Hé lộ nguồn cung vũ khí của IS

Thứ Năm, 10/12/2015, 08:34
Với lượng vũ khí khổng lồ và hiện đại đến từ 25 quốc gia trên thế giới, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang “gặt hái” được nhiều lợi thế khi bành trướng vùng kiểm soát từ Syria, Iraq sang Libya và một số quốc gia khác ở Trung Đông, Bắc Phi.

Theo báo cáo của tổ chức Ân xá quốc tế, việc thiếu kiểm soát buôn bán súng đạn ở thị trường chợ đen cũng đã tạo điều kiện cho IS làm giàu thêm kho vũ khí của mình.

Tờ The New Yorker Daily số ra ngày 8-12 cho biết, IS hiện đang sử dụng hơn 100 loại vũ khí hiện đại trong đó có vũ khí chống tăng gồm Konkur và Komet, tên lửa HJ-8, tên lửa Osa; vũ khí phòng không hạng nhẹ gồm tên lửa phòng không vác vai, súng hạng nặng, pháo binh hạng nhẹ, tháp pháo di động gắn trên những chiếc xe bán tải, lựu pháo M-46 cỡ nòng 130mm, súng trường AK-47, M16, Bushmaster… 

Những vũ khí này đến từ 25 quốc gia khác nhau trên thế giới trong đó có cả các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước châu Âu... Báo cáo của tổ chức Ân xá quốc tế khẳng định, toàn bộ số súng nói trên đều được IS mua trên thị trường đen bằng doanh thu từ việc buôn bán lậu dầu mỏ. 

Nhà nghiên cứu Patrick Wilcken thuộc tổ chức Ân xá quốc tế nói: “Lượng vũ khí khổng lồ và đa dạng mà các tay súng IS sử dụng chính là trường hợp điển hình cho thấy hoạt động buôn bán vũ khí thiếu thận trọng đã góp phần thổi bùng tội ác chiến tranh trên quy mô cực lớn”. 

Một số vũ khí mà IS cướp được ở Mosul. Ảnh: Supplied.

Cũng theo ông Patrick Wilcken, dòng vũ khí lậu chảy qua Iraq, Syria bằng cửa ngõ Thổ Nhĩ Kỳ rồi đến tay các tay súng IS ở hai quốc gia này. Thị trường đen cung cấp vũ khí cho IS phần lớn xuất phát từ các nước Đông Âu hoặc vùng Balkan. 

Một chuyên viên cao cấp của Dự án chống buôn bán vũ khí của nhóm nghiên cứu và thông tin về hòa bình và an ninh có trụ sở tại Brussels (Bỉ) tên là Cedric Poitevin cho biết: “Súng đạn chạy từ vùng Balkan tới Tây Âu và các vùng khác của châu Âu theo từng đợt chuyển hàng cỡ nhỏ và vừa nên rất khó để theo dõi, điều tra và ngăn chặn”. 

Các đường dây buôn bán vũ khí ở châu Âu vận chuyển đi khắp nơi trên thế giới và phần nhiều số vũ khí được mua bán kiểu này sẽ rơi vào tay những băng nhóm tội phạm hoặc các mạng lưới khủng bố. Giá của nó cũng không hề đắt nên càng dễ thu hút được nhiều người mua. 

Thông thường một khẩu AK-47 được bán với giá 500 euro - 1.000 euro. Riêng đối với các mặt hàng khác như tên lửa, xe tăng, hệ thống phòng không… thì IS thường đặt trước các đường dây buôn bán vũ khí này từ 3-6 tháng. Ngoài ra, một số đầu mối khác của đường dây buôn vũ khí tại Bắc Phi cũng cung cấp cho IS nhưng đây phần lớn là những vũ khí bị đánh cắp.

Báo cáo của tổ chức Ân xá quốc tế còn nhắc đến một nguồn cung khác về vũ khí cũng khá là dồi dào cho IS. Đó là “những chiến lợi phẩm” mà chúng thu được khi đánh chiếm và giành quyền kiểm soát của một vùng nào đó tại Iraq và Syria. 

Chẳng hạn, mùa hè năm ngoái, khi đã tấn công một loạt địa phương tại Iraq, làm chủ thành phố Mosul, IS đã cướp được một kho vũ khí mà quân đội Iraq bỏ lại bao gồm cả các loại súng trường, súng phóng lựu và xe quân sự Humvee do Mỹ cung cấp. Loại xe Humvee này giúp phiến quân IS di chuyển linh hoạt qua các vùng địa hình xấu. Ngoài ra, IS còn cướp cả vũ khí của các nhóm đối lập ở Syria, các chiến binh bị bắt giữ và đội quân người Kurd.

Không chỉ sử dụng các loại vũ khí thông dụng, IS còn đang cố gắng chế tạo vũ khí hóa học, vũ khí sinh học và thậm chí cả vũ khí hạt nhân. 

Một quan chức tình báo cấp cao của Iraq trong cuộc trò chuyện với phóng viên hãng AP cho biết, IS đang tìm cách chiêu mộ các chuyên gia hóa học nước ngoài, bao gồm các chuyên gia Iraq từng làm việc cho cố Tổng thống Saddam Hussein để nghiên cứu, chế tạo vũ khí mới cho chúng. Chúng còn tìm cách lôi kéo một số chuyên gia phương Tây cũng như các thành viên của cơ quan công nghiệp hóa quân sự tại một số quốc gia ở Trung Đông. Gần đây, chúng đã chuyển địa điểm nghiên cứu từ Iraq tới Syria để đảm bảo an toàn do lo sợ thành trì Mosul sẽ bị tấn công. 

Giám đốc Ủy ban An ninh và quốc phòng của Quốc hội Iraq Hakim al-Zamila còn cho biết thêm rằng, hồi giữa tháng 11, IS đã công khai kế hoạch này của chúng khi hành quyết dã man GS Abdullah Sultan al-Abidi, Trưởng khoa Vật lý của Đại học Mosul với lý do từ chối hợp tác vũ khí sinh học cho chúng. 

Ông Patrick Martin, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh Iraq kiêm cố vấn quân sự ở Washington (Mỹ) cũng bình luận: "Chúng tôi biết chúng đang theo đuổi các loại vũ khí hóa học, nhưng chúng tôi chưa phát hiện ra điều gì ngoài khí mù tạt và clo”. 

Ông này còn cho hay, IS đã sử dụng chất độc mù tạt và clo trong ít nhất 4 vụ ở khu vực biên giới Iraq-Syria. Chất độc mù tạt có thể đã được nén vào trong các quả nổ như đạn pháo. Khi nổ, bột chứa chất độc sẽ gây phỏng da cho những ai bị dính bột. Hiện Liên hợp quốc cũng đang mở cuộc điều tra về việc IS sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.

Ngọc Khuê
.
.
.