch lạc với các đề xuất có tính thực tiễn cao.
Là ứng viên duy nhất của khu vực Đông Nam Á cho vị trí Tổng Giám đốc UNESCO, Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng đã nhận được phản hồi rất tích cực từ các đại biểu dự họp. Các Đại sứ Nhật Bản và Serbia khẳng định, Đại sứ Phạm Sanh Châu là ứng cử viên có nhiều cái nhất nhất gồm: được nhiều người đặt câu hỏi nhất, có nhiều người chúc mừng nhất, nắm bắt vấn đề tốt nhất, trình bày hay nhất và ấn tượng nhất (cho tới thời điểm này).
Những câu hỏi mà đại diện 58 quốc gia thành viên UNESCO dành cho Đại sứ Phạm Sanh Châu khá đa dạng, đụng chạm đến nhiều vấn đề và Đại sứ cũng đã tiếp nhận, trả lời các câu hỏi một cách khá thiện chí, rút ngắn câu trả lời từ 5 phút xuống 2 phút để tạo điều kiện cho nhiều người được trả lời hơn.
Đáng chú ý là trong phần thuyết trình của mình, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã đưa ra 3 thông điệp lớn về tầm nhìn UNESCO với các đề xuất đổi mới để các hoạt động của tổ chức này ngày càng hiệu quả.
Thứ nhất, UNESCO phải tiếp tục sứ mệnh hòa bình của mình, bởi vì, đấy là sứ mệnh cao cả, thiêng liêng, đã được Hiến chương của UNESCO công nhận.
Thứ hai, UNESCO cần tiếp tục quá trình cải cách để trở nên một tổ chức hiệu quả hơn, năng động hơn, có thể hợp tác tốt hơn và định vị lại vị thế của mình trong hệ thống các tổ chức của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Thứ ba, UNESCO cần phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để thế giới hiểu rằng tổ chức này không chỉ chăm lo đến các vấn đề văn hóa, giáo dục, mà còn rất mạnh trên lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; UNESCO quyết tâm phối hợp cùng với các nước để xây dựng một xã hội thông tin, trong đó tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận đến thông tin.
Đặc biệt, trong các nội dung trình bày, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã khéo léo giới thiệu, quảng bá về Việt Nam với lịch sử hào hùng trong các cuộc kháng chiến, đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong quá trình đổi mới, làm chuyển biến xã hội về kinh tế. Đồng thời, cũng thực hiện chính sách độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại.
Có thể khẳng định, ngay trong lần đầu tiên cử đại diện tranh cử vị trí Tổng Giám đốc UNESCO, Việt Nam đã gửi đến một thông điệp rõ ràng và đầy thiện chí với bạn bè quốc tế.
Sự ghi nhận của đại diện các nước trước nỗ lực tranh cử của Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng là một bước tiến mới của nước ta trong quá trình hội nhập quốc tế.
UNESCO là một trong những tổ chức chuyên môn lớn của LHQ, hoạt động với mục đích "thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo”.
Theo Hiến chương của UNESCO, vị trí Tổng Giám đốc - người điều hành cao nhất của UNESCO sẽ do Hội đồng điều hành đề cử và được Đại hội đồng bổ nhiệm với nhiệm kỳ là 4 năm.
Vị trí này có thể được bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ và chỉ được bầu nhiều nhất là 2 nhiệm kỳ. Thông thường, Chủ tịch Hội đồng điều hành mời các nước thành viên nộp danh sách các ứng cử viên có thể phù hợp với vị trí Tổng Giám đốc rồi sau đó công bố danh sách các ứng viên được đề cử và bắt đầu tiến trình tranh cử kéo dài 8 tháng.
Năm nay, UNESCO đưa ra một quy trình hoàn toàn mới trong việc chọn Tổng Giám đốc, giống với quy trình chọn Tổng Thư ký của LHQ.
Thay vì tiến hành những cuộc phỏng vấn trong phạm vi hẹp, lần đầu tiên, UNESCO cho phép đại diện các phái đoàn ngoại giao được vào phòng họp để tham dự, truyền hình trực tiếp hình ảnh ứng cử viên trả lời phỏng vấn và tăng thời gian phiên điều trần từ 60 phút lên 90 phút.
Sau khi Hội đồng điều hành UNESCO chọn được ứng cử viên xuất sắc nhất thì người này sẽ phải trải qua cuộc bỏ phiếu kín bầu tân Tổng Giám đốc UNESCO sẽ được tiến hành vào tháng 10 tại Đại hội đồng UNESCO.
Tân Tổng Giám đốc UNESCO sẽ quản lý ngân sách 676 triệu USD, 2.500 nhân sự thuộc 200 quốc tịch và gần 70 văn phòng, trung tâm thuộc UNESCO.
Ngoài đại diện của Việt Nam là Đại sứ Phạm Sanh Châu, 8 ứng viên còn lại tranh cử năm nay gồm: Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập, nguyên Bộ trưởng Y tế, đại diện cho châu Phi Moushira Khattab; Cố vấn cao cấp của Quốc vương Qatar, nguyên Bộ trưởng Văn hoá, Nghệ thuật và Di sản Hamad bin Abdulaziz al-Kawari; nguyên Bộ trưởng Y tế Iraq Saleh al-Hasnawi; Cố vấn Cao cấp Bộ Văn hoá Lebanon Vera el-Khoury Lacoeuilhe; nguyên Phó Tổng thống Guatemala Juan Alfonso Fuentes Soria đại diện cho châu Mỹ; nguyên Bộ trưởng Văn hoá Azerbaijan Polad Bulbuloglu, đại diện nhóm Đông Âu; Trợ lý Tổng Giám đốc Unesco, phụ trách Giáo dục Qian Tang; Bộ trưởng Văn hoá Pháp Audrey Azoulay.